Bản tin thời sự sáng 18/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ duyệt dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo gần 5.000 tỷ đồng; dừng khai thác hai cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết để tổ chức lễ khánh thành; Bộ Tài chính lên kế hoạch giám sát tài chính 5 doanh nghiệp; đề xuất đầu tư 8.776 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Tân Phú…

Chính phủ duyệt dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo gần 5.000 tỷ đồng

Dự án Cấp điện lưới ra Côn Đảo sẽ gồm hơn 102 km đường dây 110 kV trên đất liền, trên không, cáp ngầm và hạng mục khác, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.950 tỷ đồng.

Vị trí thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Côn Đảo trên bản đồ

Vị trí thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Côn Đảo trên bản đồ

Quyết định về chủ trương đầu tư Dự án Cấp điện lưới cho Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký. Đây là dự án đầu tư công do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, với mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn cho Côn Đảo để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hiện nguồn điện bằng máy phát diesel tại Côn Đảo ở mức gần 12 MW, thiếu hụt so với nhu cầu thực tế của địa phương này. Vì thế, Dự án Cấp điện lưới cho Côn Đảo sẽ xây dựng mới đường dây 110 kV, 1 mạch, từ trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Dự án cũng mở rộng ngăn lộ đường dây 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu và xây mới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo.

Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 4.950 tỷ đồng, trong đó 51% là vốn ngân sách nhà nước, còn lại 49% vốn của EVN. Thời gian thực hiện Dự án trong 3 năm (2023 - 2026).

Theo đề xuất trước đây của EVN, đường dây 110 kV có chiều dài khoảng 102,5 km từ trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Tuyến đường dây này sẽ gồm phần đường dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm dưới đất 6,1 km.

Ngoài ra, Dự án còn phần đầu tư mở rộng trạm biến áp hiện có tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Côn Đảo để đáp ứng việc cấp điện lưới từ đất liền ra đảo.

Dừng khai thác hai cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết để tổ chức lễ khánh thành

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm tạm dừng khai thác từ 6 đến 24h, còn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết đóng từ 12 đến 18h ngày 18/6 để phục vụ lễ khánh thành.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua tỉnh Khánh Hòa

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua tỉnh Khánh Hòa

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, điểm cầu chính lễ khánh thành nằm tại cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Điểm còn lại tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng ở Khánh Hòa và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km, vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng ở Bình Thuận cùng được thông xe gần một tháng trước. Hai tuyến cao tốc thông xe đã rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi TP. Nha Trang và ngược lại chỉ còn 5 giờ.

Bộ Tài chính lên kế hoạch giám sát tài chính 5 doanh nghiệp

Kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 áp dụng đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ Tài chính đại diện.

Bộ Tài chính dự kiến thực hiện giám sát tài chính các doanh nghiệp thông qua cả hình thức trực tiếp và gián tiếp

Bộ Tài chính dự kiến thực hiện giám sát tài chính các doanh nghiệp thông qua cả hình thức trực tiếp và gián tiếp

Bộ Tài chính mới đây đã gửi Dự thảo Kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ đại diện tới cơ quan quản lý để lấy ý kiến.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến thực hiện giám sát tài chính đối với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX); Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC); Công ty TNHH Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott); Tập đoàn Bảo Việt (BVH).

Phương thức giám sát là thực hiện trực tiếp (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp) và gián tiếp (theo dõi, kiểm tra tình hình doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, thống kê…).

Các nội dung giám sát gồm: giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp… Trong đó có hoạt động đầu tư vốn đối với các dự án đầu tư; đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, phát hành trái phiếu; tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này, gồm giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; giám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, sẽ giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết…

Đề xuất đầu tư 8.776 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, một trong những phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dự kiến có tổng mức đầu tư 8.776 tỷ đồng

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dự kiến có tổng mức đầu tư 8.776 tỷ đồng

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1, theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Dự án có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km60+243.83, vượt qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 (tại khoảng Km69+400 - Quốc lộ 20) khoảng 200 m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Tổng chiều dài Dự án khoảng 60,24 km, đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp. Phân kỳ giai đoạn 1, tuyến có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h, khoảng 4 - 5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp (theo chiều xe chạy). Tại các vị trí nút giao liên thông, nền đường đào sâu, điểm dừng xe khẩn cấp thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 24,75 m.

Dự án áp dụng hình thức thu phí kín nên trạm thu phí được đặt tại các vị trí nút giao liên thông, vị trí vào/ra cao tốc. Phạm vi Dự án bố trí 4 nút giao liên thông (nút Dầu Giây; nút ĐT.763, nút Cao Cang và nút Tân Phú).

Với quy mô xây dựng như trên, Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 8.776 tỷ đồng.

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh bị đề nghị truy tố thêm tội nhận hối lộ

Tại kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Ninh và hai thuộc cấp thêm tội "Nhận hối lộ".

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh

C03 Bộ Công an vừa ra kết luận bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Cơ quan điều tra giữ nguyên đề nghị truy tố 15 người theo Điều 222 gồm 4 người của Sở GD&ĐT Quảng Ninh là Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở; Ngô Vui, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh, đều là cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính.

11 bị can khác gồm: Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Công ty NSJ Group; Trần Thị Thanh Xuân và Trần Ngọc Thắng, cùng là cựu Tổng giám đốc Công ty MQF; Ngô Mạnh Hùng, cựu Phó Giám đốc Công ty MQF; Lê Long Hải, Giám đốc kinh doanh khu vực 3 Công ty NSJ Group; Lê Đại Tân, chuyên viên kinh doanh Công ty NSJ Group; Phạm Việt Anh, Phó phòng Dự án Công ty MQF; Hoàng Thị Minh Tâm, nhân viên Công ty MQF; Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gia Lộc; Hà Thị Thu Huyền, thẩm định viên Công ty Gia Lộc; Phạm Đức Chính, nhân viên Công ty Gia Lộc.

Ngoài ra, cơ quan điều tra đề nghị truy tố thêm 2 bị can theo Điều 222 gồm Trần Phú Hưng và Nguyễn Anh Tuấn, lần lượt là cựu Phó Tổng giám đốc và thẩm định viên Công ty Đầu tư và Định giá AIC. Như vậy, sau điều tra bổ sung, số bị can trong vụ án nâng lên 17 người.

Trong tình tiết mới khác, Hoàng Thị Thúy Nga bị đề nghị truy tố bổ sung về tội "Đưa hối lộ". Nhóm cựu cán bộ Sở là Vũ Liên Oanh, Ngô Vui, Hà Huy Long bị đề nghị truy tố bổ sung về tội "Nhận hối lộ".

Triệu tập nhân viên 13 ngân hàng vì tiếp tay mua bán thông tin khách hàng

Công an TP. Đà Nẵng phát hiện đường dây mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Đồng thời triệu tập hàng chục nhân viên của 13 ngân hàng ở các địa phương trên cả nước để làm việc.

Đối tượng H.Đ.N tại cơ quan điều tra

Đối tượng H.Đ.N tại cơ quan điều tra

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Đà Nẵng đang làm rõ một đường dây mua bán thông tin cá nhân với sự tham gia của nhân viên hàng chục ngân hàng trên toàn quốc.

Theo cơ quan công an, thời gian qua trên địa bàn TP. Đà Nẵng xuất hiện nhóm đối tượng đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến việc nhận tra soát thông tin cá nhân của khách hàng tại hàng chục hệ thống ngân hàng trên toàn quốc nhằm thu lợi bất chính.

Qua điều tra, cảnh sát xác định người bị tình nghi là H.Đ.N (thường trú tại tỉnh Lào Cai, hiện ở quận Hải Châu).

Nam thanh niên khai, từ tháng 10/2022 tham gia nhóm mạng xã hội có tên "Tài khoản ngân hàng A.T.M". Trong nhóm này có nhiều tài khoản đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến việc trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để thu lợi.

Tùy vào từng ngân hàng, thanh niên này bán thông tin mỗi tài khoản với giá từ 300.000 đồng đến 2,2 triệu đồng rồi trả cho người tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng từ 200.000 đồng đến 1,9 triệu đồng.

Tổng cộng, N. đã trao đổi, mua bán thông tin của hơn 200 tài khoản ngân hàng, thu về hơn 400 triệu đồng.

Cơ quan chức năng cũng triệu tập hàng chục nhân viên của 13 ngân hàng TMCP ở các địa phương trên cả nước liên quan đến việc tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng cho H.Đ.N.

Theo Công an Đà Nẵng, H.Đ.N còn nhận thu thập thông tin cá nhân của người khác rồi gửi cho các đối tượng có quan hệ cộng tác với nhân viên ngân hàng để đăng ký mở nhiều tài khoản ngân hàng (không đúng quy trình), bán lại cho người khác (chủ yếu bên Campuchia) để thu lợi bất chính.

Hà Nội tiêu hủy hơn 1.000 chiếc iphone, iPad nhập lậu

Lực lượng chức năng TP. Hà Nội vừa tiêu hủy khoảng 1,5 tấn hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó có hơn 1.000 chiếc điện thoại, máy tính bảng đã qua sử dụng.

Hơn 1,5 tấn hàng trong diện tiêu hủy là các sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, hàng bị cấm lưu hành và sản phẩm gây hại cho sức khỏe, môi trường

Hơn 1,5 tấn hàng trong diện tiêu hủy là các sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, hàng bị cấm lưu hành và sản phẩm gây hại cho sức khỏe, môi trường

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, đã phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành tiêu hủy 1,5 tấn hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... trị giá 4 tỷ đồng. Đây là đợt tiêu hủy hàng hóa vi phạm lần thứ 2 trong năm của lực lượng này.

Trước đó, ngày 23/5, cơ quan QLTT đã có thông báo lựa chọn đơn vị tiêu hủy số hàng hóa kể trên. Theo đó, số hàng bị tiêu hủy đợt này bao gồm hơn 1.800 bao thuốc lá điếu; 10 bình khí N20 - khí cười (trọng lượng 60 kg); 310 kg giấy và 1 máy sản xuất khẩu trang; 6 hộp pháo (khoảng 20 kg); 8 chiếc đồng hồ treo tường, để bàn (30 kg).

Đáng chú ý, trong lô hàng bị tiêu hủy còn có khoảng 948 điện thoại và 87 máy tính bảng đã qua sử dụng. Theo cơ quan chức năng, đây đều là những sản phẩm cũ, đã qua sử dụng, hết hạn bảo hành của nhà sản xuất.

Việc tiêu hủy được thực hiện và giám sát chặt chẽ bởi Hội đồng Xử lý tiêu hủy tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường nhằm hạn chế các loại hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu và ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư