Bản tin thời sự sáng 16/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mở cửa xả đáy thứ 5 hồ Hòa Bình; phí tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất cao nhất 432.000 đồng mỗi lượt; cao tốc Bắc - Nam còn thiếu 2,8 triệu m3 đất đắp; công trường Metro số 1 bị trộm nhiều vật tư; Tân Hoàng Minh đóng cửa công ty, báo công an vì có người đe dọa sử dụng vũ khí…

Mở cửa xả đáy thứ 5 hồ Hòa Bình

Cửa xả đáy thứ 5 hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) sẽ được mở để đưa mực nước thượng lưu hồ về 105 m, giảm gần 4 m so với hiện nay.

Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy

Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy

Chiều 15/6, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã yêu cầu Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ 5, đồng thời thông báo cho chính quyền, các hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy... khu vực hạ du biết để bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Cửa xả đáy thứ nhất và thứ hai hồ thủy điện Hòa Bình được mở vào ngày 12/6, hai cửa còn lại mở ngày 13/6. Hiện lưu lượng nước về hồ 7.900 m3/s, lưu lượng xả 8.960 m3/s.

Lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, thời gian qua lưu vực sông Đà mưa lớn, nước ào ạt đổ về nên buộc phải xả để đảm bảo an toàn cho công trình. Nếu mưa ngớt, sẽ mất khoảng 2 - 3 ngày để mực nước hồ trở về 105 m.

Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà, dung tích khoảng 9,45 tỷ m3, có nhiệm vụ cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình, dự trữ nước vào mùa khô. Hồ có tất cả 12 cửa xả đáy. Năm 2017, do lũ lớn, thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy - nhiều nhất từ trước tới nay.

Phí tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất cao nhất 432.000 đồng mỗi lượt

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến thu phí từ đầu tháng 7, với mức đề xuất 108.000 - 432.000 đồng mỗi lượt.

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ vận hành đầu tháng 7.

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ vận hành đầu tháng 7.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang Trần Văn Bon, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất giá vé qua trạm thu phí cao tốc nối Long An và Vĩnh Long (đi qua 5 huyện Tiền Giang).

Với phương án này, cao tốc sẽ hoàn vốn trong 14 năm 8 tháng 12 ngày, cứ ba năm giá vé tăng 15%. Theo ông Bon, đây chỉ là mức phí theo phương án tài chính dự án được Tỉnh phê duyệt cuối năm 2019. Về quy trình, sau khi các bên đề xuất, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan cuối cùng phê duyệt.

Mức phí đề xuất của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tương đương tuyến TP.HCM - Trung Lương nằm liền kề (dài 62 km, hoạt động từ năm 2010, phí 1.000 - 8.000 đồng mỗi km, tùy xe). Song về lâu dài, mức phí của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ cao hơn bởi mỗi ba năm sẽ tăng 15%.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Tuyến rộng 16 m, gồm 4 làn xe, giai đoạn đầu không có làn khẩn cấp, thay vào đó mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn. Hiện, Dự án đã được giải phóng mặt bằng cho 6 làn xe.

Tuyến đường hoạt động chính thức từ 30/4. Sau 40 ngày, có gần 800.000 lượt xe đi trên tuyến, trung bình 23.000 lượt xe mỗi ngày đêm.

Cao tốc Bắc - Nam còn thiếu 2,8 triệu m3 đất đắp

Đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) thiếu 0,8 triệu m3 đất đắp nền đường, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Ninh Thuận) thiếu khoảng 2 triệu m3.

Công trình cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận)

Công trình cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận)

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, 4 dự án cao tốc Bắc Nam là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đang bị ảnh hưởng tiến độ, trong khi các dự án cần tăng tốc để hoàn thành cuối năm nay.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới đạt sản lượng 40% giá trị hợp đồng, chậm 1,9% so với kế hoạch. Các đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai) dài 99 km đang chậm khoảng 3,8% so với kế hoạch. Đoạn Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế) dài 98,3 km cũng đang bị chậm 1,5%.

Thiếu vật liệu xây dựng là một trong ba nguyên nhân (cùng với thời tiết bất lợi, bão giá nguyên vật liệu) dẫn đến chậm tiến độ. Thiếu nhiều nhất là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 100 km, khiến công tác đắp nền đường tại dự án này mới đạt 71% khối lượng. Địa phương đã cấp phép khai thác 5 mỏ đất với tổng trữ lượng 2,2 triệu m3, song chưa được nhà thầu khai thác. Trong đó, một mỏ có trữ lượng 0,11 triệu m3 đang phải hoàn thiện thủ tục; bốn mỏ hơn 2 triệu m3 phải dừng khai thác từ giữa tháng 5 để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.799 km. Bộ Giao thông vận tải đang triển khai 11 dự án giai đoạn 2017 - 2020, dài 654 km đi qua 13 tỉnh thành. Đến nay, Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành; còn 10 dự án đang triển khai, trong đó 4 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Công trường Metro số 1 bị trộm nhiều vật tư

13.000 khoá kẹp ray tàu cùng một số đường dây cáp ở công trường và depot Long Bình, TP. Thủ Đức (TP.HCM), thuộc tuyến Metro số 1 bị lấy trộm.

Các tàu của tuyến Metro Số 1 tại depot Long Bình

Các tàu của tuyến Metro Số 1 tại depot Long Bình

Chiều 15/6, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, trước tình trạng mất trộm ở công trường metro, cơ quan này đã yêu cầu nhà thầu gắn camera theo dõi, giám sát suốt quá trình thi công, nhất ở khu vực depot Long Bình và các nhà ga.

Trước đó hồi tháng 5, đơn vị thi công khu vực cầu cạn VD1 đến VD3 (đoạn từ Văn Thánh ra Tân Cảng) phát hiện hơn 13.000 trong tổng số gần 20.200 khoá kẹp ray tàu (dùng để cố định các thanh ray với nhau) bị mất. Khu vực xảy ra trộm hạn chế ra vào, chỉ người được cấp phép mới có thể lên làm việc. Sáu tháng qua, một số nhà thầu vẫn thi công ở đây.

Hiện, nhà thầu đã báo cơ quan công an điều tra, sớm thu hồi; hoặc thay thế để không ảnh hưởng tiến độ công trình. Ngoài khu vực trên, tại depot Long Bình, đơn vị thi công cũng phát hiện bị mất một số đường dây cáp. Mới đây, hai tàu của tuyến metro tại depot Long Bình bị vẽ bẩn.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, gồm 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km chạy trên cao, nối từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình. Dự án hiện đạt hơn 90%, dự kiến chạy thương mại cuối năm 2023.

Tân Hoàng Minh đóng cửa công ty, báo công an vì có người đe dọa sử dụng vũ khí

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh vừa ra thông báo tạm dừng mở cửa văn phòng tiếp đón khách hàng từ ngày 15/6/2022.

Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh căng băng rôn đòi tiền trước trụ sở 24 Quang Trung (Hà Nội).

Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh căng băng rôn đòi tiền trước trụ sở 24 Quang Trung (Hà Nội).

Lý giải việc tạm dừng đóng cửa văn phòng, doanh nghiệp này cho biết vừa nhận được thông tin có khách hàng đe dọa sử dụng vũ khí để tấn công cán bộ, nhân viên. Sự việc đã được Tân Hoàng Minh trình báo lên cơ quan công an có thẩm quyền.

"Trong thời gian chờ cơ quan công an xác minh, điều tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và sức khỏe của ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Tập đoàn, từ ngày 15/6, Tập đoàn dừng mở cửa văn phòng tại trụ sở 24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội", thông báo nêu.

Trước thông báo bất ngờ từ phía Tân Hoàng Minh, sáng 16/6, hàng trăm khách hàng kéo nhau đến trụ sở doanh nghiệp căng băng rôn kêu gọi Tập đoàn trả tiền.

TP.HCM phải bù lỗ gần 8 tỷ đồng từ thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường

20 tuyến đường ở TP.HCM tổ chức thu phí đỗ ôtô theo giờ nhưng trong năm 2021 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng, trong khi chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm thu phí mất hơn 10 tỷ đồng.

Tuyến đường Lê Lai (Quận 1) thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường qua ứng dụng My Parking.

Tuyến đường Lê Lai (Quận 1) thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường qua ứng dụng My Parking.

Việc thu phí ô tô đậu dưới lòng đường được TP.HCM triển khai từ tháng 8/2018 trên 20 tuyến đường thuộc các Quận 1, 5 và 10.

TP.HCM từng kỳ vọng thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày từ việc thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường nhưng khi triển khai số tiền thu không đủ bù chi.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM (Công ty TNXP - đơn vị được giao tổ chức thu phí đỗ xe), trong năm 2021, doanh thu thu phí khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm thu phí mất hơn 10 tỷ đồng.

Riêng chi phí thuê phần mềm quản lý thu phí (Myparking) là hơn 2,19 tỷ đồng mỗi năm.

Như vậy, TP.HCM phải bù lỗ gần 8 tỷ đồng cho hoạt động thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường trong năm 2021.

Công ty TNXP cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, việc thu phí đã hiệu quả hơn. Trong tháng 4 vừa qua, phí thu trên 20 tuyến đường đạt hơn 437 triệu đồng.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND Thành phố mở rộng thu phí đỗ ôtô theo giờ ở 31 tuyến đường tại các Quận 1, 3, 4, 6, 10, Phú Nhuận, nâng tổng số tuyến đường thu phí trên toàn TP.HCM lên 51 tuyến.

Chuyên đề