Bản tin thời sự sáng 12/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thành lập bệnh viện dã chiến hơn 18.000 giường ở TP.HCM; xét nghiệm nhanh Covid-19 trả phí tại sân bay Tân Sơn Nhất; ngày 12/7, giá xăng có thể tăng mạnh; TP.HCM chuẩn bị tiêm 1,1 triệu liều vaccine Covid-19; giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Cần Thơ từ 0 giờ ngày 12/7; Khánh Hòa đề xuất có casino tại Khu kinh tế Vân Phong…

Thành lập bệnh viện dã chiến hơn 18.000 giường ở TP.HCM

Lực lượng y tế, quân đội cùng dân quân đang khẩn trương dọn dẹp, thiết lập bệnh viện dã chiến số 6, 7, 8, 9 tại khu tái định cư Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) với hơn 18.000 giường.

Thành lập bệnh viện dã chiến hơn 18.000 giường ở TP.HCM

Thành lập bệnh viện dã chiến hơn 18.000 giường ở TP.HCM

Ngày 11/7, lực lượng chức năng chuyển nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu vào bên trong các toà chung cư thuộc khu tái định cư Thủ Thiêm (phường An Khánh, TP. Thủ Đức). Các chung cư lô R1, R2, R3 sẽ trở thành Bệnh viện số 6, 7, 8, 9 thu dung và điều trị Covid-19 tại TP.HCM. Quy mô 3 toà chung cư lên đến hơn 18.000 giường.

Thành phố đang triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh, theo đó, phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ Thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm Thành phố).

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết, Thành phố sẽ chuẩn bị thêm 6.000 giường trong 3 - 4 ngày tới để đáp ứng nhu cầu của ngành y tế. Trong thời gian tới, Sở cũng chuẩn bị nguồn dự phòng lên đến tổng số khoảng 40.000 giường để điều trị cho các F0. Đây đều là các chung cư có sẵn nhưng chưa đưa vào sử dụng.

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 6 bao gồm 50 người của Bệnh viện Chợ Rẫy, 40 người thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, 55 người thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Khu tái định cư Thủ Thiêm có diện tích 38,4 ha, gồm 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu nhà nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ, cửa ngõ phía đông Thành phố.

Xét nghiệm nhanh Covid-19 trả phí tại sân bay Tân Sơn Nhất

Hành khách có thể đến sân bay Tân Sơn Nhất sớm và lấy kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi lên máy bay.

Một khu vực tại nhà ga Tân Sơn Nhất được quây lại làm nơi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Một khu vực tại nhà ga Tân Sơn Nhất được quây lại làm nơi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tại nhà ga quốc nội.

Dịch vụ này được thực hiện từ 7h đến 19h mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 11/7. Hành khách có thể lấy mẫu test nhanh trong thời gian 30 phút hoặc chờ 4,5 giờ để xét nghiệm PCR-RT.

Chi phí test nhanh Covid-19 được niêm yết là 540.000 đồng/mẫu/người; Realtime PCR là 1,69 triệu đồng/mẫu/người; Realtime PCR mẫu gộp 5 người là 3,95 triệu đồng/mẫu gộp. Chi phí này bao gồm chi phí lấy mẫu và trả kết quả tại sân bay.

Trước đó, sân bay Nội Bài cũng triển khai dịch vụ test nhanh Covid-19 cho hành khách có nhu cầu.

Theo quy định, hành khách đi máy bay phải khai báo y tế điện tử, đeo khẩu trang trong suốt thời gian bay, thực hiện giãn cách tại nhà ga và tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Đặc biệt, tất cả hành khách đi/đến TP.HCM bằng đường hàng không phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian 72 giờ (xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm PCR). Hành khách từ TP.HCM đi 62 tỉnh thành trên cả nước phải cách ly tại nhà 7 ngày và có 3 lần xét nghiệm Covid-19.

Ngày 12/7, giá xăng có thể tăng mạnh

Giá nhiên liệu trên thế giới đang tăng đột biến nên kỳ điều chỉnh ngày 12/7, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng tới 1.300 đồng.

Ngày 12/7, giá xăng có thể tăng mạnh

Ngày 12/7, giá xăng có thể tăng mạnh

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/7 của RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 83,6 USD một thùng, xăng RON 95 là 85,8 USD một thùng, tăng lần lượt 6% và 7% so với kỳ trước. Riêng xăng RON 95 có lúc lên gần 90 USD một thùng, cao nhất trong 6 tháng qua. Cùng với giá xăng, dầu cũng biến động mạnh.

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho rằng, giá xăng, dầu thế giới đang cao đột biến, bình quân giá xăng đến thời điểm ngày 10/7 là 87 - 88 USD một thùng. Do đó, kỳ điều chỉnh mới này, nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng sẽ tăng 800 - 1.300 đồng một lít, còn giá dầu tăng khoảng 500 đồng. Ngược lại, nếu cơ quan điều hành vừa trích quỹ bình ổn, vừa cho giảm giá thì xăng có thể tăng khoảng 700 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, kỳ điều hành này giá xăng tăng quá cao. Do đó, nhà điều hành có thể trích quỹ nhưng không nhiều vì quỹ còn khá thấp. Cùng với trích quỹ, giá xăng có thể sẽ tăng quanh mức 500 - 700 đồng một lít.

Như vậy, nếu đúng như dự báo thì đây sẽ là kỳ điểu chỉnh thứ 3 liên tiếp giá xăng dầu tăng.

TP.HCM chuẩn bị tiêm 1,1 triệu liều vaccine Covid-19

Sở Y tế TP.HCM đang chuẩn bị triển khai chiến dịch đợt 5 tiêm vaccine Covid-19 với số lượng ban đầu dự kiến là 1,1 triệu liều, trong 2 - 3 tuần.

Người dân TP.HCM tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong chiến dịch đợt 4

Người dân TP.HCM tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong chiến dịch đợt 4

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), số vaccine này gồm một triệu liều vaccine Moderna từ nguồn tài trợ của Mỹ theo cơ chế Covax và 100.000 liều Astra Zeneca từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Nhóm được ưu tiên tiêm đợt này là những người dễ bị tổn thương và nằm trong các vị trí nguy cơ rất cao và nguy cơ cao trên địa bàn quận huyện, bên cạnh các nhóm theo Nghị quyết 21.

Thành phố dự kiến tổ chức khoảng 630 điểm tiêm chủng tại 312 phường, xã. Mỗi điểm sẽ tiêm 120 người một ngày, trong các khung giờ 8 - 13h và 15 - 20h hàng ngày trong suốt thời gian triển khai, để đảm bảo giãn cách. Thành phố cũng chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện để tiêm cho các nhóm mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.

Thành phố sẽ tận dụng thời gian "vàng" trong 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để triển khai hoạt động tiêm chủng, song song với xét nghiệm tầm soát và điều tra truy vết trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Qua 4 đợt tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, TP.HCM đã tiêm 991.322 người, trong đó có 943.215 mũi một và 48.107 mũi hai.

Giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Cần Thơ từ 0 giờ ngày 12/7

Quận trung tâm Ninh Kiều và quận Cái Răng - cửa ngõ phía nam Cần Thơ sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 12/7.

Giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Cần Thơ từ 0 giờ ngày 12/7

Giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Cần Thơ từ 0 giờ ngày 12/7

Quyết định do Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường ban hành cũng yêu cầu 7 quận, huyện còn lại thực hiện theo Chỉ thị 15.

Đông thái này được đưa ra trong bối cảnh Cần Thơ ghi nhận 7 ca Covid-19, các tỉnh lân cận như Đồng Tháp (528 ca), Vĩnh Long (126 ca), An Giang (79 ca) dịch đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, hơn 400.000 dân ở quận Ninh Kiều và Cái Răng được yêu cầu thực hiện Chỉ thị 16 với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường...

Mọi người chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết trong một số trường hợp như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác. Tất cả thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

TP. Cần Thơ có diện tích hơn 1.409 km2, với 9 quận, huyện, dân số hơn 1,2 triệu người. Quận Ninh Kiều rộng hơn 22 km2, dân số gần 300.000 người. Còn Quận Cái Răng diện tích hơn 62,5 km2, dân số hơn 105.000 người.

Khánh Hòa đề xuất có casino tại Khu kinh tế Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất mô hình phát triển kinh tế cho Khu kinh tế Vân Phong, trong đó có định hướng phát triển thành trung tâm du lịch giải trí cao cấp, có casino.

Một góc diện mạo hiện hữu Khu kinh tế Vân Phong

Một góc diện mạo hiện hữu Khu kinh tế Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản về việc tạm dừng chủ trương lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - hành chính đặc biệt bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch có liên quan và đúng quy định của pháp luật.

Theo quy hoạch điều chỉnh của Khánh Hòa, KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền khoảng 70.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Một trong những mục tiêu để lập điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong là xây dựng KKT Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước; trở thành vùng động lực phát triển, đô thị hiện đại, thông minh; khu vực đáng sống với biểu tượng: Xanh - Tri thức - Bản sắc.

Ngoài ra, KKT Vân Phong được quy hoạch thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, kinh tế biển có hệ thống cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa định hướng và đề xuất tại KKT Vân Phong sẽ có trung tâm du lịch giải trí cao cấp, đặc biệt có cả casino, du lịch biển - đảo cao cấp…

Quảng Ninh: Thông hầm trên đường bao biển nối Hạ Long và Cẩm Phả

Hầm nhánh phải trên tuyến đường bao biển nối TP. Hạ Long với TP. Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) vừa được đơn vị xây dựng đào thông.

Thông hầm trên đường bao biển nối Hạ Long và Cẩm Phả

Thông hầm trên đường bao biển nối Hạ Long và Cẩm Phả

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án hầm Cao Ngọc Nam cho biết, đơn vị thi công đã khoan đúng tim hầm đạt độ chính xác 99%.

Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 18,7 km, điểm đầu tại đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP. Hạ Long, đi qua các phường Hồng Hà, Hà Tu, Hà Phong, Quang Hanh và kết thúc tại cảng Km6 TP. Cẩm Phả, được tỉnh Quảng Ninh đầu tư cuối năm 2019.

Hạng mục khó nhất là thi công hầm xuyên núi thực hiện từ tháng 12/2020. Đường hầm dài 235 m, gồm 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, khổ hầm 13,7 m.

Sau 8 tháng, các hạng mục đã cơ bản hoàn thiện. Hầm nhánh phải tuyến đã thông, hầm nhánh trái thi công đạt gần 60% chiều dài, hầm tạm đã hoàn thành.

Nhà thầu vẫn huy động nhân lực thi công chia 3 ca mỗi ngày. Dự kiến cuối năm 2021, hầm bao biển sẽ hoàn thành kịp tiến độ với các hạng mục khác trên tuyến đường.

Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có 6 làn xe, với tổng mức đầu tư 2.290 tỷ đồng.

Tiền Giang nới rộng giãn cách xã hội từ 0h ngày 12/7

10 huyện, thị xã, thành phố sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 12/7, sau khi Tỉnh ghi nhận trên 400 ca mắc Covid-19 cộng đồng.

Chốt kiểm soát thứ hai trên quốc lộ 1, tại Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang

Chốt kiểm soát thứ hai trên quốc lộ 1, tại Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang

Huyện Tân Phú Đông là địa phương còn lại tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Sau 34 ngày có ca nhiễm đầu tiên tại thị xã Cai Lậy, đến nay, Tiền Giang ghi nhận trên 400 ca Covid-19 tại 67 ổ dịch tại 9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó Bộ Y tế đã công bố 398 ca. TP. Mỹ Tho là địa phương có số ca nhiều nhất, 110 ca.

Tiền Giang có 4/7 khu công nghiệp đang hoạt động với 91.000 công nhân, người lao động, 27 cụm công nghiệp với khoảng 17.300 công nhân, người lao động.

Trước đó, Tiền Giang này từng giãn cách xã hội toàn Tỉnh theo Chỉ thị 15, trừ thị xã Cai Lậy, Cái Bè và TP. Mỹ Tho áp dụng Chỉ thị 16 với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư