Bản tin thời sự sáng 13/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 19h30 ngày 19/11, nhà thờ, chùa đánh chuông tưởng niệm người mất do Covid-19; Bí thư, Chủ tịch huyện Cô Tô bị đình chỉ công tác sau đơn tố cáo vi phạm đạo đức lối sống; Đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai ở Hà Nội trước năm 2050; lấy mẫu kiểm nghiệm lô sữa cứu trợ để thông quan; Hà Nội thí điểm kiểm tra khí thải của 3.000-5.000 xe máy từ ngày 12/11…

19h30 ngày 19/11, nhà thờ, chùa đánh chuông tưởng niệm người mất do Covid-19

Các nhà thờ, chùa sẽ đánh chuông; tàu thuyền kéo còi khi lễ tưởng niệm người mất do Covid-19 diễn ra lúc 19h30 ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất.

Đúng 19h30 ngày 19/11, tịa Hội trường Thông Nhất sẽ diễn ra lễ tưởng niệm người mất do Covid-19

Đúng 19h30 ngày 19/11, tịa Hội trường Thông Nhất sẽ diễn ra lễ tưởng niệm người mất do Covid-19

Nội dung được đề cập trong kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong Covid-19 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký.

Buổi lễ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm thể hiện nỗi buồn, sự chia sẻ mất mát, đau thương của hàng chục nghìn gia đình đã mất người thân...

Tại Hội trường Thống nhất sẽ có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành vùng trọng điểm phía Nam. Thân nhân, gia đình người mất do Covid-19 cũng góp mặt.

Theo kế hoạch, Ban tổ chức sẽ trình chiếu một số hình ảnh phóng sự của TP.HCM qua cuộc chiến sinh tử với đại dịch; nghi thức tưởng niệm.

Chính quyền Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện cho các xe chở trang thiết bị, vật tư thi công phục vụ buổi lễ; thông tin đến các tàu, thuyền, sà lan... đang đậu tại các cụm cảng kéo còi lúc hoạt động diễn ra.

Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ TP.HCM) sẽ vận động các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tùy theo tình hình thực tế tổ chức lễ phù hợp; cùng đánh chuông tưởng niệm.

Tính đến nay, toàn địa bàn TP.HCM ghi nhận 17.055 trường hợp tử vong do Covid-19. Số ca tử vong tập trung vào thời điểm đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra căng thẳng nhất từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9 vừa qua.

Bí thư, Chủ tịch huyện Cô Tô bị đình chỉ công tác sau đơn tố cáo vi phạm đạo đức lối sống

Tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định đình chỉ công tác, tiến hành kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật đối với Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn.

Trụ sở huyện ủy Cô Tô

Trụ sở huyện ủy Cô Tô

Đây là động thái của tỉnh Quảng Ninh sau khi nhận được đơn thư tố cáo về hành vi vi phạm đạo đức lối sống của vị cán bộ trên.

Theo thông tin từ tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô về việc, có biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống và những điều Đảng viên không được làm, sáng 12/11, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành xem xét báo cáo của Ban Thường vụ huyện ủy Cô Tô và đề xuất của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy.

Sau khi thảo luận, phân tích, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư huyện ủy Cô Tô; giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND Tỉnh đình chỉ công tác Chủ tịch UBND huyện Cô Tô; giao UBKT Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Lê Hùng Sơn; chỉ đạo tổ chức Đảng các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương điều tra xem xét, sớm có kết luận cụ thể vụ việc và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là làm rõ và xử lý nghiêm, tuyệt đối không có vùng cấm.

Về thông tin ông Lê Hùng Sơn bị tố cáo có về hành vi không đúng chuẩn mực gây tổn hại sức khỏe, tinh thần và danh dự một cán bộ nữ thuộc Phòng Văn hóa huyện Cô Tô, vị lãnh đạo Tỉnh khẳng định, đã giao Công an tỉnh điều tra, làm rõ và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có). Hiện cơ quan Công an đã trích xuất camera tại khách sạn nơi xảy ra vụ việc để phục vụ công tác điều tra.

Đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai ở Hà Nội trước năm 2050

Giai đoạn đến 2050, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai về phía Đông Nam thủ đô Hà Nội và sân bay Cao Bằng.

Máy bay tại sân bay Nội Bài

Máy bay tại sân bay Nội Bài

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã trình Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến 2030 cả nước có 28 sân bay, tổng công suất thiết kế 278 triệu hành khách một năm. Ngoài 22 sân bay hiện nay, có 6 sân bay mới, gồm: Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La), Quảng Trị, Phan Thiết, Long Thành. Đến năm 2050, có thêm Cao Bằng là cảng quốc nội. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị duy trì vị trí quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt để thay thế cho sân bay Cát Bi (Hải Phòng) sau năm 2030.

Ngoài 29 sân bay đã xác định vị trí, giai đoạn đến 2050, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai hỗ trợ cho Nội Bài về phía Đông Nam Hà Nội...

Đây là điểm mới so với tờ trình Chính phủ hồi tháng 6. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ quy hoạch cảng hàng không đến 2030, tầm nhìn 2050, không đề cập đến sân bay thứ hai của Hà Nội. Bộ dự kiến duy trì sân bay quốc tế Hải Phòng (tại Tiên Lãng) nhằm dự bị cho cả Nội Bài và Cát Bi.

Tháng 7, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa vì thuận lợi giao thông và có quỹ đất. Dự báo dân số Hà Nội tăng lên 10 triệu đến năm 2050, việc tập trung hành khách vào sân bay Nội Bài sẽ làm tăng lưu lượng qua các đường vành đai, trong khi Thành phố còn quỹ đất phía Nam. UBND Hà Nội đề nghị Bộ xem xét công suất cảng hàng không thủ đô đạt khoảng 130 - 150 triệu hành khách mỗi năm, đến năm 2050.

Lấy mẫu kiểm nghiệm lô sữa cứu trợ để thông quan

Để thông quan lô 22.362 lon sữa cứu trợ kẹt tại cảng Cát Lái, Viện Y tế Công cộng cùng các bên liên quan lấy mẫu kiểm nghiệm chiều 12/11.

Viện Y tế Công cộng cùng các bên liên quan xuống lấy mẫu kiểm nghiệm lô sữa viện trợ

Viện Y tế Công cộng cùng các bên liên quan xuống lấy mẫu kiểm nghiệm lô sữa viện trợ

Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết, các mẫu kiểm nghiệm được Viện Y tế Công cộng lấy ngẫu nhiên, đúng theo quy định. Lô hàng này được kiểm tra theo các chỉ tiêu an toàn hiện hành và nội dung ghi nhãn sản phẩm.

Theo Phó viện trưởng Viện Y tế Công cộng TP.HCM Phạm Thị Kim Anh, số mẫu trên chưa thể có kết quả ngay. Khi có kết quả, Viện sẽ gửi đến Cục An toàn thực phẩm thành phố để thông tin tới các bên liên quan.

Sáng cùng ngày, Cục An toàn Thực phẩm đã đề nghị Viện Y tế Công cộng có kết quả kiểm nghiệm đối với lô hàng trên trước ngày 14/11 để Cục báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế và phối hợp với Tổng cục Hải quan tiến hành thông quan.

Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho lô hàng, ngày 10/11 Cục Hải quan TP.HCM đã yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện thủ tục nhập khẩu 22.362 lon sữa theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Hải quan TP.HCM cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc liên hệ với cảng làm thủ tục khai báo hải quan và mang hàng về bảo quản theo quy định. Tuy nhiên, phía Mặt trận Tổ quốc cho biết không thể nhận bởi không có kho bãi bảo quản đúng tiêu chuẩn với hàng hóa như thực phẩm chức năng, sữa.

Theo Hải quan TP.HCM, lô hàng cứu trợ này tới cửa khẩu cảng Cát Lái ngày 21/10, nhưng đến ngày 9/11, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM vẫn chưa nộp hồ sơ để đăng ký tờ khai cho lô hàng.

Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô trong nước đến hết năm 2021

Bộ Tài chính đề xuất lùi hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô trong nước tới hết năm nay, tránh ảnh hưởng ngân sách và khiếu kiện quốc tế.

Sản xuất, lắp ráp xe tại Nhà máy sản xuất ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam

Sản xuất, lắp ráp xe tại Nhà máy sản xuất ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam

Trong tờ trình dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã chốt phương án này sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và đơn vị liên quan.

Hiện nay, cơ sở kinh doanh khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng và thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20 tháng tiếp theo. Để việc gia hạn nộp thuế không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tháng 10 và tháng 11 với hạn chậm nộp muộn nhất tương ứng vào 20/12 và 30/12/2021.

Đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực từ ngày ký. Hết thời gian gia hạn, việc nộp thuế của doanh nghiệp được thực hiện như các quy định hiện hành.

Trước đó, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có góp ý nên kéo dài thời gian gia hạn thêm ít nhất 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là theo quyết định của Chính phủ, việc gia hạn không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách đã được Quốc hội quyết định.

Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, việc gia hạn nộp thuế lần này có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan quy định về đối xử quốc gia của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, khả năng bị khởi kiện là không cao do thời hạn áp dụng biện pháp rất ngắn.

Nửa đầu năm, số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là hơn 19.500 tỷ đồng.

Hà Nội thí điểm kiểm tra khí thải của 3.000 - 5.000 xe máy từ ngày 12/11

Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch thí điểm kiểm tra khí thải của 3.000 - 5.000 xe máy từ ngày 12/11.

Khu vực đo kiểm khí thải xe máy tại một hãng

Khu vực đo kiểm khí thải xe máy tại một hãng

8 cửa hàng chính hãng của Honda, Yamaha, Suzuki, Piagio, Sym ở 6 quận nội thành Hà Nội bắt đầu đo khí thải xe máy cho khách hàng. Khách hàng đến sửa xe được nhân viên hãng thông báo chương trình kiểm tra khí thải miễn phí.

Nếu đồng ý, khách hàng sẽ khai thông tin theo mẫu có sẵn, sau đó nhân viên hãng nhập dữ liệu vào máy tính. Xe máy được đặt ở vị trí đo, lắp ống xả phụ trước khi đưa đầu cảm biến vào. Chưa đầy một phút, việc đo hoàn tất với ba thông số hiển thị trên màn hình máy tính là CO, HC và CO2.

Hà Nội là địa phương thứ hai cả nước, sau TP.HCM, triển khai chương trình thí điểm đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy. Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, ô nhiễm không khí do nhiều nguồn như công nghiệp, giao thông, đốt sinh khối. Trong đó, hoạt động của xe gắn máy, xe cơ giới góp phần phát thải gây ô nhiễm môi trường. Thống kê đến hết quý 1/2019, Hà Nội có 5,7 triệu xe máy, trong đó hơn 2 triệu xe cũ.

Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Quản lý môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhìn nhận chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe máy cũ của Hà Nội là hoạt động quan trọng nhằm thu thập thông tin về mức phát thải của xe máy đang lưu hành, cũng như đánh giá hiệu quả của việc sửa chữa. Kết quả của chương trình sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành ban hành quy chuẩn khí thải với xe máy.

Việc đo khí thải xe máy sẽ được triển khai trong khoảng một tháng. Xe đăng ký trước 2017 sẽ được tặng dầu nhớt, trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn sẽ được tặng gói bảo dưỡng 200.000 đồng. Xe đăng ký lần đầu trước năm 2002 sẽ được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng để mua xe mới.

10 người giả làm nhân viên y tế bán giấy xét nghiệm Covid-19 giả ở sân Mỹ Đình

Một nhóm người đóng giả nhân viên y tế, dựng lều trước cửa sân vận động Mỹ Đình để bán giấy xét nghiệm Covid-19 giả cho cổ động viên.

Cảnh sát kiểm soát cổ động viên vào sân Mỹ Đình

Cảnh sát kiểm soát cổ động viên vào sân Mỹ Đình

Ngày 12/11, Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, đang tạm giữ 10 người để làm rõ hành vi sai phạm trên.

Theo quy định của Ban tổ chức, để được vào sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Nhật Bản hôm 11/11, cổ động viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Gần hai năm từ khi Covid-19 bùng phát mới có một trận đấu của đội tuyển quốc gia ở sân Mỹ Đình nên nhiều người quan tâm.

Nhận thấy nhu cầu lớn, từ trưa 11/11, 10 người trên bắt đầu dựng lều bạt, mặc trang phục nhân viên y tế, thông báo lấy mẫu test nhanh Covid-19 với giá 200.000 đồng. Thực chất, nhóm này không làm xét nghiệm mà bán giấy xét nghiệm khống để người mua tự điền thông tin. Cảnh sát xác định hơn 300 phiếu đã được bán ra.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh và những yêu cầu về tiêm chủng, xét nghiệm của ban tổ chức, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) đã dùng máy chuyên dụng quét mã QR để kiểm soát người vào sân Mỹ Đình.

C06 cho hay, trong 12.000 khán giả có hơn 50% người dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Trên căn cước những người này đã được tích hợp thông tin về mũi tiêm và xét nghiệm Covid-19.

Chuyên đề