Bản tin thời sự sáng 18/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là di dời hàng nghìn hộ dân khỏi kinh thành Huế; thêm lãnh đạo Louis Capital bị khởi tố trong vụ thao túng chứng khoán; Hà Nội dự kiến tăng giá nước sạch từ năm 2023; Kon Tum đề nghị loại 4 thuỷ điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch…

Di dời hàng nghìn hộ dân khỏi kinh thành Huế

Hàng nghìn hộ dân sống trong di tích hồ Tịnh Tâm, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài... đang làm thủ tục di dời, trả lại mặt bằng.

Người dân sống xung quanh di tích hồ Học Hải sẽ được di dời

Người dân sống xung quanh di tích hồ Học Hải sẽ được di dời

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết, đơn vị đang thực hiện giai đoạn 2 di dời dân sống trong khu vực I kinh thành Huế, thuộc Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo kinh thành Huế.

Theo đó, hơn 1.700 hộ dân ở hộ thành hào và tuyến phòng lộ sẽ được di dời với tổng kinh phí 455 tỷ đồng. 210 hộ ở hồ Tịnh Tâm cũng di dời với tổng kinh phí dự kiến 80 tỷ đồng.

Trấn Bình Đài có 165 hộ phải trả lại mặt bằng với kinh phí khoảng 52 tỷ đồng. Khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh có 198 hộ dân di dời, kinh phí 139 tỷ đồng.

Ngoài ra, hơn 1.000 hộ dân sống ở khu vực đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa, cũng đang được kiểm kê để di dời và thu hồi đất với kinh phí 213 tỷ đồng.

Đối với khu vực hồ Học Hải và di tích Khâm Thiên Giám, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế kiểm kê, kê khai nguồn đất sử dụng để lên kế hoạch di dời. Dự kiến, các hộ dân sống trong những khu vực này sẽ được bố trí đất định cư tại khu quy hoạch Hương Sơ. Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư này đang được triển khai.

Trước đó, thực hiện Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo kinh thành Huế, chính quyền TP. Huế đã thực hiện giai đoạn 1 di dời gần 2.000 hộ dân sống trên di tích Thượng Thành và Eo Bầu, phường Thuận Hòa, Thuận Lộc và Đông Ba, tái định cư tại khu dân cư Hương Sơ.

Thêm lãnh đạo Louis Capital bị khởi tố trong vụ thao túng chứng khoán

Thành viên HĐQT Angimex Vũ Ngọc Long và thành viên HĐQT Louis Capital Ngô Thục Vũ là 2 bị can mới nhất trong vụ thao túng chứng khoán tại Louis Holdings.

Đến nay đã có 8 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ thao túng chứng khoán tại Louis Holdings

Đến nay đã có 8 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ thao túng chứng khoán tại Louis Holdings

Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vừa có thông báo nhận được thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ thao túng thị trường chứng khoán.

Trong số các bị can mới có ông Vũ Ngọc Long, hiện là thành viên HĐQT Angimex. Tuy nhiên, vị này đã có đơn đề nghị từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT vào ngày 9/12. HĐQT sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn trong cuộc họp sớm nhất.

Bên cạnh vai trò tại Angimex, ông Vũ Ngọc Long còn đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Louis Holdings từ tháng 4/2022, thay thế cho ông Đỗ Thành Nhân.

Cùng ngày, Công ty CP Louis Capital (TGG) thông báo nhận được thông tin về Quyết định truy tố đối với ông Ngô Thục Vũ về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Louis Capital cho biết, ông Vũ là thành viên HĐQT nhưng đã nộp đơn xin từ nhiệm từ ngày 28/7. Công ty vẫn chưa nhận được quyết định chính thức từ Bộ Công an.

Trước đó, C03 đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Đỗ Thành Nhân và 7 bị can về tội thao túng thị trường chứng khoán. So với kết luận lần trước, C03 đề nghị truy tố thêm 3 bị can gồm Vũ Ngọc Long, Ngô Thục Vũ và Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Trí Việt).

Theo cáo buộc, giai đoạn 2020 - 2021, nhóm lãnh đạo Louis Holdings mua cổ phần 6 công ty, niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo ra hệ sinh thái Louis Holdings. Các đồng phạm tạo ra cung cầu giao dịch cổ phiếu giả nhằm đẩy giá cổ phiếu BII và TGG, thu lời bất chính hơn 154,7 tỷ đồng.

Hà Nội dự kiến tăng giá nước sạch từ năm 2023

Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội Mai Công Quyền cho biết, liên ngành Thành phố đang xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sau 7 năm không tăng.

Dự kiến đầu năm 2023, liên ngành của TP. Hà Nội sẽ trình UBND xem xét, quyết định phương án điều chỉnh giá nước sạch

Dự kiến đầu năm 2023, liên ngành của TP. Hà Nội sẽ trình UBND xem xét, quyết định phương án điều chỉnh giá nước sạch

Theo đó, nhà chức trách đang rà soát, thẩm định giá thành sản xuất, lưu thông làm cơ sở lên phương án điều chỉnh giá nước sạch. Dự kiến đầu năm 2023, liên ngành của Thành phố sẽ trình UBND xem xét, quyết định phương án điều chỉnh giá.

Hà Nội có 11 công ty nước sạch với tổng công suất từ các nhà máy nước tập trung đạt trên 1,5 triệu m3/người. Thành phố còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện và 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án.

Lý giải việc 7 năm qua Hà Nội không điều chỉnh giá nước, ông Quyền cho biết, giai đoạn 2013 - 2015, giá nước bình quân tăng 20%/năm, từ 2016 đến 2019, giá nước không tăng. Năm 2019, Thành phố đã giao cơ quan chuyên môn rà soát xây dựng phương án điều chỉnh nhưng do dịch Covid-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên Thành phố chưa xem xét điều chỉnh.

Hiện giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013. Theo đó, với 10 m3 đầu tiên, đơn giá là 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30 m3 (áp dụng từ 1/10/2015).

Phương án điều chỉnh được liên ngành Thành phố xây dựng năm 2019 đưa ra theo lộ trình 3 năm 2020 - 2022 với giá nước tăng lần lượt là 7.466 đồng/m3; 8.960 đồng/m3 và 9.963 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên.

Kon Tum đề nghị loại 4 thuỷ điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch

Chính quyền tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương loại 4 thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn Tỉnh do ảnh hưởng đất rừng tự nhiên, không đảm bảo an ninh trật tự.

Đến cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, trong đó 28 dự án đã hoàn thành

Đến cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, trong đó 28 dự án đã hoàn thành

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum cho biết, 4 thuỷ điện trên được Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch dự án thuỷ điện vừa và nhỏ trong nhiều đợt.

Tổng công suất 4 thuỷ điện khoảng 19,5 MW, gồm: Đăk Ruồi 1 (công suất 7 MW), Đăk Man (6 MW) và Đăk Brot (2 MW) cùng thuộc huyện Đăk Glei, Thủy điện Sông Tranh 1 (4,5 MW, huyện Tu Mơ Rông).

Theo ông Nhất, trong quá trình rà soát, Sở xác định các dự án ảnh hưởng 56 ha rừng đặc dụng; công tác tái định canh không đảm bảo... Thậm chí, Dự án Thuỷ điện Đăk Brot đã có nhà đầu tư, song doanh nghiệp không tập trung xây nhà máy mà khai thác vàng, gây mất an ninh trật tự.

Đến cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất 870 MW. Trong đó, 28 dự án đã hoàn thành, tổng công suất 329 MW. Một số dự án bị xác định ảnh hưởng môi trường, tác động tới rừng, một trong những nguyên nhân gây động đất.

Hàng chục nghìn lao động đã về quê nghỉ Tết trước cả tháng

Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết, hàng vạn lao động đã về quê nghỉ Tết trước cả tháng khi nhà máy thiếu đơn hàng, cắt giảm việc làm.

Người lao động tìm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội)

Người lao động tìm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội)

Ông Hiểu dẫn thống kê đến ngày 10/12, gần 434.000 người bị giảm giờ làm hoặc ngừng việc có hưởng lương; hơn 6.500 lao động tạm hoãn hợp đồng và 41.600 người đã mất việc.

75% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI, tập trung ở ba ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, chủ yếu ở các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và An Giang.

Thống kê cho thấy, lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, TP.HCM tăng gần 26%, Bình Dương 39,1%, Đồng Nai tăng 54,7% và Tiền Giang tăng 66,5% .

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm, về lâu dài, lao động mất việc có thể chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, giảm sút lao động có tay nghề, kinh nghiệm trong khi thị trường vốn đã thiếu hụt nhóm này; doanh nghiệp khó tuyển dụng công nhân mới khi có đơn hàng trở lại.

Công đoàn dự báo ra Tết sẽ có thêm gần 272.000 người bị giảm giờ làm và 15.800 lao động mất việc. Ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, trước mắt, các cấp công đoàn đề xuất với doanh nghiệp công bố phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng trước Tết ít nhất 20 ngày. Với lao động mất việc, các bên phải chi trả đầy đủ chế độ liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

TP.HCM dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu

Tính hết tháng 11, TP.HCM là địa phương đầu tiên đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 100 tỷ USD. Xếp sau là Bắc Ninh đạt 78,55 tỷ USD; Bình Dương đạt 54,4 tỷ USD...

Ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM năm 2022 đạt khoảng 140 tỷ USD

Ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM năm 2022 đạt khoảng 140 tỷ USD

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, đến hết tháng 11, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt 101,58 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 43,62 tỷ USD, nhập khẩu 57,96 tỷ USD.

Như vậy, tính đến hết tháng 11, TP.HCM là địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất và là địa phương đầu tiên của cả nước đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 100 tỷ USD.

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM năm 2022 đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2021, tổng nguồn thu khoảng 138.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cán cân thương mại của TP.HCM nhập siêu trên 14 tỷ USD. Điều này phản ánh tình hình sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn giảm tốc những tháng cuối năm do ảnh hưởng lạm phát ở các thị trường trọng điểm.

Xếp sau TP.HCM là Bắc Ninh đạt 78,55 tỷ USD; xếp thứ 3 là Bình Dương đạt 54,4 tỷ USD… Ngoài 3 địa phương trên, các tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn từ vài tỷ đến hàng chục tỷ USD là: Thái Nguyên, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Long An...

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận cột mốc mới về tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt 10,68 tỷ USD. Về thị trường xuất nhập khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.

Bắt quả tang cơ sở sản xuất thuốc giả quy mô lớn ở TP.HCM

Ngày 17/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 8 cho biết, vừa triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn trên địa bàn.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số thuốc giả

Lực lượng chức năng kiểm đếm số thuốc giả

Theo thông tin ban đầu, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Quận 8 ập vào kiểm tra một bãi xe trên đường Cao Lỗ (Phường 4, Quận 8). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhóm 4 đối tượng đang thực hiện sản xuất thuốc giả.

Danh tính các đối tượng gồm: Nguyễn Xuân Cường, Ao Vạn Hạnh, Trương Phong Hào, Trương Thùy Trinh. Cả 4 đối tượng cùng ở Quận 8.

Lực lượng chức năng đã khám xét và thu giữ hơn 8.500 hộp thuốc được làm giả mang nhãn hiệu Terpin - Codein, Decotyl, Asmascort, Glotal (các loại thuốc kháng sinh, trị ho, hen suyễn, giảm đau).

Qua lấy lời khai, Công an Quận 8 tiếp tục bắt giữ Huỳnh Nhật Khoa, Phạm Quốc Quyền (Quận 10) về hành vi mua bán hàng giả. Tại nơi ở của 2 nghi phạm này, công an cũng thu giữ gần 10.000 hộp thuốc giả các loại.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng khám xét một xưởng sản xuất thuốc tây giả tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), bắt giữ nghi phạm Đặng Văn Hóa, thu nhiều loại tân dược giả.

Công an Quận 8 đã kiểm đếm được gần 20.000 sản phẩm thuốc giả, trong khi số thuốc chưa kiểm đếm còn rất lớn.

Chuyên đề