Bản tin thời sự sáng 16/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vũng Tàu muốn xây công viên hơn 2.000 tỷ đồng ở Bãi Sau; Bình Thuận khai thác hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi; khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong tháng 8; toà tháp nghìn tỷ bỏ hoang của Vicem được hồi sinh; Thành ủy TP.HCM thống nhất dừng dự án xe buýt nhanh BRT gần 3.300 tỷ đồng…

Vũng Tàu muốn xây công viên hơn 2.000 tỷ đồng ở Bãi Sau

Khu vực biển Bãi Sau Vũng Tàu dọc đường Thùy Vân được đề xuất quy hoạch thành công viên công cộng, hầm đậu xe, với tổng kinh phí ước tính hơn 2.000 tỷ đồng.

Phối cảnh Bãi Sau theo phương án quy hoạch được đề xuất

Phối cảnh Bãi Sau theo phương án quy hoạch được đề xuất

Đây là một trong ba phương án quy hoạch chi tiết 1/500 trục đường Thùy Vân và biển Bãi Sau với diện tích gần 25 ha vừa được UBND TP. Vũng Tàu đề xuất. Nếu được chính quyền tỉnh thông qua, việc đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Theo đó, phía biển dọc đường Thùy Vân dự kiến xây dựng thành công viên công cộng, là "trái tim" của ngành du lịch TP. Vũng Tàu. Tại đây, sẽ có quảng trường rộng 2 ha; các không gian mở cuối đường Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh như công viên ánh sáng, quầy cà phê, sinh hoạt tập thể... cho người dân và du khách trải nghiệm 24/24h.

Khu vực cũng được bố trí 10 điểm dịch vụ tiện ích công cộng; tầng hầm rộng hơn 5,5 ha với 2.200 chỗ đậu xe cuối đường Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám; hệ thống kè biển nơi đây sẽ được cải tạo và xây mới...

Với mật độ xây dựng 2,5%, cách quy hoạch này được cho sẽ giúp giải quyết các tồn tại ở khu vực biển Bãi Sau như: ít lối tiếp cận xuống biển cho người dân, du khách; hạ tầng xuống cấp; thiếu không gian mở để tổ chức các sự kiện lớn của Thành phố.

Chính quyền TP. Vũng Tàu cũng đánh giá đây là phương án khả thi, chi phí hợp lý, có thể triển khai ngay sau khi quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu cấp bách của việc chỉnh trang trục đường Thùy Vân. Ngoài ra, các tiện ích, chức năng trong khu vực hoàn toàn hướng đến cộng đồng.

Bình Thuận khai thác hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi

Hơn 600 ha rừng ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) được khai thác để làm hồ thủy lợi Ka Pét, dung tích hơn 51 triệu m3, 1.844 ha rừng thay thế sẽ được trồng ở nơi khác.

Mô hình thiết kế đập trong Dự án hồ thủy lợi Ka Pét

Mô hình thiết kế đập trong Dự án hồ thủy lợi Ka Pét

Hồ chứa nước Ka Pét có tổng vốn hơn 874 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào năm tới, hoàn thành năm 2025. Công trình đã được Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 và điều chỉnh cuối tháng 6. Mục tiêu Dự án là cung cấp nước cho nông nghiệp; khu công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường và điều tiết nước vùng hạ du Hàm Thuận Nam.

Hồ có dung tích hơn 51 triệu m3, được xây dựng tại xã Mỹ Thạnh, trên diện tích hơn gần 700 ha, trong đó có hơn 619 ha đang là rừng tự nhiên, gồm cả 3 loại: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, diện tích rừng được khai thác để nhường đất cho Dự án đang thuộc quản lý của 3 đơn vị, gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận. Công tác cắm mốc ở thực địa đang được thực hiện nhằm quản lý chặt phần rừng ngoài ranh giới khi bắt đầu khai thác rừng.

Hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chuẩn bị đấu thấu, chọn tư vấn lập phương án khai thác, định giá lâm sản, làm cơ sở đấu giá. Đơn vị trúng thầu sẽ được bàn giao rừng để khai thác gỗ và lâm sản có giá trị.

Để bù lại diện tích rừng tự nhiên bị "xóa sổ", địa phương sẽ phải trồng lại hơn 1.800 ha ở những nơi khác trong Tỉnh theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang tổng hợp danh sách đăng ký trồng rừng của các đơn vị chủ rừng trong Tỉnh để tham mưu UBND Tỉnh duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng thay thế. Tổng chi phí trồng lại rừng gần 177 tỷ đồng.

Chưa tháo dỡ trạm thu phí Quốc lộ 51

Trạm thu phí Quốc lộ 51 dừng hoạt động song cơ quan quản lý chưa tháo dỡ trạm do chưa chấm dứt hợp đồng trước hạn với nhà đầu tư, theo Bộ Giao thông vận tải.

Trạm thu phí trên Quốc lộ 51 đã dừng thu từ 13/1/2023

Trạm thu phí trên Quốc lộ 51 đã dừng thu từ 13/1/2023

Bộ Giao thông vận tải trả lời kiến nghị phá dỡ trạm thu phí Quốc lộ 51 của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo Bộ, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức BOT đã tạm dừng thu phí từ 13/1/2023. Trạm BOT dừng hoạt động, song cơ sở vật chất vẫn chưa tháo dỡ gây hẹp mặt đường, dễ gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

Cục Đường bộ Việt Nam đã họp bàn để tiếp nhận quản lý, bảo quản công trình dự án, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và chuyển giao công trình thuộc sở hữu toàn dân, nhưng chưa thống nhất được với Công ty CP Phát triển cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - nhà đầu tư). Do dự án chưa chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên việc tháo dỡ tài sản dự án BOT chưa thực hiện được.

Trước mắt, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường theo dõi giao thông trên tuyến và tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư để sớm chấm dứt hợp đồng.

Quốc lộ 51 dài 86 km, là tuyến huyết mạch kết nối 3 tỉnh thành Đông Nam Bộ là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đường bị quá tải và xuống cấp, từ năm 2009, BVEC được giao thực hiện dự án BOT mở rộng 72 km trên Quốc lộ, tổng đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, khai thác từ tháng 4/2013. Thời gian thu phí dự kiến 20 năm 6 tháng và kết thúc vào 12/1/2030.

Dự kiến năm 2018 có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song hành Quốc lộ 51, lưu lượng xe của Dự án sẽ phân lưu sang cao tốc khoảng 60%. Tuy nhiên, đến nay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa triển khai, dẫn đến lưu lượng xe thực tế trên Quốc lộ 51 cao hơn so với phương án tài chính ban đầu, do đó thời gian thu phí của Dự án kết thúc sớm hơn so với hợp đồng đã ký.

Khởi công gói thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong tháng 8

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã trao hợp đồng gói thầu thi công xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho nhà thầu để khởi công trong tháng 8.

Phối cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Phối cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất gồm ba hạng mục là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng và cầu cạn. Gói thầu nhà ga có trị giá lớn nhất hơn 9.030 tỷ đồng, thi công trong 20 tháng.

Nhà ga hành khách gồm một tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2, thiết kế thành hai cao trình phục vụ khách đi và đến riêng biệt. Nhà ga có 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy gửi hành lý tự động, 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay (13 cửa ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.

Nhà thầu thi công nhà ga là Liên danh Tổng công ty CP Xây dựng Hà Nội - Tổng công ty CP Xây dựng số 1 - Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư xây dựng RICONS - Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.

ACV cho biết sẽ khởi công gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 trong tháng 8. Sau khi hoàn thành, nhà ga T3 sẽ phục vụ quốc nội với công suất 20 triệu hành khách mỗi năm, khai thác được tất cả máy bay code C và code E (các loại máy bay thân rộng).

Toà tháp nghìn tỷ bỏ hoang của Vicem được hồi sinh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, Bộ Xây dựng chỉ đạo Vicem tiếp tục hoàn thiện toà tháp ở đường Phạm Hùng, TP. Hà Nội.

Toà tháp nghìn tỷ bỏ hoang của Vicem

Toà tháp nghìn tỷ bỏ hoang của Vicem

Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được đề xuất, ý kiến của các bộ, ngành, TP. Hà Nội liên quan đến tái đầu tư Dự án Toà tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (tháp Vicem - lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội), vốn bị bỏ hoang 8 năm nay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án này. Bộ này trước đó đã đề xuất cho Vicem tiếp tục hoàn thiện Dự án để khai thác. Đề xuất này dựa trên chính nhu cầu của Vicem sau nhiều năm doanh nghiệp để hoang hóa toà nhà.

Tháp Vicem được tổng công ty này đầu tư từ năm 2010 trên khu đất rộng gần 8.500 m2, diện tích xây dựng là 2.800 m2; quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm. Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.951 tỷ đồng, sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng. Việc đầu tư nhằm xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.

Năm 2011, toà tháp được khởi công, tuy nhiên sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm, phần thân công trình thì bị đắp chiếu từ 8/2015 đến nay.

Giai đoạn sau đó, Vicem đã nhiều lần đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập phương án, tìm đối tác chuyển nhượng toà tháp để hoàn vốn. Bộ Xây dựng đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho Tổng công ty chuyển nhượng vào tháng 3/2017.

Tuy nhiên, hoạt động này không thực hiện được do Dự án gặp nhiều vướng mắc về pháp luật đầu tư, đất đai, việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất thuộc doanh nghiệp nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm ít nhất 1,5% lãi khoản vay cũ

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, các ngân hàng được giao nhiệm vụ giảm 1,5 - 2% lãi suất khoản vay cũ và mới.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm ít nhất 1,5% lãi khoản vay cũ

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm ít nhất 1,5% lãi khoản vay cũ

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, phấn đấu mức giảm ít nhất từ 1,5% - 2% một năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, các nhà băng phải báo cáo kế hoạch giảm lãi suất trước ngày 25/8. Còn kết quả giảm lãi suất dư nợ hiện hữu và khoản cho vay mới phải được gửi về Ngân hàng Nhà nước trước 8/1/2024.

Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm trần lãi suất huy động và các loại lãi suất điều hành khác nhằm định hướng xu hướng lãi suất của thị trường. Lãi suất huy động theo đó, giảm nhanh và mạnh. Từ mức cao nhất trên 10% vào hồi đầu năm, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện về vùng 7,5 - 7,6% một năm.

Còn với lãi suất cho vay, một số nhà băng gần đây tung nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng cho vay ảm đạm.

Lãi suất khoản vay cũ tại các nhà băng cũng đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên giảm chậm hơn so với lãi suất khoản vay mới. Tùy từng nhà băng và nhóm khách hàng, lãi suất khoản vay hiện hữu giảm khoảng 1% - 2% từ đầu năm tới nay.

Sân bay Đà Nẵng đưa vào hoạt động hệ thống xuất, nhập cảnh tự động

Hành khách sử dụng hệ thống cổng kiểm soát tự động phải đi qua hai lớp cửa. Lớp thứ nhất để quét hộ chiếu, thẻ lên tàu bay. Lớp thứ hai, hành khách thực hiện chụp ảnh chân dung, quét vân tay.

Hệ thống cổng kiểm soát tự động xuất cảnh vừa đưa vào sử dụng

Hệ thống cổng kiểm soát tự động xuất cảnh vừa đưa vào sử dụng

Ngày 15/8, Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng chính thức khai thác, vận hành và đưa vào sử dụng 4 hệ thống cổng kiểm soát tự động (Autogate) xuất, nhập cảnh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng để phục vụ hành khách.

Bốn hệ thống được đưa vào sử dụng; trong đó có hai hệ thống ở khu vực xuất cảnh và hai hệ thống ở khu vực nhập cảnh của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Trong thời gian đầu, cổng kiểm soát tự động được áp dụng cho các đối tượng là công dân Việt Nam có hộ chiếu hợp lệ; công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu không gắn chip điện tử cần thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng Autogate thành công trước khi sử dụng cổng và chỉ cần đăng ký cấp phép một lần cho tất cả các lần xuất, nhập cảnh tiếp theo nếu hộ chiếu còn hợp lệ; công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu gắn chip điện tử sẽ không phải làm thủ tục đăng ký.

Trong trường hợp xuất cảnh, công dân Việt Nam sử dụng Autogate phải đáp ứng một số điều kiện như sử dụng hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ; sử dụng hộ chiếu phổ thông và có thẻ ABTC; công dân Việt Nam là thành viên tổ bay sử dụng Autogate để thực hiện nhiệm vụ của tổ bay.

Đối với trường hợp người nước ngoài, hiện chưa áp dụng sử dụng cổng kiểm soát tự động để nhập cảnh; chỉ áp dụng xuất cảnh khi người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Thành ủy TP.HCM thống nhất dừng dự án xe buýt nhanh BRT gần 3.300 tỷ đồng

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất chủ trương dừng thực hiện Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM - Dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng.

Phối cảnh tuyến buýt nhanh BRT số 1 của TP.HCM

Phối cảnh tuyến buýt nhanh BRT số 1 của TP.HCM

Thông tin trên được UBND TP.HCM nêu trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển giao thông xanh TP.HCM.

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM - Dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 của TP.HCM - được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD (sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới - WB). Thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2019).

Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm trễ, cuối năm 2020, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án BRT số 1, trong đó vốn vay ODA của WB giảm còn hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố hơn gần 423 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án đến năm 2023.

Tuyến BRT số 1 ở TP.HCM dài 26 km, từ vòng xoay An Lạc đến cầu Rạch Chiếc. Theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Dự án đi qua các quận huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP. Thủ Đức.

Theo UBND TP.HCM, WB có thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông báo việc tạm ngừng giải ngân Khoản tín dụng số 5654-VN cho Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM. Tiếp đó, WB có thư gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về ngưng thực hiện dự án này.

Ngày 12/7/2023, Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã có tờ trình báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để xem xét việc dừng triển khai thực hiện Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM.

Đến ngày 24/7, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có thông báo kết luận về việc thống nhất chủ trương ngưng thực hiện Dự án theo đề nghị của WB.

Đường sắt đề xuất được cho thuê nhà đất, làm dịch vụ hạ tầng viễn thông

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề xuất cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt, cho mở rộng ngành nghề kinh doanh như cho thuê, quản lý nhà và đất không để ở; cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông...

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề xuất phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đến năm 2025.

Theo đó, ngoài những ngành nghề đang kinh doanh hiện nay, VNR được phép mở rộng ngành nghề kinh doanh chính như cho thuê, điều hành, quản lý nhà và đất không để ở; dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch; cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông

Ngoài ra, VNR cũng được căn cứ vào nhu cầu sản xuất kinh doanh để bổ sung các ngành, nghề kinh doanh khác sau khi được đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngành đường sắt không tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ - VNR và các công ty thành viên. Tuy nhiên VNR phải cơ cấu lại, thoái vốn các công ty cổ phần, công ty liên kết có vốn góp của VNR. Riêng Công ty TNHH Hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty CP Mặt trời – Đường sắt Việt Nam không thực hiện thoái vốn.

Hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt. Giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Công ty CP Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty CP Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.

Đối với các đơn vị trực thuộc VNR, sáp nhập nguyên trạng Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2 và Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 vào Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1…

Chuyên đề