Bản tin thời sự sáng 13/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hàng ngàn du khách ‘kẹt’ ở Phú Quốc vì thời tiết xấu; nở rộ các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua sàn thương mại điện tử; tháo dỡ biệt thự xây trên đất nông trường ở Hải Phòng…

Hàng ngàn du khách ‘kẹt’ ở Phú Quốc vì thời tiết xấu

Để chủ động ứng phó kịp thời với vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Sở Du lịch Kiên Giang yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tuyệt đối không được đưa đón khách đến những khu vực nguy hiểm; một số dịch vụ như cáp treo, lặn biển, các tour cano tham quan các đảo tạm ngưng hoạt động.

Thời tiết xấu, tàu đi Phú Quốc tạm ngưng hoạt động.

Thời tiết xấu, tàu đi Phú Quốc tạm ngưng hoạt động.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, việc xuất hiện vùng áp thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch; các tàu cao tốc từ bờ ra đảo phải ngưng hoạt động, du khách không thể về đất liền và ra đảo theo đúng lịch trình đã định; các chuyến bay cũng bị ảnh hưởng như chậm tuyến nhưng không đáng kể (ngày 11 và 12/7 mỗi ngày có 73 chuyến bay đến sân bay Phú Quốc).

Tại Phú Quốc, một số dịch vụ phục vụ khách du lịch như: cáp treo, lặn biển, đi bộ dưới biển ngắm san hô và các tour cano tham quan các đảo đảo tạm ngưng phục vụ du khách vì ảnh hưởng mưa gió. Các khu nghỉ dưỡng có bãi biển cũng đã ngưng các dịch vụ vui chơi, tắm biển tại các bãi biển.

Hiện nay, lượng khách còn đang lưu trú tại Phú Quốc trên 41.000 khách, trong đó có 2.154 khách quốc tế.

Lãnh đạo TP. Phú Quốc cũng kêu gọi các công ty có những chính sách hỗ trợ cho du khách; tránh tình trạng bỏ du khách, phụ thu thêm những khoản thu không cần thiết.

Nở rộ các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua sàn thương mại điện tử

Các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người tiêu dùng đối với hoạt động TMĐT.

Người tiêu dùng thực hiện mua sắm hàng online cần thẩm định rõ thông tin bên bán hàng. Ảnh minh họa

Người tiêu dùng thực hiện mua sắm hàng online cần thẩm định rõ thông tin bên bán hàng. Ảnh minh họa

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian vừa qua, do diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, tình trạng các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các sàn TMĐT đang diễn ra phổ biến. Điều này tác động và ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người tiêu dùng đối với hoạt động TMĐT.

Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn TMĐT giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Sau đó, các đối tượng đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn niêm yết từ 3 - 4 lần, cùng với đó những những dòng mô tả như “giảm giá sốc”, “thanh lý xả kho” và những mặt hàng này đều có giá trị cao nhỏ gọn và dễ có hàng giả, hàng nhái…

Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn TMĐT cung cấp thông tin cá nhân của người mua và sử dụng các phương thức liên lạc như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến không thông qua sàn TMĐT với mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết. Tuy nhiên, sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện trong đó có các vật phẩm không giá trị.

Thủ đoạn khác được các đối tượng áp dụng là trong quá trình giao dịch, các đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển logistic đến địa chỉ người mua.

Khi đó, đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị. Người bị hại sử dụng phương thức thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng, hoặc lầm tưởng đây là sản phẩm mình đặt mua trên sàn TMĐT vẫn tiến hành thanh toán tiền bình thường khi nhận hàng.

Tháo dỡ biệt thự xây trên đất nông trường ở Hải Phòng

Nhiều biệt thự, nhà vườn xây dựng trái phép trên đất nông trường Quý Cao (Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) bắt đầu bị dỡ bỏ.

Khu công trình tín ngưỡng trái phép của bà Phạm Thị Sen đang được dỡ bỏ

Khu công trình tín ngưỡng trái phép của bà Phạm Thị Sen đang được dỡ bỏ

Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Bùi Thành Cương cho biết, 9/16 công trình kiên cố của 9 hộ dân xây dựng trái phép đã được chỉ đạo tháo dỡ. Những ngôi nhà này xây trên đất nông trường của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao, xã Đại Thắng. Trong đó, có biệt thự khoảng 10 tỷ đồng của ông Nguyễn Mạnh Hùng và khu công trình hoạt động tín ngưỡng trái phép của bà Phạm Thị Sen.

9 công trình đầu tiên bị dỡ bỏ đều không phải của công nhân Nông trường Quý Cao. 7 nhà vườn đã được phá dỡ hoàn toàn, riêng hai biệt thự của ông Hùng và bà Sen xin tự tháo dỡ.

Theo ông Cương, huyện Tiên Lãng cũng đã giao các phòng ban chuyên môn rà soát, lên danh sách công trình vi phạm, xây dựng trên đất Nông trường Quý Cao ở xã Tiên Cường.

Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao tiền thân là Nông trường Quý Cao, được giao quản lý sử dụng 122 ha đất nông lâm tại hai xã Đại Thắng và Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, để trồng vải, cấy lúa và nuôi cá.

Việc quản lý đất nông trường xảy ra nhiều sai phạm. Đặc biệt, từ năm 2015 trở lại đây, khi giá đất tăng cao, khoảng 100 biệt thự, nhà vườn, nhà hàng, nhà xưởng... xây dựng trái phép trên đất của nông trường. Sự việc được phát hiện khi UBND huyện Tiên Lãng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ Hải Phòng kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của Công ty Quý Cao để giải thể công ty này hồi đầu năm 2022.

Bắt 4 cán bộ kiểm lâm vụ phá rừng phòng hộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 12/7, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với 4 cán bộ Hạt kiểm lâm Phú Mỹ - Vũng Tàu và Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan vụ án phá rừng phòng hộ trên núi Thị Vải.

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt hai cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt hai cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

4 cán bộ Hạt kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị bắt về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Tạ Thanh Tùng, Trần Xuân Hưởng (cùng ngụ tại TP. Bà Rịa), Lê Văn Sinh và Nguyễn Kim Bình (cùng ngụ tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ).

Trước đó, vào đầu tháng 6/2021, cơ quan chức năng phát hiện một diện tích lớn đất rừng trên núi Thị Vải (phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ) bị đào bới cùng hàng trăm cây xanh bị chặt phá. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, tại tiểu khu rừng Tân Phước, có hoạt động đào bới, san gạt, kè đá tạo hồ, kè đá ngăn suối, chẻ đá diễn ra tại rất nhiều thửa đất là đất rừng phòng hộ. Đất này đã được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý với tổng diện tích 1,560 triệu m2.

Phần diện tích đất rừng phòng hộ đã bị đào bới, san gạt, kè đá tạo hồ có tổng diện tích là 16.698,2 m2. Khu đất này đã bị tác động làm giảm độ dày tầng đất đang canh tác cũng như hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác. Độ sâu do giảm, hạ thấp bề mặt đất khoảng 15 m tại nhiều vị trí khác nhau. Bên cạnh đó, trên khu đất có tập kết một khối lượng đất, đá chẻ viên; các chủ sử dụng đất đã đắp 2 hồ để chứa nước có độ sâu 4,5 m.

Ngày 25/6/2021, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Hủy hoại rừng" tại tiểu khu rừng Tân Phước - núi Thị Vải…

Hacker rao bán 'dữ liệu trường học của 30 triệu người Việt'

Dữ liệu cá nhân kèm thông tin về trường lớp được cho là của 30 triệu người Việt đang bị tin tặc rao bán với giá 3.500 USD.

Một phần dữ liệu rò rỉ được hacker này chia sẻ công khai.

Một phần dữ liệu rò rỉ được hacker này chia sẻ công khai.

Bài rao được thành viên meli0das đăng trên một diễn đàn hacker. Người này khẳng định thu thập được lượng dữ liệu lớn này "từ một website trường học phổ biến ở Việt Nam".

Hacker mô tả các thông tin bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học và địa chỉ, là những dữ liệu chưa từng rò rỉ trước đây và mới được lấy trong tháng 7.

Để tăng sự tin tưởng, meli0das đăng ảnh chụp thông tin của khoảng 70 người, hầu hết là giáo viên. Ngoài ra, hacker này cũng cho biết có thể cung cấp bản xem trước của khoảng 10.000 người, hoặc có thể thương lượng để mua bán các gói dữ liệu nhỏ hơn. Số tiền được hacker này đưa ra là 3.500 USD, thanh toán bằng tiền điện tử Monero.

Theo Kỹ sư bảo mật Ngô Minh Hiếu, với thông tin xem trước nói trên, việc rò rỉ có thể là thật. Tuy nhiên, kỹ sư này cũng đánh giá con số "30 triệu" vẫn chưa thể xác minh.

Thời gian qua, không ít vụ bán dữ liệu diễn ra nhưng thực chất là lừa đảo tiền điện tử. Nếu là thật, đây sẽ là một trong những vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam. Với những dữ liệu cá nhân nói trên, kẻ gian có thể sử dụng vào những mục đích xấu như spam quảng cáo, tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm.

Chuyên đề