Yêu cầu PMU 2 rút kinh nghiệm vì chậm trễ tại Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn
Trong bối cảnh còn hơn 2 tháng nữa phải hoàn thành cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là đoạn tiếp nối của cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 |
Bộ GTVT vừa có văn bản đôn đốc tiến độ Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn sau khi cử đoàn kiểm tra hiện trường vào đầu tháng 6.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 - PMU 2 (Chủ đầu tư) nghiêm túc rút kinh nghiệm về thiếu sót, chậm trễ trong việc đôn đốc nhà thầu triển khai thi công; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật Dự án.
Thời gian qua, Chủ đầu tư Dự án đã chậm thẩm định, phê duyệt bổ sung thiết kế kỹ thuật và dự toán, ký kết các phụ lục bổ sung hợp đồng... làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thiết kế bản vẽ thi công và tiến độ giải ngân các khối lượng hoàn thành.
Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo của PMU 2 và các nhà thầu phải thường xuyên có mặt tại hiện trường cho đến khi hoàn thành Dự án để chỉ đạo điều hành thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Trong tháng 6, Chủ đầu tư phải chỉ đạo các nhà thầu chuẩn bị đầy đủ nguồn tài chính và thiết bị để triển khai đồng loạt các mũi thi công theo phương pháp cuốn chiếu; có kế hoạch dự phòng trong trường hợp chậm tiến độ do các yếu tố phát sinh chưa lường trước.
Chủ đầu tư phải thực hiện kiểm soát hàng ngày, hàng tuần về tiến độ, khối lượng hoàn thành và công tác huy động thiết bị, nhân lực, vật tư... phục vụ thi công (đặc biệt là các hạng mục thuộc "đường găng" tiến độ như các đoạn xử lý nền đất yếu, thảm bê tông nhựa và hệ thống an toàn), có các giải pháp xử lý kịp thời trong trường hợp nhà thầu không đáp ứng kế hoạch đã đề ra.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ GTVT cho biết, để hoàn thành Dự án trước ngày 2/9 theo hợp đồng đã ký kết, Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải có trách nhiệm kiện toàn công tác tổ chức điều hành, huy động bổ sung các nhân sự còn thiếu trước ngày 20/6.
TP.HCM có thể thu hàng chục nghìn tỷ đồng từ đấu giá đất dọc Vành đai 3
Theo tính toán của Sở GTVT TP.HCM, quỹ đất vùng phụ cận Dự án Vành đai 3 tại địa bàn TP.HCM là hơn 2.400 ha, trong đó có khoảng 500 ha đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý có thể bán đấu giá thu về gần 27.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, nếu rà soát, thu hồi và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, tổ chức đấu giá sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.
Khu vực sắp triển khai Dự án Vành đai 3 TP.HCM |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác rà soát quy hoạch đô thị, phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM.
Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu giúp lãnh đạo UBND TP.HCM triển khai thực hiện rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch. Tham mưu công tác thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu để phục vụ kế hoạch khai thác quỹ đất dọc 2 bên tuyến đường Vành đai 3, cập nhật vào quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040; xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận.
Đặc biệt, Tổ công tác sẽ đề xuất với UBND TP.HCM các dự án ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để khai thác hiệu quả quỹ đất. Nghiên cứu thí điểm mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông) theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận để tạo quỹ đất đấu giá chọn nhà đầu tư.
Rà soát quỹ đất công dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 hoặc tiệm cận và rà soát quy hoạch đất nông nghiệp tại khu ít dân cư, để đề xuất chủ trương đầu tư lập dự án bồi thường đất nông nghiệp bằng đất ở tạo quỹ đất sạch. Từ đó tham mưu tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội cho TP.HCM.
Công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong tháng 6
Bộ Tài chính cho biết đã có kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ, dự kiến công khai trong tháng 6.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện kết luận thanh tra về 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có bán sản phẩm qua ngân hàng. Ảnh minh họa |
Tại họp báo thường kỳ chiều 16/6, ông Doãn Thanh Tuấn, Cục Phó Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đang hoàn thiện kết luận thanh tra, báo cáo cơ quan chức năng về 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có bán sản phẩm qua ngân hàng. Trong tháng 6 sẽ có kết luận chính thức và thông tin công khai.
Cuối tháng 3, cơ quan này cho biết đã phát hiện một số sai phạm trong bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp.
Với vụ việc tiền gửi ở Ngân hàng SCB bị biến thành bảo hiểm nhân thọ Manulife, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến nay chưa có con số cập nhật mới. Thông tin gần nhất được đại diện Bộ Công an cung cấp đầu tháng này là đã tiếp nhận 579 đơn tố cáo và Manulife đã hoàn trả 800 tỷ đồng cho khách hàng.
Thời gian qua, nhiều khách hàng đã đồng loạt khiếu nại về sản phẩm "Tâm an đầu tư" của Manulife được phân phối qua SCB. Điểm chung của khiếu nại là khi khách hàng đến gửi tiền tại Ngân hàng bị dụ gửi "tiết kiệm đầu tư để lãi hơn" nhưng lại thành bảo hiểm nhân thọ.
Trước bối cảnh khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm (khách hàng bị ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, sổ tiết kiệm bị hô biến thành bảo hiểm nhân thọ), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sai phạm.
Bắt nguyên Trưởng và Phó phòng Quản lý đô thị liên quan đến vụ 500 căn biệt thự xây trái phép tại Đồng Nai
Liên quan đến việc khởi tố vụ 500 căn biệt thự xây trái phép ở Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt tạm giam 2 bị can nguyên là Trưởng và Phó phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom.
Công an đọc lệnh bắt tạm giam ông Phan Duy Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai |
Ngày 16/6, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã khởi tố và bắt tạm giam ông Phan Duy Nghĩa (SN 1964, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom), ông Nguyễn Hải Triều (Phó phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom), cấm đi khỏi nơi cư trú với bà Nguyễn Lan Hạnh (chuyên viên phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Trảng Bom).
Các quyết định khởi tố và bắt tạm giam đã được viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng thi hành lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của 3 người trên. Quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ một số tài liệu có liên quan đến vụ án.
Đây là kết quả của quá trình điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom do Công ty CP Đầu tư LDG làm Chủ đầu tư, được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án hình sự vào ngày 29/5.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ hành vi sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Siết chặt việc thành lập mới trung tâm đăng kiểm
Cơ sở bảo dưỡng được tham gia kiểm định ô tô, nhưng phải phù hợp với quy hoạch, số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn, theo Nghị định 30/2023.
Đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội |
Sáng 16/6, tại Hội nghị triển khai Nghị định 30/2023 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, với nhiều quy định siết chặt, việc thành lập trung tâm đăng kiểm mới không còn dễ dàng như trước.
Cụ thể, nghị định quy định thành lập mới đơn vị đăng kiểm phải phù hợp quy hoạch tỉnh, chuyên ngành và số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn. Vị trí trung tâm đăng kiểm phải phù hợp kết nối hệ thống giao thông, thuận tiện cho ôtô ra vào kiểm định, không gây cản trở, ùn tắc, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Theo Nghị định 30, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, kinh doanh ô tô được tham gia dịch vụ kiểm định xe cơ giới để tận dụng nguồn lực xã hội, nhưng phải xin giấy phép hoạt động kiểm định và được cơ quan chức năng xem xét cấp phép theo nhu cầu của địa phương...
Theo ông Phương, thời gian qua, không ít chủ đầu tư can thiệp vào hoạt động kiểm định xe cơ giới của đăng kiểm viên, làm sai lệch kết quả kiểm định, gây nhiều hệ lụy. Vì thế, nghị định mới nghiêm cấm chủ đầu tư can thiệp hoạt động kiểm định của đơn vị trực thuộc và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới. Chủ đầu tư cũng liên đới chịu trách nhiệm với vi phạm của đơn vị đăng kiểm.
Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, các quy định được sửa đổi trong nghị định mới nhằm tăng hiệu quả của quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng kiểm định.
Trước đó, do các quy định nới lỏng điều kiện thành lập, số đơn vị đăng kiểm được xã hội hóa tăng nhanh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và có nhiều sai phạm.
TP.HCM sắp chi 126 tỷ đồng cắm mốc bảo vệ 59 tuyến sông, rạch
TP.HCM dự kiến chi 126 tỷ đồng cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh rạch với tổng chiều dài hơn 553 km để tránh tình trạng lấn chiếm.
Một khúc sông Sài Gòn phía TP. Thủ Đức bị chiếm hành lang sông để kinh doanh. |
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa báo cáo HĐND, UBND TP.HCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Sở đề xuất cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh rạch với tổng chiều dài hơn 553 km. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 126 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026.
Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến dài nhất được cắm mốc trên chiều dài gần 72 km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP. Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh.
Một số tuyến sông khác cũng được cắm mốc như: Soài Rạp dài gần 60 km; sông Lòng Tàu dài 32 km và hơn 7 km sông Đồng Nai. Ngoài ra, hàng loạt kênh, rạch khác cũng được thành phố cắm mốc hành lang bảo vệ như rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh rạch... nhằm làm cơ sở kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm.
Việc cắm mốc cũng giúp tạo quỹ đất để xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh, rạch, xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng, công viên, cây xanh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT TP.HCM), hiện có 107 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch ở TP. Thủ Đức và 8 quận, huyện.