Bản tin thời sự sáng 11/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất không mở đường xuyên khu sinh quyển thế giới; Giám đốc CDC Hậu Giang bị cách hết chức vụ; sẽ hoàn tất tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi vào tháng 6; các hãng hàng không tăng tần suất bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc; Hà Nội tăng cường 130 xe buýt trong thời gian tổ chức SEA Games 31…

Đề xuất không mở đường xuyên khu sinh quyển thế giới

Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đề xuất phương án làm đường kết nối Bình Phước qua Đồng Nai không đi qua rừng khu sinh quyển thế giới.

Đề xuất của Viện gần giống với phương án 2 của tỉnh Đồng Nai

Đề xuất của Viện gần giống với phương án 2 của tỉnh Đồng Nai

Trước đó, sau nhiều tranh luận liên quan đề xuất của Bình Phước về xây cầu Mã Đà và quy hoạch Quốc lộ 13C đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nhằm kết nối địa phương này với các tỉnh thành cận kề, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Viện nghiên cứu, đề xuất phương án. Đơn vị này từng đưa ra 4 phương án để bàn với Bình Phước, Đồng Nai nhằm xây dựng phương án tối ưu nhất, gửi Bộ GTVT làm cơ sở báo cáo Thủ tướng.

Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT, Viện đề xuất phương án tuyến sẽ kết nối theo đường ĐT 753 với đường Đồng Phú (Bình Phước) và Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Vành đai 4.

Phương án này ưu điểm là nối thị xã Đồng Xoài đến Vành đai 4 ngắn nhất trong các phương án (71 km), thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai trong tương lai; giảm tải cho các đường hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về các cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu…

Để kết nối tuyến vào đường Vành đai 4, cơ quan chức năng chỉ xây dựng mới đoạn đường 12 km, nâng cấp 4 km nên tổng mức đầu tư xây dựng thấp nhất, dự kiến gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra, phương án này ít ảnh hưởng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Lộ trình tuyến theo đề xuất Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải gần giống phương án của tỉnh Đồng Nai, tức đường đi ngoài rìa khu sinh quyển thế giới.

Theo đánh giá của Viện, việc mở đường qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, dù hướng tuyến ngắn nhất để kết nối Bình Phước với Đồng Nai, song đi qua lõi khu sinh quyển, khiến các nhà khoa học và chuyên gia và chính quyền địa phương lo ngại, không đồng thuận. Bởi họ cho rằng đường ảnh hưởng hệ sinh thái tự nhiên, môi trường, động vật, sinh vật trong ba vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An.

Giám đốc CDC Hậu Giang bị cách hết chức vụ

Ông Nguyễn Văn Lành bị cách chức Bí thư đảng uỷ bộ phận và Giám đốc CDC tỉnh Hậu Giang do để người Công ty Việt Á đến nhà tặng quà, trong đó có 450 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc CDC Hậu Giang

Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc CDC Hậu Giang

Quyết định kỷ luật ông Lành (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang - CDC) được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ và Sở Y tế Hậu Giang đưa ra ngày 10/5. Ông Lành bị cho "vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, ông Lành cho biết, trưa 3/12/2021, người của Công ty Việt Á đến nhà tặng quà. Khi thấy trong túi quà có nhiều tiền, chiều cùng ngày ông mang vào cơ quan, lập biên bản, báo cáo UBND Tỉnh. Túi quà sau đó bị Công an Hậu Giang thu giữ, làm rõ động cơ, dấu hiệu sai phạm.

Liên quan sự việc, bà Huỳnh Thị Hồng Đoan, Trưởng khoa Dược - Vật tư y tế; ông Hà Tấn Bình Đẳng, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (thuộc CDC Hậu Giang) cũng bị cách hết chức vụ đảng và chính quyền.

Trước đó, hôm 5/5, tỉnh Hậu Giang công bố kết luận thanh tra về việc mua sắm vật tư y tế phòng chống Covid-19 đối với ngành y tế tỉnh này. Trong đó, CDC Tỉnh ký hai hợp đồng mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư xét nghiệm của Công ty Việt Á, với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng, đã thanh toán 100%.

Sẽ hoàn tất tiêm vaccine Covid cho trẻ 5 - 11 tuổi vào tháng 6

Bộ Y tế đặt mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6 để đi học.

Học sinh lớp 6 tại Hà Nội được tiêm vaccine Covid-19

Học sinh lớp 6 tại Hà Nội được tiêm vaccine Covid-19

Thông tin trên được Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại lễ bàn giao 7,2 triệu liều vaccine Moderna dành cho trẻ em do chính phủ Australia tài trợ, sáng 10/5. Theo Thứ trưởng Tuyên, cả nước đã tiêm hơn 1,85 triệu liều vaccine cho trẻ em trong độ tuổi chỉ định, tính đến 9/5. Vaccine được phân bổ ngay sau khi tiếp nhận để tiêm sớm, nhanh nhất cho trẻ.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng cho trẻ em 5 - 11 tuổi được cho là quá chậm, theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 30/4, miền Bắc tiêm chủng tổng cộng hơn 663.800 liều, miền Trung hơn 123.400, Tây Nguyên hơn 56.000, miền Nam hơn 677.000 liều, đạt gần 13% số trẻ cần tiêm. Đến ngày 8/5, cả nước tiêm được khoảng 22% trong số 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 cần tiêm chủng.

Vì vậy, Bộ Y tế nhiều lần thúc giục địa phương đẩy nhanh tốc độ. Bên cạnh đó, cơ quan này yêu cầu các tỉnh thành đẩy nhanh tiêm mũi ba cho người trên 18 tuổi, tiêm mũi hai cho trẻ 12 - 17 tuổi và lên kế hoạch tiêm mũi 4 cho một số nhóm, hoàn thành trong quý II năm nay.

Vaccine Moderna và Pfizer tiêm chủng cho trẻ 5 - 11 tuổi, đều theo công nghệ mRNA. Một trong những nguồn vaccine sử dụng cho trẻ em được chính phủ Australia tài trợ, khoảng hơn 14 triệu liều, gồm hơn 7,2 triệu liều vaccine Moderna và hơn 7,2 triệu liều Pfizer.

Tuy nhiên, Việt Nam mới nhận vaccine Moderna, chưa nhận vaccine Pfizer. Vaccine này chỉ định cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi, tiêm hai liều, các liều cách nhau 4 tuần. Mỗi liều 0,25 ml, tức bằng một nửa liều tiêm cho người lớn.

Các hãng hàng không tăng tần suất bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc

Từ 15/5, Vietnam Airlines sẽ tăng gấp đôi tần suất, thêm 1 - 2 chuyến bay mỗi tuần trên các chặng giữa Hà Nội, TP.HCM và Tokyo, Osaka, Nagoya.

Vietnam Airlines sử dụng máy bay thân rộng đi chặng Nhật Bản, Hàn Quốc

Vietnam Airlines sử dụng máy bay thân rộng đi chặng Nhật Bản, Hàn Quốc

Từ 1/7, Vietnam Airlines nối lại chặng bay giữa Đà Nẵng và Tokyo. Như vậy, hãng sẽ có từ 25 - 30 chuyến bay mỗi tuần từ Việt Nam đến các thành phố lớn của Nhật Bản, sử dụng tàu bay thân rộng Boeing 787.

Với đường bay Hàn Quốc, từ 15/5, hãng tăng thêm 3 - 4 chuyến bay mỗi tuần trên các chặng giữa Hà Nội, TP.HCM và Seoul, gấp đôi tần suất hiện tại. Điều này giúp đảm bảo mỗi ngày Vietnam Airlines đều có chuyến bay trên các chặng này, khai thác bằng Boeing 787, tương đương thời điểm trước dịch Covid-19.

Từ 1/6, Vietnam Airlines sẽ nối lại các chặng bay giữa Hà Nội và Busan, giữa Đà Nẵng và Seoul. Sau đó, hãng nối lại chặng bay giữa TP.HCM và Busan. Tần suất các chặng này từ 3 đến 4 chuyến mỗi tuần.

Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường hàng không lớn của các hãng bay Việt Nam, nơi có số lượng lớn lao động, du học sinh Việt Nam làm việc và học tập, và nhiều doanh nghiệp, đối tác thương mại.

Bamboo Airways cũng tăng tần suất đường bay Hà Nội - Narita (Nhật Bản) lên 4 chuyến khứ hồi mỗi tuần và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc) lên 3 chuyến mỗi tuần. Từ 1/6, hãng tổ chức bay hàng ngày trên các chặng này.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dù khôi phục 20 đường bay tới quốc gia/vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Pháp, Đức, Anh, Nga, Australia, Mỹ... nhưng dự kiến năm nay sản lượng khách quốc tế giảm 70 - 80% so với thời điểm trước dịch (năm 2019).

Hà Nội tăng cường 130 xe buýt trong thời gian tổ chức SEA Games 31

Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường hàng trăm lượt xe buýt đến nhiều địa điểm thi đấu SEA Games 31. Kế hoạch này nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách và nhu cầu tham dự các bộ môn thi đấu của nhân dân và khách nước ngoài.

Hà Nội tăng cường gần 130 xe buýt trong thời gian diễn ra SEA Games 31.

Hà Nội tăng cường gần 130 xe buýt trong thời gian diễn ra SEA Games 31.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) vừa ban hành kế hoạch tổ chức vận tải hành khách công cộng trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).

Dự kiến, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 18 địa điểm thi đấu, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) có 2 địa điểm thi đấu. Qua rà soát, mạng lưới có 55 tuyến và nhánh tuyến buýt kết nối với 20 địa điểm, trong đó 40 tuyến buýt tiếp cận gần và 18 tuyến buýt đi qua.

Trong kế hoạch phát triển mạng lưới năm 2022, đến đầu tháng 5/2022, mở thêm 4 tuyến buýt điện, nâng tổng số toàn Thành phố có 7 tuyến buýt điện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời góp phần phục vụ SEA Games 31.

Để tăng cường giải tỏa hành khách tại các địa điểm thi đấu, Thành phố dự phòng tăng cường 129 phương tiện với 714 lượt xe tăng cường/ngày trên 55 tuyến và nhánh tuyến. Trong đó, Tổng công ty Vận tải Hà Nội tăng cường trên 29 tuyến và nhánh tuyến; Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến tăng cường trên 9 tuyến và nhánh tuyến; Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus tăng cường trên 7 tuyến; Công ty CP Vận tải và dịch vụ Liên Ninh tăng cường trên 5 tuyến và nhánh tuyến; Công ty CP Xe điện Hà Nội 3 tuyến; Chi nhánh Công ty TNHH Bắc Hà 1 tuyến và Công ty CP Xe khách Hà Nội 1 tuyến.

TP.HCM thanh tra hơn 10.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Trong năm nay, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 10.420 doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài, số tiền lớn, ảnh hưởng nhiều lao động.

Người lao động viết đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng khi công ty nợ bảo hiểm xã hội

Người lao động viết đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng khi công ty nợ bảo hiểm xã hội

Theo Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM Nguyễn Quốc Thanh, trong số này, hơn 900 doanh nghiệp để nợ bảo hiểm xã hội trên 6 tháng sẽ bị thanh tra theo kế hoạch, con số này tăng gấp ba lần các năm trước. Khoảng 9.500 doanh nghiệp để nợ từ một tháng sẽ bị thanh tra đột xuất nếu chậm đóng số tiền lớn, có dấu hiệu trốn đóng, ảnh hưởng nhiều lao động.

Đến cuối tháng 3, Thành phố ghi nhận gần 45.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 1 đến trên 12 tháng với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 25.000 đơn vị nợ 1 - 3 tháng với hơn 1.500 tỷ đồng; trên 12.800 doanh nghiệp để nợ từ 3 đến dưới 12 tháng với tổng số tiền gần 665 tỷ đồng; gần 6.400 đơn vị nợ trên 12 tháng với hơn 1.700 tỷ đồng. Tổng số tiền doanh nghiệp nợ chiếm gần 7% kế hoạch thu năm 2022 của Bảo hiểm Xã hội Thành phố.

Chuyên đề