Bản tin thời sự sáng 16/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khôi phục không gian đi bộ Hồ Gươm từ ngày 18/3; Việt Nam khôi phục chính sách đơn phương miễn thị thực với 13 nước; phòng khám F0 cộng đồng đầu tiên tại Hà Nội; từ 15/3, Việt Nam mở cửa du lịch, quy định nhập cảnh vẫn chờ; lấy ý kiến ba phương án ga ngầm cạnh Hồ Gươm; mở lại tuyến đường thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm…

Khôi phục không gian đi bộ Hồ Gươm từ ngày 18/3

Từ ngày 18/3, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khôi phục không gian đi bộ Hồ Gươm và một số tuyến phố, sau gần một năm dừng hoạt động để phòng chống dịch.

Phố đi bộ Hồ Gươm sẽ được hoạt động trở lại từ ngày 18/3

Phố đi bộ Hồ Gươm sẽ được hoạt động trở lại từ ngày 18/3

Các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm: Tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận; tuyến phố đi bộ thương mại dịch vụ Hàng Đào đến Hàng Giấy; không gian đi bộ mở rộng sang khu bảo tồn cấp 1 - khu phố cổ; không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận được khôi phục từ 19h thứ Sáu đến 24h Chủ nhật hàng tuần. Các phố đi bộ còn lại từ 19h đến 24h ba ngày cuối tuần, ban ngày phương tiện qua lại bình thường.

Gần một năm trước, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Hà Nội dừng các hoạt động lễ hội, phố đi bộ để phòng chống dịch, trong đó có không gian đi bộ Hồ Gươm.

Việt Nam khôi phục chính sách đơn phương miễn thị thực với 13 nước

Công dân 13 nước được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài

Ngày 15/3, Chính phủ ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân các nước: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Đây là những nước đã được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ cuối năm 2019.

Chính sách miễn thị thực cho công dân 13 nước này được thực hiện trong 3 năm, từ 15/3/2022 đến 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này.

Phòng khám F0 cộng đồng đầu tiên tại Hà Nội

Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn mở phòng khám cho F0, tiếp nhận mọi người bệnh trên địa bàn Hà Nội hoặc ở vùng khác chuyển đến.

F0 đến khám Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội

F0 đến khám Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên điều trị Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, phòng khám hoạt động khoảng hai tuần qua, mỗi ngày tiếp đón 70 - 80 F0. Phòng khám chia làm 4 chuyên khoa gồm nội, ngoại, sản, nhi.

Theo Bác sĩ Hường, trên thực tế có tình trạng người bệnh nhập viện tầng 3 nhiều do quá trình điều trị tại nhà không được theo dõi chặt, không kịp phát hiện dấu hiệu cơn bão cytokine; hoặc người mắc Covid-19 nhẹ nhưng bị bệnh nền thúc đẩy làm cho bệnh chuyển nặng hơn. Như vậy, nếu F0 được khám, điều trị sớm sẽ hạn chế nguy cơ chuyển nặng, người bệnh an tâm điều trị, khỏi bệnh nhanh.

Phòng khám cũng được cho là giúp giảm tải y tế cơ sở. Về giấy tờ, thủ tục công nhận F0, Bệnh viện sẽ xét nghiệm hai lần để khẳng định một người mắc Covid-19. Người bệnh phải nhập viện, khi ra viện được cấp giấy tờ đúng quy định. F0 nhẹ, điều trị tại nhà, sẽ được phòng khám xác nhận là F0, kê đơn thuốc nêu rõ các bệnh kèm theo, giúp mua thuốc điều trị, tiếp cận molnupiravir nếu có chỉ định.

Đây là phòng khám đại trà cho F0 đầu tiên tại Hà Nội. Trước đây, Bệnh viện Thanh Nhàn chỉ tiếp nhận bệnh nhân tầng 2 và 3, không tiếp nhận F0 nhẹ.

Đôi tàu Thống nhất SE3/SE4 bất ngờ chỉ chạy Sài Gòn - Đà Nẵng

Đường sắt bất ngờ cắt giảm hành trình đôi tàu Thống nhất SE3/SE4, từ ngày 16/3, chỉ chạy giữa Sài Gòn - Đà Nẵng.

Đôi tàu SE3/SE4 sẽ cắt giảm hành trình, chỉ chạy giữa Đà Nẵng - TP.HCM

Đôi tàu SE3/SE4 sẽ cắt giảm hành trình, chỉ chạy giữa Đà Nẵng - TP.HCM

Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sẽ tạm ngừng chạy đôi tàu Thống nhất SE3/SE4 giữa Hà Nội - TP.HCM, cắt giảm hành trình và chỉ chạy giữa Đà Nẵng - TP.HCM.

Theo đó, từ 15/3 - 24/4, đơn vị này không tổ chức chạy tàu SE4 từ ga Sài Gòn đến ga Hà Nội; từ ngày 17/3 - 26/4, không tổ chức chạy tàu SE3 từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn.

Thay vào đó, đôi tàu SE3/SE4 chạy giữa ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng. Cụ thể, chạy tàu SE4 (ga Sài Gòn đi ga Đà Nẵng) từ ngày 16/3 - 24/4; chạy tàu SE3 (ga Đà Nẵng đi ga Sài Gòn) từ ngày 18/3 - 26/4.

Sau thay đổi hành trình, tàu SE3 sẽ xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 12h21, đến ga Sài Gòn lúc 6h22. Chiều ngược lại, tàu SE4 xuất phát ga Sài Gòn lúc 20h10, đến ga Đà Nẵng là ga cuối cùng lúc 14h51.

Hành trình đoàn tàu và các ga tàu dừng đón, trả khách giữa Sài Gòn - Đà Nẵng vẫn như cũ.

Trước đó, đường sắt cũng cho tạm ngừng chạy đôi tàu khách Thống nhất SE11/SE12 từ ngày 6/3. Như vậy, từ 17/3, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hàng ngày chỉ có 2 đôi tàu khách Thống nhất chạy suốt giữa Hà Nội - TP.HCM là SE5/SE6 và SE7/SE8.

Từ 15/3, Việt Nam mở cửa du lịch, quy định nhập cảnh vẫn chờ

Chiều 15/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh công bố, "Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới".

Từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới

Từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới

Từ ngày 15/3, khách du lịch quốc tế có thể đến Việt Nam thông qua đường bộ, đường biển, đường hàng không. Quy định nhập cảnh dựa trên hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, áp dụng chung cho mọi đối tượng, không có quy định riêng cho khách du lịch.

Sáng 15/3, Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, đề xuất du khách có thể nhập cảnh với kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh trong 24 giờ và RT-PCR 72 giờ trước khi xuất cảnh. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh, du khách phải xét nghiệm và nếu âm tính có thể tự do đi lại. Bộ Y tế cũng có chủ trương không thắt chặt quy định với khách quốc tế.

Ông Khánh cũng cho biết, thời gian qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các bộ, ngành liên quan, nhiều lần có văn bản kiến nghị để hoàn thiện phương án cuối cùng, công bố với thế giới và các doanh nghiệp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các địa phương mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ du khách theo từng cấp độ dịch, như hướng dẫn trước đó. Khách Việt có thể du lịch nước ngoài, đảm bảo các quy định của Việt Nam và điểm đến.

Lấy ý kiến ba phương án ga ngầm cạnh Hồ Gươm

UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành về ba phương án hướng tuyến ga ngầm C9 trên tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Phối cảnh cửa lên xuống số 1, ga ngầm C9

Phối cảnh cửa lên xuống số 1, ga ngầm C9

Phương án 1, ga C9 được kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP. Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đánh giá phương án này ít tác động đến khu vực di tích được bảo vệ, song sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tăng diện tích giải phóng mặt bằng, đội chi phí. Ước tính tổng chi phí xây dựng đoạn hầm ngầm từ ga C8 đến C10 là hơn 4.310 tỷ đồng, cao hơn phương án 2 hơn 440 tỷ đồng.

Phương án 2 (phương án ban đầu), ga C9 được đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Ga dài 150 m, rộng 21,4 m và sâu 20 m; đỉnh ga cách mặt đất khoảng 2,5 m. Dự kiến tổng chi phí xây dựng đoạn từ ga C8 đến C10 là 3.870 tỷ đồng.

Theo MRB, ưu điểm của phương án 2 là hướng tuyến ngầm và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 phù hợp với quy hoạch được duyệt… Tuy nhiên, phương án này đang bị phản đối do phần lớn nhà ga và một cửa lên xuống nằm trong vùng bảo vệ II của khu di tích hồ Hoàn Kiếm. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và một số chuyên gia cho rằng vị trí này vi phạm Luật Di sản.

Phương án 3, ga ngầm C9 được bỏ hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến đường sắt đô thị số 2 đi vào vận hành. Tàu sẽ chạy từ ga C8 đến thẳng C10 giúp thời gian vận hành giảm một phút.

Theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km. Tổng đầu tư của dự án hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Mở lại tuyến đường thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm

Từ ngày 16/3, tuyến vận tải đường thủy nội địa quốc gia Cửa Đại - Cù Lao Chàm được hoạt động trở lại sau 2 ngày tạm dừng.

Tàu cao tốc neo đậu ở bến Cửa Đại

Tàu cao tốc neo đậu ở bến Cửa Đại

Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Nam Trương Văn Sơn cho biết, việc khôi phục nhằm giải quyết tạm thời nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP. Hội An). Đội Quản lý Bến thủy nội địa, thuộc Thanh tra Sở, cấp phép cho phương tiện tại đầu bến Cửa Đại. Tại bến Cù Lao Cham, TP. Hội An sẽ cấp phép cho tàu rời bến.

Để đưa tuyến đường thủy này hoạt động ổn định, ngày 16/3, Thanh tra Sở sẽ họp với lãnh đạo TP. Hội An bàn các giải pháp đảm bảo an toàn, tránh để xảy ra các tai nạn như vụ lật tàu Phương Đông 05 làm 17 người chết.

Trước đó, ngày 14/3, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Nam dừng cấp phép hoạt động vận tải đường thủy nội địa tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Lý do là ngày 11/3, UBND TP. Hội An cho rằng việc kiểm tra, cấp giấy phép vào, rời bến Cù Lao Chàm thuộc trách nhiệm của Thanh tra Sở Giao thông vận tải. Tuy nhiên, thời gian qua, đơn vị này chưa bố trí được nhân viên làm việc tại bến Cù nên phân công tạm thời cho UBND xã Tân Hiệp.

Dựa trên đề xuất này, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Quảng Nam dừng cấp phép phương tiện thủy hoạt động trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm tại bến Cửa Đại từ ngày 14/3 cho đến khi có chủ trương mới.

Tuyến đường thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm có 5 tàu gỗ mui hở, 87 tàu cao tốc mui kín chở khách. Khi chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày trên tuyến có 60 chuyến chở khách; sau Tết Nguyên đán 2022 duy trì 20 - 30 chuyến/ngày; sau vụ tai nạn chiều 26/2 chỉ còn 15 chuyến/ngày.

Thu giữ lô kit test Covid-19 và thuốc hơn 10 tỷ đồng không chứng từ

Quản lý thị trường vừa thu giữ 60.000 kit test, 230.000 sản phẩm thuốc và là lô hàng liên quan chống dịch lớn nhất từ đầu năm.

Lô kit test nhanh Covid-19 có nguồn gốc từ nước ngoài, không có hoá đơn chứng từ bị thu giữ

Lô kit test nhanh Covid-19 có nguồn gốc từ nước ngoài, không có hoá đơn chứng từ bị thu giữ

Ngày 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) vừa phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an quận Hai Bà Trưng) phát hiện, thu giữ lô hàng kit test nhanh, thuốc và thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất tại khu vực kho thuộc Cảng Hà Nội.

Toàn bộ lô hàng gồm 60.000 kit test nhanh Covid-19 có in chữ "Made in China" ngoài vỏ thùng, 3.000 hộp thuốc và 200.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không có hoá đơn chứng từ, trị giá 10 tỷ đồng.

Đội phó Đội Quản lý thị trường số 5 Vũ Văn Huyện cho biết, đây là lô hàng lớn nhất liên quan đến các mặt hàng phòng chống dịch từ đầu năm. Nếu có dấu hiệu tội phạm, hồ sơ sẽ được chuyển cơ quan điều tra.

Bắt giữ hơn 500 iPhone nghi nhập lậu trong toa tàu ở ga Sài Gòn

Kiểm tra toa tàu nghi vấn, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã phát hiện 529 điện thoại iPhone đã qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ và "không có chủ hàng".

Quản lý thị trường kiểm tra lô hàng

Quản lý thị trường kiểm tra lô hàng

Số điện thoại này bị Đội Quản lý thị trường số 3 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM) và Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM phát hiện trong toa hàng của tàu SE4 đậu trong ga Sài Gòn, Quận 3.

Đây là hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ước tính có giá hơn 2 tỷ đồng nếu được bán ra thị trường. Hiện, lực lượng chức năng chưa xác định được chủ lô hàng.

Bước đầu, cơ quan điều tra tình nghi lô điện thoại đã được buôn lậu về nước. Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Chuyên đề