Việt Nam mở cửa du lịch từ 15/3
Lãnh đạo Chính phủ đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, từ 15/3.
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, Quảng Nam |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15/3/2022.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì việc thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện.
Các bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại giao báo cáo chi tiết với Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này.
Hiện các bộ, ngành đã thống nhất báo cáo Chính phủ đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa; thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, chỉ cần đáp ứng quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24h đối với xét nghiệm nhanh; 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR). Với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này; cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn và bật liên tục trong thời gian ở Việt Nam...
Dùng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn điện tử từ ngày 18/2
Từ ngày 18/2, công dân khi đi làm các thủ tục hành chính không cần mang giấy khai sinh, đăng ký kết hôn bản giấy mà dùng dữ liệu điện tử, có mã QR Code.
Bản điện tử có mã QR Code của giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. |
Đây là nội dung Thông tư 01/2022, có hiệu lực từ ngày 18/2 do Bộ Tư pháp ban hành, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 87/2020 về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Theo Điều 9 Thông tư, bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị pháp lý như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến. Bản điện tử còn có giá trị thay thế giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Mã QR Code trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch là địa chỉ Internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Các cơ quan khi tiếp nhận bản điện tử hộ tịch của công dân có thể kiểm tra độ chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật thông qua mã QR Code.
Khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bắt đầu được thay thế bằng số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Nhà chức trách cũng quyết định "khai tử" sổ hộ khẩu giấy vào cuối năm 2022.
Đà Nẵng cho trẻ mầm non đến trường từ ngày 21/2
Từ 21/2, các trường mầm non trên địa bàn TP. Đà Nẵng sẽ mở cửa đón trẻ trên cơ sở đăng ký tự nguyện của phụ huynh.
Trẻ mầm non trường Bình Minh (quận Hải Châu), trong một buổi học ngoại khóa tập làm chiến sĩ, tháng 4/2021 |
Thành phố cho phép các trường mầm non ở địa bàn cấp độ dịch một, hai, ba (xanh, vàng, cam) mở cửa đón trẻ. Ngoài mốc nêu trên, thời gian cụ thể đối với từng trường sẽ do UBND các quận, huyện quyết định sau khi kiểm tra thực tế.
Quyết định cho trẻ đến trường được triển khai dựa trên cơ sở đăng ký tự nguyện của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Nhà trường phải chủ động liên lạc thường xuyên với phụ huynh để xác định số lượng đi học và số trẻ tham gia bán trú.
Phương án bán trú được tổ chức khi cơ sở giáo dục cam kết đảm bảo các điều kiện về thực phẩm và dinh dưỡng; tuân thủ các nguyên tác phòng, chống dịch bệnh.
Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học từ 5/2021. Đến 10/2, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất cho học sinh toàn Thành phố đi học trực tiếp. Học sinh tiểu học đến trường từ 21/2. Bậc THCS và THPT đã đi học (khối lớp 6 muộn nhất) từ ngày 14/2.
Mầm non là cấp học được trở lại trường muộn nhất. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 14/2, có 54/63 tỉnh thành cho học sinh dưới năm tuổi trở lại trường. Với quyết định mở cửa cấp học này của Đà Nẵng, cả nước sẽ có 55 địa phương cho trẻ mầm non đến lớp. 8 tỉnh thành chưa mở trường mầm non gồm: Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang.
Khởi công nhà ga T2 sân bay Đồng Hới trong năm 2022
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư bố trí vốn để khởi công nhà ga T2 sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) trong năm 2022.
Cảng hàng không Đồng Hới hiện có công suất 500.000 khách |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư xây dựng tiến độ và cam kết bố trí vốn để bảo đảm khởi công Dự án. Trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng khởi công cần sớm báo cáo cơ quan quản lý, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình nghiên cứu phương án huy động nguồn lực đầu tư theo quy định.
Nhà ga T2 sân bay Đồng Hới được ACV đề xuất xây mới để nâng công suất lên 3 triệu khách hành mỗi năm, cùng với sân đỗ ôtô và các công trình phụ trợ rộng 19 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.222 tỷ đồng bằng vốn của doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh, hai năm qua dịch bệnh gây nhiều khó khăn, giảm doanh thu các cảng hàng không. Tuy nhiên, ACV vẫn đảm bảo nguồn vốn ưu tiên cho sân bay Long Thành và có kế hoạch đầu tư, mở rộng các sân bay Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo, Đồng Hới.
Hiện nay, nhà ga hành khách sân bay Đồng Hới có công suất 500.000 khách mỗi năm, đã khai thác vượt thiết kế. Năm 2019 là hơn 539.000 khách, năm 2020 dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản lượng hành khách vẫn đạt trên 487.000. Việc khai thác vượt công suất thiết kế ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, điều kiện an ninh an toàn tại cảng.
Hiện nay, sân bay Đồng Hới có 5 hãng hàng không trong nước khai thác 3 đường bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP.HCM, Đồng Hới - Hải Phòng và một đường bay quốc tế thường lệ Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan).
Gần 2.000 container hàng tồn ở cửa khẩu Lạng Sơn
Đến ngày 16/2, khoảng 2.000 container hàng hoá đang nằm chờ ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, trong đó 82% là nông sản, hoa quả tươi.
Nhiều xe hàng nằm chờ ở bãi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) |
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Anh Minh, năng lực thông quan hiện vẫn rất hạn chế, khoảng 100 - 120 xe một ngày tại 3 cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma. Phía Trung Quốc theo đuổi mục tiêu "zero Covid" nên siết chặt các biện pháp kiểm soát, phương thức giao nhận hàng để phòng, chống dịch.
Khoảng 2.000 xe đang nằm chờ tại các bến bãi tại cửa khẩu. Với năng lực thông quan hạn chế như này, theo ông Minh, phải mất 10 - 15 ngày Lạng Sơn mới xuất hết số xe này sang Trung Quốc.
Sau ngày 25/2, Sở Công Thương Lạng Sơn sẽ đánh giá lại tình hình, năng lực thông quan và lượng xe tồn tại các bến bãi, cửa khẩu để có biện pháp tiếp nhận hàng hoá hoa quả tươi từ các tỉnh, xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Bộ Công Thương, đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để có giải pháp, nâng cao năng lực thông quan. Nếu hai bên thống nhất thực hiện được, hy vọng năng lực thông quan sẽ cải thiện.
Phương án tăng năng lực thông quan tại cửa khẩu, theo đề xuất của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với phía Trung Quốc, là đề nghị cho lái xe chuyên trách Việt Nam lái phương tiện chở hàng hoá xuất nhập khẩu nhập cảnh vào khu vực bãi hàng Khả Phong (Pò Chài, Trung Quốc) để giao nhận hàng. Khi lưu thông trên lãnh thổ Trung Quốc sẽ niêm phong buồng lái, quản lý khép kín, không tiếp xúc... Phương án này đang được phía Trung Quốc xem xét.
Hàng không Việt nối lại đường bay đến Malaysia
Từ ngày 17/2, Vietnam Airlines khai thác trở lại đường bay TP.HCM - Kuala Lumpur, sau gần hai năm dừng vì đại dịch.
Từ ngày 17/2, Vietnam Airlines khai thác trở lại đường bay TP.HCM - Kuala Lumpur |
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, chặng TP.HCM - Kuala Lumpur và chiều ngược lại khởi hành vào các ngày 17/2, 22/2, 27/2 và thứ Tư hàng tuần, từ 1/3.
Đây là đường bay quốc tế thường lệ đầu tiên được khôi phục thêm của hàng không Việt Nam sau ngày dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra Covid-19.
Từ ngày 1/1 đến nay, Vietnam Airlines đã nối lại 24 đường bay thẳng đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào và Campuchia.
Vietnam Airlines cho biết sẽ khôi phục dần toàn bộ mạng bay quốc tế theo nhu cầu thị trường. Từ tháng 4, Hãng sẽ nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế lên ít nhất 95 chuyến mỗi tuần và từ tháng 7 là ít nhất 164 chuyến bay hàng tuần.
Cùng ngày, Vietjet Air công bố tăng tần suất 6 chuyến bay khứ hồi giữa TP.HCM và thủ đô Bangkok từ tháng 3 tới, gấp đôi tần suất hiện tại.
Vietjet đã khai thác trở lại các chuyến bay thương mại quốc tế kết nối Hà Nội, TP.HCM với Tokyo, Đài Bắc, Seoul, Singapore và Bangkok.
Hiện các hãng hàng không Việt đã nối lại đường bay quốc tế đến 15 quốc gia/vùng lãnh thổ như trước dịch, còn các điểm đến chưa mở lại là Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Bắc Kinh/Quảng Châu.
Đề xuất hỗ trợ 3 tháng tiền trọ cho lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất lao động đang phải thuê nhà, ở trọ được hỗ trợ 500.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.
Một dãy trọ cho lao động thuê với giá 500.000 đồng mỗi phòng ở xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) |
Bộ Lao động đang lấy ý kiến về dự thảo hướng dẫn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, trên cơ sở nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Dự thảo sẽ hoàn thành trong tháng 2, áp dụng với lao động khu vực chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, Bộ đề xuất hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện là lao động làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang thuê trọ từ ngày 1/1 - 30/6/2022; có hợp đồng lao động ký trước ngày 1/1/2022 và đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước lúc doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Với lao động quay trở lại thị trường, chính sách hỗ trợ một triệu đồng/tháng/người, tối đa 3 tháng. Mức này áp dụng cho lao động làm việc trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, đang phải ở nhà thuê, ở trọ từ ngày 1/1 - 30/6/2022; có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên và thời điểm ký ngày 1/1 - 30/6/2022; đang tham gia BHXH bắt buộc hoặc có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Quy trình kéo dài tối thiểu 13 - 15 ngày từ lúc nộp hồ sơ tới lúc người lao động nhận được tiền hỗ trợ. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.