Khách đi xe tại TP.HCM dịp lễ 30/4 tăng 200%
Covid-19 được kiểm soát, hoạt động vận tải dần bình thường nên các bến xe lớn tại TP.HCM dự báo lễ 30/4 và 1/5 khách tăng xấp xỉ 200% so với cùng kỳ năm trước.
Khách hỏi mua vé tại Bến xe Miền Đông |
Theo kế hoạch phục vụ dịp lễ của Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, 4 ngày từ 29/4 đến 2/5, dự báo khách đạt khoảng 71.000, tăng gần 200% so với cùng năm ngoái và gần 170% ngày thường. Lượng khách cao nhất ngày 29/4 với 21.000 người. Bến chuẩn bị 1.150 xe, đáp ứng số chỗ gấp đôi số khách dự báo, phòng trường hợp nhu cầu tăng đột biến.
Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), khách dịp lễ dự báo đạt 152.000, tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách tăng cao nhất hôm 29/4 với 38.000 người rồi giảm dần, khoảng 24.000 hôm 3/5. Giá vé tại 2 bến tăng cao nhất 40% tùy chặng, để bù chiều xe chạy rỗng quay đầu về bến đón khách.
Hiện, các bến lên phương án điều động xe buýt, ôtô từ chặng ít khách qua chặng nhiều để phục vụ. Lộ trình thay thế tránh ùn tắc cũng được thông báo cho các đơn vị vận tải. Nhà xe và khách được yêu cầu thực hiện biện pháp phòng Covid-19.
Ngày 12/4, giá xăng dầu sẽ giảm nhẹ
Sau chuỗi tăng giá liên tiếp, dự kiến trong phiên điều chỉnh vào ngày 12/4, giá xăng dầu sẽ giảm. Nguyên nhân vì giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang có chiều hướng đi xuống.
Ngày 12/4, giá xăng dầu sẽ giảm nhẹ |
Theo kế hoạch của liên bộ Công Thương - Tài chính, ngày 11/4 là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Tuy nhiên, do rơi vào ngày nghỉ, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào ngày 12/4.
Ghi nhận trên thị trường thế giới, tuần qua, giá xăng dầu có tuần giao dịch giảm mạnh trước lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi chậm, trong khi nguồn cung dầu thô thời gian tới sẽ tăng mạnh với lộ trình đã được các nhà sản xuất đặt ra.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu giảm chủ yếu do thị trường lo ngại khả năng tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến xấu của dịch Covid-19. Điều này dấy lên lo ngại tình trạng cung vượt cầu sẽ tái diễn trên thị trường dầu thô, đặc biệt khi OPEC+ đã có lộ trình tăng sản lượng. Cùng với đó, giá dầu thô còn chịu sức ép bởi một lượng lớn dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô bị ùn ứ trong sự cố kênh đào Suez đã được đưa vào thị trường và dòng chảy dầu thô qua khu vực này đã được khơi thông.
Tin từ Bộ Công Thương cho biết, trung bình 15 ngày qua, giá xăng trên thị trường Singapore đồng loạt giảm 2%. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá trung bình là 70,25 USD/thùng, còn xăng RON 95 có giá là 72,53 USD/thùng. Với diễn biến này, giá xăng dầu trong nước vào kỳ điều hành ngày 12/4 được dự đoán sẽ giảm nhẹ.
Hải quan cưỡng chế dừng làm thủ tục đối với doanh nghiệp nợ thuế 22 tỷ
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương do nợ quá hạn thuế 21,7 tỷ đồng.
Trụ sở Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương |
Cục Hải quan TP.HCM cho biế,t Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV vừa ký quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương.
Quyết định cưỡng chế nêu trên nhằm để thi hành thông báo về tiền nợ thuế và các khoản thu khác theo thông báo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV. Lý do doanh nghiệp này bị cưỡng chế là không thực hiện nộp tiền nợ thuế vào ngân sách Nhà nước.
Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 5/4/2021 đến ngày 4/4/2022. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền nợ thuế được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.
Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương có địa chỉ tại lô 21-23, đường số 8 Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, đang nợ thuế trên 21,7 tỷ đồng. Số nợ thuế này phát sinh từ nhiều năm trước đây, nhưng doanh nghiệp không thực hiện nộp cho ngân sách Nhà nước.
Sắp mở thêm 8 bến cảng biển mới
Trong 8 bến cảng biển sắp được mở mới, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 4 bến cảng; Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa, mỗi địa phương có thêm 1 bến cảng.
Một cảng biển ở Hải Phòng |
Theo danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam vừa được Bộ Giao thông vận tải công bố, tổng số bến cảng trong hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 8 bến.
Trong đó, cảng biển Vũng Tàu có số bến cảng tăng nhiều nhất, gồm bến cảng Hyosung Vina Chemicals, bến cảng Quốc phòng Quân khu 7, bến cảng chuyên dùng Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam và bến cảng Hải đoàn 129.
Ngoài ra, cảng biển Hải Phòng có thêm bến cảng MPC Port; cảng biển Khánh Hòa có thêm bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong; cảng biển Đồng Nai có thêm bến cảng Vĩnh Hưng và cảng biển TP.HCM có thêm bến cảng Bến Nghé Phú Hữu.
Cụ thể, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện có tổng cộng 286 bến cảng. Một số khu vực cảng biển có số bến cảng lớn, gồm Hải Phòng có 50 bến, Vũng Tàu có 46 bến và TP.HCM có 42 bến.
Các cảng biển khác như Cần Thơ có 21 bến cảng; Đồng Nai gồm 18 bến cảng; Khánh Hòa có 16 bến cảng; Quảng Ninh có 13 bến cảng; cảng biển Đà Nẵng có 8 bến; Nghi Sơn, Nghệ An, Dung Quất mỗi khu vực cảng biển có 7 bến; cảng biển Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi khu vực có 6 bến….
Trung bình mỗi năm, cảng biển Việt Nam đón khoảng 120.000 lượt tàu biển với mức tăng trưởng tổng thể của hàng hóa đạt gần 16%/năm. Riêng năm 2020, tổng lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam đạt tới 692 triệu tấn, vượt 14 - 21% so với quy hoạch.
Truy tố vụ sai phạm tại Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết
Từ tháng 12/2013 đến tháng 6/2018, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và sự buông lỏng quản lý về tài chính, Nguyễn Duy Hiển đã nhiều lần chiếm đoạt tiền của Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết.
Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết |
Ngày 11/4, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận truy tố các bị can trong vụ sai phạm tài chính nghiêm trọng tại Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết.
Các bị can gồm Nguyễn Duy Hiển (nguyên Kế toán, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết) bị truy tố tội tham ô tài sản.
Các bị can Nguyễn Trung Hà (nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết), Nguyễn Thị Bích Anh (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết), Ngô Giang Vũ (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết), Trần Thị Thu Thảo (nguyên Kế toán trưởng Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết), Nguyễn Quang Thời (nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết) cùng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng 6/2018, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và sự buông lỏng quản lý về tài chính của lãnh đạo và kế toán trưởng, Nguyễn Duy Hiển (Phan Thiết, Bình Thuận) đã nhiều lần chiếm đoạt tiền của Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết. Tổng số tiền Nguyễn Duy Hiển chiếm đoạt là hơn 6,3 tỷ đồng.
Kết luận giám định tài chính xác định toàn bộ số tiền bị Nguyễn Duy Hiển chiếm đoạt thuộc nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu dịch vụ của Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết. Đến ngày 13/5/2019, Hiển bị khởi tố, bắt giam.
Ngoài hành vi tham ô tài sản của Nguyễn Duy Hiển, quá trình điều tra còn xác định hành vi thiếu trách nhiệm của một số lãnh đạo thuộc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết.
Cao tốc Liên Khương bị phá rào, đấu nối đường trái phép
Hàng rào bị phá, nhiều điểm băng ngang tự phát, đấu nối đường vào khiến cao tốc Liên Khương - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn.
Một đường đấu nối trái phép vào cao tốc Liên Khương - Đà Lạt |
Cao tốc Liên Khương - Đà Lạt dài 19 km, khai thác từ 13 năm trước, giúp kết nối từ sân bay Liên Khương và các tỉnh phía nam tới trung tâm TP. Đà Lạt. Thời gian gần đây, tuyến đường xuất hiện hàng chục điểm giao cắt tự phát do người dân mở để tiện vào rẫy canh tác, vận chuyển nông sản.
Gần đây, phát hiện một đoạn đường đấu nối trái phép vào cao tốc ở xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), Công ty TNHH Hùng Phát (chủ đầu tư) phối hợp chính quyền địa phương đưa phương tiện, thiết bị đến để tháo dỡ.
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, Công ty TNHH Hùng Phát đã dựng hàng rào lưới B40 tại 47 vị trí, xây "bịt" các lối mở tự phát nhưng sau đó một số vị trí bị người dân phá bỏ cho xe máy băng qua. Những vi phạm này đều được công ty ghi nhận, báo địa phương để có hướng giải quyết.
Về giải pháp lâu dài, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp cho biết, đơn vị này đang được giao làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dân sinh dài 3,3 km, xây cống xuyên qua cao tốc với đầu tư gần 40 tỷ đồng.