Bản tin thời sự sáng 13/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sạt lở bịt kín hầm ở Đèo Cả, đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt; sắp có tuyến cáp Internet nối thẳng Việt Nam - Singapore; sà lan chở container tông cầu Đồng Nai; đề xuất xây 3 tuyến tàu điện không ray ở Hà Nội…

Sạt lở bịt kín hầm ở Đèo Cả, đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt

Hơn 100 m3 đất đá đổ xuống hầm đường sắt, đoạn qua khu vực Đèo Cả (tỉnh Khánh Hòa) khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt.

Hàng chục cán bộ, công nhân được huy động cùng nhiều máy móc đến hiện trường để đào bới đất đá, thông hầm

Hàng chục cán bộ, công nhân được huy động cùng nhiều máy móc đến hiện trường để đào bới đất đá, thông hầm

Tối 12/4, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, tại khu vực Đèo Cả, thuộc xã Đại Lãnh, tỉnh Khánh Hòa xảy ra tình trạng sạt lở hầm đường sắt, khiến tuyến giao thông này bị chia cắt.

"Hiện ngành đường sắt đã huy động ô tô chuyển tải hàng trăm khách từ tàu SE8 sang SE5 và ngược lại, để tiếp tục hành trình", ông Vinh cho hay.

Trước đó, khoảng 12h45 cùng ngày, trần hầm đường sắt Bãi Gió bất ngờ sạt hơn 100 m3 đất, đá bịt kín cửa hầm. Nhận được tin báo, hàng chục cán bộ, công nhân được huy động cùng nhiều máy móc đến hiện trường để đào bới đất đá, thông hầm.

Sự cố khiến tàu SE8 chở 300 khách xuất phát từ ga Sài Gòn vào sáng 12/4 phải dừng ở ga Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Còn tàu SE5 chở 350 khách xuất phát từ Hà Nội phải dừng ở ga Tuy Hòa (Phú Yên).

Thời điểm trên, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đang công tác cách đó vài trăm km nên đã di chuyển đến hiện trường để chỉ đạo khắc phục.

Trong thời gian chờ thông đường, tàu Bắc - Nam lưu thông trên tuyến sẽ phải dừng tại nhà ga 2 đầu là ga Hảo Sơn (Phú Yên) và ga Đại Lãnh (Khánh Hòa).

Việc tu sửa hầm Bãi Gió nằm trong Gói thầu số 11A Thi công xây dựng gia cố các công trình hầm số 1, số 2, số 3, Phủ Cũ, Chí Thạnh, Vũng Rô 1, Vũng Rô 4 và Bãi Gió thuộc Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc trên đoạn Vinh - Nha Trang do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) làm Chủ đầu tư.

Liên danh Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 là nhà thầu thi công gói thầu trên.

Sắp có tuyến cáp Internet nối thẳng Việt Nam - Singapore

Tuyến cáp quang biển VTS do Viettel và Singtel đồng sáng lập dự kiến khai thác vào quý II/2027, kết nối trực tiếp Việt Nam với Singapore.

Đường đi dự kiến của tuyến cáp quang biển VTS

Đường đi dự kiến của tuyến cáp quang biển VTS

Trong biên bản ghi nhớ giữa hai bên vừa được ký kết, ngoài trục chính, tuyến có các nhánh cập bờ tại Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Cáp sử dụng có cấu hình 8 cặp sợi (08FP) với công nghệ ghép bước sóng được đánh giá hiện đại nhất hiện nay.

Đây là tuyến cáp trực tiếp đầu tiên do một đơn vị Việt Nam và Singapore cùng xây dựng, là tuyến ngắn nhất kết nối Việt Nam với trung tâm dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á.

Ông Ooi Seng Keat, Phó Chủ tịch Singtel, đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới, với các doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng sử dụng nhiều dữ liệu.

"Việc xây dựng tuyến cáp VTS sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kết nối băng thông cao hơn và độ trễ thấp hơn", ông Ooi Seng Keat nói.

Theo chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030 được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub). Để thực hiện, Việt Nam cần nâng tổng số cáp quang biển lên tối thiểu 15 tuyến với tổng dung lượng đạt tối thiểu 334 Tbps, trong đó cần ít nhất 2 tuyến do doanh nghiệp Việt làm chủ, ưu tiên tuyến ngắn và kết nối trực tiếp tới các Digital Hub lớn trong khu vực châu Á.

Việt Nam hiện sử dụng 5 tuyến cáp quang biển, đều do các liên minh vận hành nên thường xuyên gặp khó khăn khi cần xử lý sự cố. Trước đó, Viettel cũng công bố đầu tư vào các tuyến cáp gồm Asia Direct Cable (ADC), Asia Link Cable (ALC).

Sà lan chở container tông cầu Đồng Nai

Ngày 12/4, sà lan trọng tải 4.600 tấn chở container khi cập cảng bị sóng đẩy trôi dạt và đâm vào cầu Đồng Nai, uy hiếp an toàn giao thông.

Sà lan chở container mắc kẹt dưới cầu Đồng Nai

Sà lan chở container mắc kẹt dưới cầu Đồng Nai

Khoảng 8h, sà lan số hiệu Phước Long 72 chở hàng chục container do ông Ngô Văn Tới điều khiển vào cảng Bình Dương bốc dỡ hàng. Quá trình cập bến, sà lan bị dòng nước đẩy trôi dạt, đâm vào cầu Đồng Nai ở cách đó khoảng 300 m.

Công an Đồng Nai đã phối hợp lực lượng chức năng Bình Dương tới ứng cứu. Ngoài cảnh báo tàu thuyền qua lại, cứu hộ điều 2 tàu (TN01 và Sowatco 38) tới tách sà lan khỏi cầu, sau đó lai dắt về cảng. Quá trình cứu hộ diễn ra trong vòng 30 phút.

Cơ quan chức năng xác định, sự cố không gây thiệt hại về người, song khiến một số container hàng hư hỏng, thành và nhịp cầu cong vênh, dầm chịu lực gãy bulong liên kết. Khu Quản lý đường bộ 4 kiến nghị tạm giữ phương tiện, chủ sà lan khắc phục sự cố trước ngày 20/4.

Cầu xảy ra sự cố dài hơn 450 m, xây dựng năm 1964, nằm trên Quốc lộ 1, kết nối Đồng Nai và TP.HCM. Năm 2009, công trình xuống cấp, một cầu mới được xây cạnh cầu cũ (cách nhau 3 m), tổng mức đầu tư hơn 1.870 tỷ đồng.

Đề xuất xây 3 tuyến tàu điện không ray ở Hà Nội

Một doanh nghiệp Trung Quốc đề xuất nghiên cứu 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên Vành đai 3, đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Tàu điện không ray hoạt động ở TP. Nghi Tân, Trung Quốc

Tàu điện không ray hoạt động ở TP. Nghi Tân, Trung Quốc

Tại Hội thảo khoa học về đường sắt đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Công ty TNHH Công nghệ giao thông thông minh đường sắt Hồ Nam, Trung Quốc (HUNAN CRRC) đề xuất đầu tư 3 tuyến tàu điện không ray (ART) tại Hà Nội.

Tuyến số 1 dài 30 km từ Trung tâm Hội nghị quốc gia đến Đại học Quốc gia Hà Nội chạy trên dải phân cách giữa đại lộ Thăng Long. Tuyến số 2 dài 6,3 km từ công viên Thiên đường Bảo Sơn đến Nhổn. Tuyến số 3 dài 10 km từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Nước Ngầm chạy trên dải phân cách giữa.

Ba tuyến có 28 nhà ga và 32 đoàn tàu (mỗi đoàn 3 - 4 toa), tổng kinh phí xây dựng và phương tiện dự kiến 466 triệu USD, tương đương khoảng 11.650 tỷ đồng.

Tàu điện không ray đã được phát triển tại nhiều nước, là phương tiện công cộng gồm nhiều khoang, chạy bánh lốp, không có đường ray, sử dụng pin lưu trữ Lithium mà không cần hệ thống cấp điện trên cao.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, tàu điện không ray có chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn nhiều so với tàu điện truyền thống, vốn đầu tư chỉ bằng 1/10 so với metro. Ví dụ, Dự án Bến Thành - Suối Tiên dài 19 km có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, nếu đầu tư tàu không ray số 1 dài 30 km thì hết hơn 6.600 tỷ đồng.

Công suất hành khách trên tàu điện thông thường đạt 25.000 người/giờ trên một hướng tuyến, còn tàu điện ART đạt 10.000 - 15.000 người. Ngoài ra, tàu không ray chạy trên đường bằng bánh lốp, có làn riêng, thời gian xây dựng nhà ga, dải phân cách chỉ trong 6 - 10 tháng.

Với chi phí 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho một tuyến tàu điện, theo ông Nghĩa, Hà Nội có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư thay vì vốn ngân sách hoặc vốn ODA như hiện nay. Loại hình này thi công nhanh, chi phí vận hành thấp, yêu cầu kỹ thuật đơn giản hơn so với tàu điện truyền thống nên có thể đáp ứng nhu cầu cấp bách xây dựng hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Hải Phòng lần đầu bắn pháo hoa tầm cao tại Lễ hội Hoa phượng đỏ

500 quả pháo hoa tầm cao và 150 giàn pháo hoa tầm thấp sẽ được bắn 15 phút trong đêm tổ chức chương trình nghệ thuật Lễ hội Hoa phượng đỏ.

Những năm trước chỉ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại Lễ hội Hoa phượng đỏ

Những năm trước chỉ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại Lễ hội Hoa phượng đỏ

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đồng ý cho TP. Hải Phòng tổ chức một điểm bắn pháo hoa tầm cao trong dịp Lễ hội Hoa phượng đỏ.

Điểm bắn đặt tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính ở Khu đô thị Bắc sông Cấm, nơi diễn ra chương trình nghệ thuật Hải Phòng - bừng sáng miền cửa biển, ngày 11/5.

Từ trước tới nay, chương trình nghệ thuật của Lễ hội Hoa phượng đỏ đều được tổ chức ở quảng trường Nhà hát lớn Thành phố. Đây là khu vực nội đô, bị hạn chế về không gian, thường gây ùn tắc, nên chỉ được bắn pháo hoa tầm thấp.

Trong khi đó, Quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính ở Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, rộng 19 ha với đường đi thuận lợi, rộng rãi đủ sức chứa hàng vạn người.

Theo kế hoạch, Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2024 sẽ diễn ra trong 5 ngày 10 - 14/5 với hàng trăm chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc. TP. Hải Phòng cũng sẽ đón nhận ghi danh Vịnh Hạ Long - Cát Bà là di sản thế giới.

Lễ hội Hoa phượng đỏ được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội được tổ chức thường niên và trở thành một lễ hội truyền thống đặc trưng của Hải Phòng. Lễ hội diễn ra vào tháng 5 hàng năm, cùng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955). Năm 2023, tổng kinh phí tổ chức lễ hội là 32 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Huyện Đông Anh (Hà Nội) thu về 800 tỷ tiền đấu giá đất

UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, trong quý I/2024, đơn vị đã tổ chức thành công 6 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng.

Một góc của huyện Đông Anh (Hà Nội)

Một góc của huyện Đông Anh (Hà Nội)

Ngày 12/4, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác an ninh - quốc phòng quý I/2024.

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, trong quý I/2024, đơn vị đã tổ chức thành công 6 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn huyện đã triển khai 400 dự án phục vụ đời sống nhân dân, triển khai 183 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí trên toàn bộ tuyến đường trục chính trung tâm 24 xã, thị trấn, trung tâm 195 thôn làng, tổ dân phố. 24/24 xã, thị trấn đang tập trung thực hiện Đề án quy hoạch và đầu tư xây dựng trung tâm 3 cấp.

Trong tháng 4/2024, UBND huyện Đông Anh sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá 11 lô đất, giá khởi điểm cao nhất hơn 37 triệu đồng/m2. Các lô đất này đều là tài sản đấu giá của UBND huyện đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, có diện tích từ 77,9 - 100 m2/lô, giá khởi điểm từ 14,3 - 37,3 triệu đồng/m2...

70 ô tô điện chở khách tham quan nội đô TP.HCM

Xe chạy bằng điện, mỗi xe 8 chỗ chở khách tham quan, du lịch ở các quận 1, 4, 5, 6, bắt đầu khai thác từ ngày 12/4.

Xe điện 8 chỗ chở khách thử nghiệm ở công viên 23/9, Quận 1, TP.HCM

Xe điện 8 chỗ chở khách thử nghiệm ở công viên 23/9, Quận 1, TP.HCM

Hệ thống xe điện này do Công ty TNHH Saigon Public Transport - Saigon.PT vận hành, hoạt động từ 6h đến 24h hàng ngày, thí điểm đến hết năm 2025.

Xe chỉ chạy trên địa bàn 4 quận. Trong đó, Quận 1 và Quận 4 giới hạn phạm vi: bến Nhà Rồng - cầu Khánh Hội - đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Sa - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - cầu Calmette - đường Calmete - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành.

Khu vực Quận 5 và Quận 6 được giới hạn bởi các đường: Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi - Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương - Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung - Phạm Đình Hổ - Tháp Mười - Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, việc triển khai loại hình ô tô điện đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khách du lịch. Xe cũng hỗ trợ kết nối các phương thức khác như buýt, xe đạp công cộng... giúp phát triển giao thông công cộng. "Mô hình này phù hợp với các chương trình, kế hoạch của Thành phố và chủ trương quốc gia về phát triển giao thông xanh", ông Hưng nói.

Trước đó, TP.HCM đã thí điểm ba tuyến xe điện loại 12 chỗ ở khu vực Phú Mỹ Hưng (Quận 7) và trung tâm Thành phố. Ngoài ra, Thành phố đã đưa vào hoạt động tuyến buýt điện cỡ lớn nối khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP. Thủ Đức) đến Quận 1. Đây là tuyến đầu tiên trong 5 tuyến buýt điện ở Thành phố đi vào hoạt động, 4 tuyến còn lại chưa vận hành.

Hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư vào Nghệ An

Thu hút vốn đầu tư là điểm nhấn kinh tế - xã hội của địa phương Bắc miền Trung này trong quý I/2024.

Dự án Nhà máy Radiant Opto-Electronics Việt Nam Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP

Dự án Nhà máy Radiant Opto-Electronics Việt Nam Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP

Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, tính riêng tháng 3, Tỉnh có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn với giá trị hơn 1.424 tỷ đồng, trong đó có Dự án Nhà máy Radiant Opto-Electronics Việt Nam Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP tăng tổng mức đầu tư thêm 25 triệu USD, tương đương 600 tỷ đồng.

Ba tháng đầu năm 2024, Nghệ An có 18 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 12.274 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh có 14 lượt dự án điều chỉnh mức đầu tư với tổng số vốn tăng thêm hơn 2.352 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 14.626 tỷ đồng.

Năm nay, Nghệ An đặt mục tiêu tiếp tục vào top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Trước đó, năm 2023, lần đầu tiên tỉnh này ghi nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt mốc 1,6 tỷ USD, xếp vị trí thứ 8 trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.

Bắt tạm giam Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên (An Giang)

Ông Nguyễn Bảo Sinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), bị nghi liên quan vụ cấp khống 5 thửa đất trị giá hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bảo Sinh tại cơ quan điều tra

Ông Nguyễn Bảo Sinh tại cơ quan điều tra

Ngày 12/4, lệnh khởi tố, tạm giam ông Sinh được Công an tỉnh An Giang thực thi.

Liên quan vụ án, hai tuần trước, ông Huỳnh Lê Phong, cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Long Xuyên; Nguyễn Thiện Thanh và Nguyễn Thanh Phong, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố, bị bắt với cáo buộc Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Sinh, Thanh, Lê Phong, Thanh Phong đã móc nối, giúp sức cho Võ Văn Trung (Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố, đã chết), cấp khống 5 thửa đất.

Khi có sổ đỏ, ông Trung lấy 2 thửa bán cho người khác với giá 7,2 tỷ đồng. Người mua tiếp tục bán cho bên thứ ba với giá 11 tỷ đồng.

Tháng 7/2022, sự việc bị Thanh tra Thành phố phát hiện, kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Trước ngày khởi tố vụ án, Trung được phát hiện đã tự tử.

Chuyên đề