Tổng Bí thư yêu cầu thanh tra dự án Bệnh viện Bạch Mai 2, Việt Đức 2
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cơ quan thanh tra để kết luận 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam trước 31/3/2025.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam |
Tại họp báo chiều 31/12, ông Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng 31/12, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu sớm đưa 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 vào hoạt động, "không thể để chậm trễ hơn nữa".
Hai công trình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam khởi công năm 2014, mỗi bệnh viện quy mô 1.000 giường với mục đích giảm tải cho cơ sở 1 đã quá tải bệnh nhân. Đây là 2 dự án nằm trong đề án của Bộ Y tế xây dựng 5 bệnh viện lớn cả nước, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm.
Bạch Mai vận hành một phần cơ sở 2 vào năm 2019, nhưng dừng hoạt động từ tháng 3/2020. Còn Việt Đức chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Hiện khuôn viên hai bệnh viện cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục còn thi công dang dở, phần lớn chưa có trang thiết bị y tế.
Theo ông Đặng Văn Dũng, đến nay các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã bổ sung chức năng phòng chống lãng phí. Điển hình là Hà Nội đã rà soát hơn 800 dự án có dấu hiệu thất thoát, lãng phí, tập trung xử lý 3 dự án, thu hồi hơn 42.000 tỷ. "Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của lãng phí và nhu cầu bức thiết phải xử lý các hành vi lãng phí", ông Dũng nói.
Từ 1/1/2025, người dân không phân loại rác bị phạt đến một triệu đồng
Cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba nhóm tái chế, thực phẩm và khác, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.
Rác thải sinh hoạt sẽ được phân thành các loại để tiện cho thu gom, tái chế |
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm ba loại gồm tái chế, thực phẩm và khác. Nếu không phân loại, họ sẽ bị xử phạt 500.000 đến một triệu đồng, theo Nghị định 45/2022. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
UBND các địa phương và thanh tra ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt hành vi trên.
Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tăng nguyên liệu tái chế. Đây là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất. Quy định này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050.
Luật Bảo vệ môi trường xác định UBND các cấp chịu trách nhiệm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm quy định phân loại chất thải. Tính đến giữa tháng 12, có 58 địa phương đã ban hành quy định này, 5 địa phương đang chờ phê duyệt.
Với chính sách phân loại rác tại nguồn, các nhà tái chế cũng kỳ vọng có nguồn nguyên liệu sạch, không lẫn rác sinh hoạt, giảm tỷ lệ hao hụt với nguyên liệu đầu vào.
TP.HCM chi đền bù làm hai đoạn Vành đai 2
TP. Thủ Đức chi tiền bồi thường cho 50 hộ đầu tiên bị ảnh hưởng bởi hai đoạn Vành đai 2 với tổng số tiền khoảng 200 tỷ đồng, ngày 31/12.
Người dân làm thủ tục nhận tiền đền bù làm hai dự án Vành đai 2 ở TP. Thủ Đức |
Đây là đợt đầu Thủ Đức chi trả cho các hộ sau khi duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm hai đoạn Vành đai 2 qua địa bàn. Hai dự án tổng chiều dài hơn 6 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng. Tổng mức đầu tư hai đoạn này hơn 13.800 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ đồng.
Ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức cho biết, trong ngày có khoảng 50 hộ đã nhận đền bù qua tài khoản. Sau đợt này, từ nay tới trước Tết Âm lịch địa phương tiếp tục chi trả với số tiền 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Các trường hợp nhận đền bù ở giai đoạn này phần lớn thuộc diện đất nông nghiệp và người dân có đất ở đã đồng thuận phương án bồi thường. Sau Tết, các hộ còn lại tiếp tục được TP Thủ Đức chi đền bù, mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng vào quý II/2025 để giao đơn vị thi công.
"Quá trình bồi thường cũng có một số khó khăn như có hộ đang vướng phân chia tài sản, đất có tranh chấp. Một số trường hợp cũng còn thắc mắc về diện tích, đơn giá, tuy nhiên số lượng này không nhiều nên địa phương đang cố gắng đẩy nhanh", ông Dũng nói.
Tổng diện tích thu hồi đất làm hai dự án Vành đai 2 nêu trên hơn 61 ha với khoảng 1.166 trường hợp bị ảnh hưởng. Mức giá bồi thường, hỗ trợ cho các hộ được TP. Thủ Đức đưa ra cao nhất khoảng 111,5 triệu đồng mỗi m2 đất ở, mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Kế đến là đất ở có vị trí mặt tiền các tuyến Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Bi gần 102 triệu đồng mỗi m2...
Vành đai 2 dài 64 km bao quanh TP.HCM được quy hoạch cách đây 17 năm, đến nay mới hoàn thành 50 km. Ngoài 2 dự án nêu trên, một đoạn khác cũng ở TP. Thủ Đức, dài hơn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đang thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đoạn còn lại (đoạn 4) ở phía Nam Thành phố, dài 5,3 km nối Quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh chưa được đầu tư.
Huế đặt mục tiêu thu hơn 11.000 tỷ đồng trong năm du lịch quốc gia
Với hơn 170 sự kiện diễn ra suốt năm, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu thu 11.200 tỷ đồng trong năm Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2025, tăng 40% so với 2024.
Đại nội Huế là địa điểm thu hút khách du lịch tham quan khi đến Huế |
Năm du lịch quốc gia và Festival Huế 2025 với chủ đề ''Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới'' được Bộ VHTTDL và tỉnh Thừa Thiên Huế công bố chiều 31/12. Các sự kiện tập trung vào 4 nhóm chính gồm Lễ hội mùa Xuân "Xuân Cố đô"; Lễ hội mùa Hạ "Kinh thành tỏa sáng"; Lễ hội mùa Thu "Huế vào Thu" và Lễ hội mùa Đông "Mùa đông xứ Huế". Trong 170 sự kiện được tổ chức, có 8 hoạt động cấp quốc gia và 62 hoạt động cấp tỉnh, thành phố và 102 hoạt động hưởng ứng.
Đăng cai Năm du lịch quốc gia 2025 được xem là cú hích hút khách cho ngành du lịch Thừa Thiên - Huế. Tỉnh kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách trong năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 40% tổng lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.800 - 11.200 tỷ đồng.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và là điểm kết nối trong hành trình "Con đường Di sản miền Trung", Huế là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Thành phố được công nhận các danh hiệu Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Xanh quốc gia, Thành phố Du lịch sạch ASEAN. Cố đô Huế cũng là địa phương duy nhất cả nước có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh cùng 89 di tích quốc gia và 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt; hàng trăm lễ hội dân gian và cung đình cùng nền văn hóa ẩm thực phong phú và độc đáo. Huế cũng sở hữu Vườn quốc gia Bạch Mã, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, bãi biển đẹp cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Dù du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn song nhiều năm qua, lượng khách đến với Thừa Thiên Huế chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng du lịch tỉnh đang có. Trong năm 2024, Thừa Thiên Huế đón hơn 3,9 triệu lượt khách, trong đó, có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế, 2,5 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch ước đạt 7.900 tỷ đồng. Con số này còn hạn chế khi so sánh với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Bình.
Bạc Liêu đầu tư 1.450 tỷ đồng làm đường vành đai
Tỉnh đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng làm đường vành đai ở TP. Bạc Liêu nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mở rộng không gian đô thị thành phố, tạo động lực đầu tư.
Một phần TP. Bạc Liêu từ trên cao |
Dự án vừa được HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 bố trí vốn giai đoạn 1. Công trình có tổng chiều dài khoảng 15 km, 4 cầu, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Tuyến có điểm đầu tại nút giao Cầu Sập (còn gọi là cầu Dần Xây, Phường 8, TP. Bạc Liêu); điểm cuối giao với Dự án cầu Bạc Liêu 4 và đường nối ra đê biển, được chia làm 5 đoạn.
Công trình có quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h; với 5 nút giao tại các đường: Vành đai ngoài đã đầu tư, Nam Sông Hậu, ven biển Bạc Liêu, Lò Rèn, Cao Văn Lầu.
Theo chính quyền tỉnh Bạc Liêu, việc đầu tư xây dựng tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông vận chuyển hàng hóa, đồng thời mở rộng không gian đô thị TP. Bạc Liêu, tạo động lực thu hút đầu tư.
TP. Bạc Liêu nằm ở phía Đông Tỉnh, bên bờ rạch Bạc Liêu, đang đẩy mạnh quy hoạch, mở rộng không gian đô thị ra hướng biển gắn phát triển các dự án để kêu gọi đầu tư du lịch, sinh thái và kinh tế biển. Tuy nhiên, hiện hệ thống giao thông địa phương chỉ có đường Cao Văn Lầu đáp ứng vận chuyển, còn các tuyến khác chỉ có khả năng vận chuyển nội bộ.
Thuduc House bị cưỡng chế thuế gần trăm tỷ đồng
Cục Thuế TP.HCM cưỡng chế thuế với Thuduc House hơn 91 tỷ đồng, trong bối cảnh cổ phiếu doanh nghiệp này vừa trải qua 6 phiên tăng trần.
Thuduc House bị cưỡng chế thuế gần trăm tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - TDH) cho biết nhận các quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính. Theo đó, TDH bị trích tiền từ tài khoản của công ty hơn 91 tỷ đồng. Con số này lớn hơn lượng tiền họ đang nắm là hơn 67,8 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9.
Doanh nghiệp không công bố lý do bị xử phạt, nhưng trước đây họ từng nhiều lần bị cơ quan thuế cưỡng chế liên quan đến sai phạm về hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử giai đoạn 2017 - 2019.
Trước thông tin trên, cổ phiếu TDH đóng cửa phiên hôm 31/12 giảm hơn 6,5%, về 2.860 đồng một đơn vị. Trong phiên, mã chứng khoán này được nhà đầu tư khớp khối lượng lớn ở giá sàn...
Cổ phiếu của Thuduc House điều chỉnh sau 7 phiên tăng giá, trong đó có 6 phiên khoác sắc tím liên tục. Trong văn bản giải trình theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), công ty nói giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi cung - cầu của thị trường, yếu tố tâm lý của nhà đầu tư cũng như tác động bởi chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến ngành bất động sản. Doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao, nghiên cứu mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm tối ưu lợi nhuận.
Thuduc House thành lập tháng 2/1990, tiền thân là Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Thủ Đức. Lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp này gồm đầu tư phát triển các dự án bất động sản, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê...
Nhìn chung hoạt động kinh doanh của Thuduc House sa sút nhiều năm qua. Năm 2020 và 2021, Công ty lỗ liên tiếp gần 310 tỷ và 890 tỷ đồng. Sang năm 2022, doanh nghiệp lãi vỏn vẹn 8 tỷ đồng nhờ tiết giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên đến năm 2023, TDH báo lỗ trở lại. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận vẫn âm gần 4 tỷ đồng và đang ghi nhận khoảng 755 tỷ đồng lỗ lũy kế đến hết quý III.
Bắt tạm giam cựu Tổng giám đốc Vàng bạc SJC Lê Thúy Hằng
Bà Lê Thúy Hằng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bị bắt với cáo buộc "lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách để chiếm đoạt tài sản".
Bà Lê Thúy Hằng tại một cuộc họp báo |
Chiều 31/12, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên (Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết, 6 người đã bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại SJC và các đơn vị liên quan. Tất cả đều là cán bộ của SJC.
Trong đó, bà Lê Thúy Hằng; Mai Quốc Uy Viễn (Giám đốc xưởng vàng), Trần Tấn Phát (Phó giám đốc xưởng vàng), bà Nguyễn Thị Huệ (Giám đốc chi nhánh Hải Phòng) cùng bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bà Hoàng Lệ Huê (Giám đốc chi nhánh miền Trung), Nguyễn Thị Lộc (Kế toán chi nhánh miền Trung) bị khởi tố về tội Tham ô tài sản.
Vụ án xảy ra tại SJC và các đơn vị liên quan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố hôm 16/9. Kết quả điều tra ban đầu cáo buộc "các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, chiếm đoạt tiền, hưởng lợi bất chính".
SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. SJC nằm trong nhóm 27 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không sở hữu sau cổ phần hóa.
Công ty này là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cho phép độc quyền gia công vàng miếng từ năm 2014 đến nay. Những năm gần đây, giá vàng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ. Từ cuối năm 2023, thị trường vàng biến động mạnh đã khiến Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất, bỏ tình trạng độc quyền.