Bản tin thời sự sáng 12/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là yêu cầu Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy; Hà Nội xin gỡ khó thu hồi đất Dự án trường đua ngựa 10.000 tỷ đồng; gỗ Trường Thành bán "chui" cổ phiếu nhận từ nhà sáng lập; VEC đề xuất mở rộng gần 83 km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ 2 làn lên 4 làn xe…

Yêu cầu Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy

Mực nước hồ Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình tăng cao do mưa lớn khiến nhà chức trách phải yêu cầu đơn vị quản lý mở cửa xả đáy nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du.

Hồ Thủy điện Sơn La phải mở một cửa xả đáy vào chiều 11/6

Hồ Thủy điện Sơn La phải mở một cửa xả đáy vào chiều 11/6

Sáng 11/6, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, lúc 7h, mực nước thượng lưu hồ chứa Thủy điện Sơn La ở cao trình 205,52 m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 5,52 m. Lưu lượng về hồ đạt 3.072 m3/s, lưu lượng xả 2.758 m3/s.

Trong khi đó, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 108,87 m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 3,87 m. Lưu lượng về hồ đạt 3.360 m3/s, lưu lượng xả 2.300 m3/s.

Theo dự báo, ngày 11 - 12/6, vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa lớn với lượng phổ biến 40 - 90 mm, có nơi trên 120 mm. Do đó, mực nước ở các hồ chứa nguy cơ tiếp tục tăng.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, Ban Chỉ đạo lệnh Giám đốc Thủy điện Sơn La cho mở cửa xả đáy thứ nhất vào 14h ngày 11/6. Đồng thời, Giám đốc Thủy điện Hòa Bình được yêu cầu cho mở cửa xả đáy thứ nhất vào 7h ngày 12/6 và tiếp tục mở cửa xả đáy thứ hai vào 13h ngày 12/6.

Hà Nội xin gỡ khó thu hồi đất Dự án trường đua ngựa 10.000 tỷ đồng

UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ khó việc thu hồi 125 ha đất để thực hiện Dự án Tổ hợp giải trí thương mại - trường đua ngựa ở Sóc Sơn.

Vị trí quy hoạch xây dựng Dự án Tổ hợp giải trí thương mại - trường đua ngựa 10.000 tỷ đồng tại Sóc Sơn, Hà Nội

Vị trí quy hoạch xây dựng Dự án Tổ hợp giải trí thương mại - trường đua ngựa 10.000 tỷ đồng tại Sóc Sơn, Hà Nội

Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội cho biết, sau hơn 3 năm cấp phép đầu tư, Dự án Tổ hợp giải trí, thương mại - trường đua ngựa tại Sóc Sơn với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng) chưa thể triển khai do nhiều vướng mắc trong giao, cho thuê đất.

Nhà đầu tư Dự án là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên theo Luật Đất đai 2013, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân. Nhà đầu tư dự án này chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.

Tức là, để thực hiện được Dự án cần phải có doanh nghiệp trong nước nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân xã Tân Minh và Phù Linh (Sóc Sơn), rồi góp vốn bằng quyền này vào doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài - chủ đầu tư Dự án.

Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, quy mô dự án này rất lớn, tới 125 ha, việc nhận chuyển nhượng qua doanh nghiệp trong nước sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện Dự án. Ngoài ra, với phần diện tích đất do UBND xã quản lý nằm trong ranh giới thực hiện Dự án, nếu đủ điều kiện tách thành dự án độc lập cũng phải đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này dẫn tới khó triển khai thực hiện.

Mặt khác, dự án này gồm nhiều mục đích sử dụng khác nhau (trường đua ngựa, trung tâm thương mại, khách sạn...) nên theo Luật Đất đai 2013, chưa đủ cơ sở áp dụng thu hồi đất, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Gỗ Trường Thành bán "chui" cổ phiếu nhận từ nhà sáng lập

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) lý giải, không nhận thức được phải công bố thông tin và cũng không tìm thấy trường hợp tương tự để có cơ sở tham chiếu.

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành bán hơn 12,6 triệu cổ phiếu quỹ từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành bán hơn 12,6 triệu cổ phiếu quỹ từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021

TTF vừa có văn bản giải trình về việc không công bố thông tin giao dịch bán hơn 12,6 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021, hiện chỉ còn 15.815 cổ phiếu quỹ.

Năm 2020, theo thỏa thuận chuyển giao tài sản, gia đình ông Võ Trường Thành (nhà sáng lập, cựu Chủ tịch HĐQT) đồng ý chuyển giao hơn 12,6 triệu cổ phiếu TTF để khắc phục một phần thiệt hại trong quá khứ.

Ngày 19/10/2020, Gỗ Trường Thành đã có công văn xin ý kiến hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc hạch toán số cổ phần trên theo chuẩn mực kế toán và thủ tục bán cổ phiếu đã nhận. Ngày 17/11/2020, UBCKNN đề nghị Công ty có công văn tới Cục Quản lý, giám sát kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) xin hướng dẫn về việc hạch toán.

Ngày 15/12/2020, Công ty đã gửi công văn xin hướng dẫn và đến 15/1/2021, cơ quan quản lý hướng dẫn hạch toán số cổ phiếu TTF nhận bồi thường trên sổ sách là cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, Gỗ Trường Thành đến nay đã bán hết số cổ phần nhận chuyển giao từ nhà sáng lập.

Cụ thể, nhà xuất khẩu gỗ phía Nam bán ra gần 8,9 triệu cổ phiếu trong giai đoạn tháng 8 - 12/2020. Đến tháng 3/2021, Công ty tiếp tục bán 3,7 triệu cổ phiếu còn lại nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành.

CEO Nguyễn Trọng Hiếu thừa nhận, Công ty đã không báo cáo HoSE và công bố thông tin về việc bán cổ phiếu quỹ, thay đổi số lượng cổ phiếu quỹ theo quy định của Luật Chứng khoán.

VEC đề xuất mở rộng gần 83 km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ 2 làn lên 4 làn xe

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giao doanh nghiệp này làm chủ đầu tư mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ 2 lên 4 làn xe.

Một đoạn đường cao tốc 2 làn xe từ Yên Bái đến Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Một đoạn đường cao tốc 2 làn xe từ Yên Bái đến Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km, đi qua TP. Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, được đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 30.132 tỷ đồng (khoảng 1,464 tỷ USD).

Đường cao tốc này được thông xe toàn tuyến từ ngày 21/9/2014 với đoạn Nội Bài - Yên Bái 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, đoạn Yên Bái - Lào Cai dài 82,75km có 2 làn xe, vận tốc tối đa 80km/h.

Theo lãnh đạo VEC, sau gần 8 năm khai thác, đoạn cao tốc 2 làn xe từ Yên Bái đến Lào Cai gặp phải một số bất cập: tốc độ khai thác thực tế thấp, khoảng 50 km/h, trong khi tốc độ thiết kế 80 km/h. Nguyên nhân là phần lớn chiều dài đường chỉ có một làn xe/chiều cho xe tải, xe con chạy hỗn hợp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do khai thác theo quy mô đường 2 làn xe mà không có dải phân cách giữa.

Qua kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đặc biệt đoạn Yên Bái - Lào Cai, có các yêu cầu về quy mô, an toàn giao thông hiện chưa đáp được là một tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh; cần nghiên cứu mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe...

Theo kế hoạch, VEC sẽ mở rộng 82,75 km đoạn Yên Bái - Lào Cai từ 2 lên 4 làn xe để hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 24 m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.740 tỷ đồng do doanh nghiệp này huy động.

Thuduc House bị cưỡng chế thuế hơn 128 tỷ đồng

Cục Thuế TP.HCM quyết định trích tiền từ tài khoản của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) để cưỡng chế vì quá hạn đóng lãi chậm nộp thuế.

Lần thứ tư trong năm 2022 Thuduc House bị Cục Thuế TP.HCM xử phạt về thuế

Lần thứ tư trong năm 2022 Thuduc House bị Cục Thuế TP.HCM xử phạt về thuế

Thuduc House cho biết đã nhận được quyết định trên. Cơ quan thuế sử dụng biện pháp trích gần 128,3 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính. Đây là lần thứ tư trong năm, Thuduc House, một đơn vị phát triển bất động sản, bị Cục Thuế TP.HCM xử phạt về thuế.

Trước đó, vào ngày 19/1, Công ty bị cưỡng chế hơn 111 tỷ đồng. Đến ngày 12/4, Cục Thuế TP.HCM đề nghị Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Thuduc House. Lần gần nhất là vào cuối tháng 4, cơ quan thuế tiếp tục cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty đã nhận tổng cộng 5 quyết định xử phạt liên quan đến thuế từ Cục Thuế TP.HCM.

Trong phiên họp thường niên trước đó, ban lãnh đạo Công ty cho biết, các khoản nợ gốc đã được tạm nộp đầy đủ, chia làm 3 khoản. Trong đó, 365 tỷ đồng đã được nộp vào tài khoản tạm giữ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra vào năm 2021. Sang năm 2022, Thuduc House tiếp tục nộp hai khoản gồm 20 tỷ đồng và 17 tỷ đồng theo các quyết định của Cục Thuế TP.HCM.

Tàu metro số 1 ở TP.HCM bị vẽ bậy

Có 2 toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang ở depot Long Bình (TP. Thủ Đức) bị xịt sơn, vẽ bậy. Hiện ở depot Long Bình có tổng cộng 17 toa tàu đang tập kết.

2 toa tàu metro số 1 ở TP.HCM bị xịt sơn, vẽ bậy

2 toa tàu metro số 1 ở TP.HCM bị xịt sơn, vẽ bậy

Chiều 11/6, liên quan đến thông tin 2 toa tàu metro số 1 bị xịt sơn, vẽ bậy, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết đã nắm thông tin về việc này. Đây là khu vực nhà thầu đang làm và gói thầu hiện chưa được bàn giao nên việc quản lý thuộc trách nhiệm của nhà thầu.

Metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 3 toa dài 61 m, chở được 930 khách. Tàu được sản xuất tại Nhật Bản, tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm).

Các toa tàu nêu trên thuộc Gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) hiện đã đạt 80,6%. Nhà thầu Gói thầu số 3 đã hoàn thành nhập khẩu 17 đoàn tàu, lắp đặt phần lớn các thiết bị trong 11 hệ thống như cấp điện trên cao, thông tin tín hiệu, điều khiển tàu tự động...

Tuyến metro số 1 dài gần 19,7 km từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức) với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM và hiện có tiến độ gần 91%. Các nhà thầu phấn đấu thực hiện công tác chạy thử từng đoạn và trên toàn tuyến trong năm nay, đưa Dự án vào vận hành cuối năm 2023.

Chuyên đề