Bản tin thời sự sáng 11/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM cấp giấy hoàn thành cách ly trực tuyến cho F0; giá xăng ngày 11/3 có thể tiến sát 30.000 đồng; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn muốn trả 16 mặt bằng; thuốc kháng thể dự phòng Covid-19 sắp về Việt Nam; TP.HCM rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2…

TP.HCM cấp giấy hoàn thành cách ly trực tuyến cho F0

Cơ quan chức năng sẽ triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên hệ thống quản lý bệnh nhân Covid-19 để tạo thuận lợi cho người dân.

Giao diện website hệ thống quản lý người bệnh Covid-19. Ảnh chụp màn hình

Giao diện website hệ thống quản lý người bệnh Covid-19. Ảnh chụp màn hình

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết thông tin trên. Với tính năng này, người dân không cần phải đến trạm y tế địa phương xin giấy xác nhận hoàn thành cách ly như trước.

Cụ thể, người dân khi có kết quả mắc Covid-19 sẽ chủ động khai báo thông tin tại đường link www.tracuuf0.medinet.org.vn. Khi đó, trạm y tế sẽ đánh giá tình trạng F0 bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa và tiếp nhận người bệnh trên nền tảng quản lý Covid-19.

Trong thời gian cách ly điều trị tại nhà, trạm y tế quản lý và chăm sóc, theo dõi F0 trên hệ thống theo quy định. Khi đã hoàn thành cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, trạm y tế sẽ cấp giấy xác nhận bản giấy hoặc gửi bản điện tử qua email mà người dân đã khai báo.

Tính đến ngày 9/3, TP.HCM đang quản lý hơn 96.100 F0, trong đó có hơn 5.500 F0 điều trị ở bệnh viện tầng 2 và 3; 780 ca cách ly tập trung và gần 89.900 ca cách ly tại nhà.

Những ngày qua, tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn Thành phố, nhiều người dân là F0 phải xếp hàng dài để chờ xét nghiệm, lấy giấy chứng nhận khỏi bệnh, hoàn thành cách ly.

Giá xăng ngày 11/3 có thể tiến sát 30.000 đồng

Theo các doanh nghiệp, giá xăng đang chịu sức ép tăng 2.000 - 3.000 đồng mỗi lít nên ngày 11/3, giá mặt hàng này có thể tăng lần thứ 7 liên tiếp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, ngày 11/3 giá xăng thậm chí có thể tăng trên 3.000 đồng một lít

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, ngày 11/3 giá xăng thậm chí có thể tăng trên 3.000 đồng một lít

11/3 là kỳ điều hành giá xăng dầu của chu kỳ mới. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/3 với RON92 là 133,8 USD một thùng, RON95 135,5 USD một thùng, tăng 18 - 20% so với đợt điều chỉnh trước đó. Đặc biệt, ngày 8/3, xăng RON92 chạm mốc 150 USD một thùng, cao nhất trong 14 năm qua. Nhiều chuyên gia dự báo sau lệnh cấm nhập khẩu từ Nga của Mỹ, thị trường sẽ còn hoảng loạn đẩy giá dầu leo thang với mức giá khó đoán trước.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết, xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng chưa từng có tiền lệ và vượt xa mốc dự đoán của các doanh nghiệp. Với mức này, các doanh nghiệp nhập khẩu đang bị thua lỗ.

Hiện, chênh lệch giá xăng dầu trong 10 ngày qua ở mức trên 20%, nên kỳ điều hành mới, giá xăng có thể tăng sốc ở mức 1.800 - 2.400 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, ngày 11/3 giá xăng thậm chí có thể tăng trên 3.000 đồng một lít. Nếu vừa sử dụng quỹ, vừa cho giảm thuế môi trường, giá xăng có thể chỉ tăng 900 - 1.000 đồng một lít. Đây cũng sẽ là lần tăng giá thứ bảy liên tiếp và lần thứ sáu liên tục từ đầu năm.

Giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay khi mỗi lít xăng có giá là 26.830 đồng với RON 95 và 26.070 đồng với E5 RON92.

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn muốn trả 16 mặt bằng

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đề xuất trả 16 mặt bằng cho UBND TP.HCM càng sớm càng tốt vì không sử dụng vẫn phải đóng tiền thuê đất hàng năm.

Sagri đề xuất trả 16 mặt bằng cho UBND TP.HCM

Sagri đề xuất trả 16 mặt bằng cho UBND TP.HCM

Sagri đang quản lý 42 mặt bằng nhà đất. Do không dùng hết, Tổng công ty muốn trả lại 18 mặt bằng. Tuy nhiên, hai mặt bằng ở xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) và tại đường Lâm Văn Bền (Quận 7) có quyết định thu hồi. 16 vị trí còn lại dù không khai thác nhưng hàng năm đơn vị phải đóng tiền thuê đất rất lớn.

Giải thích lý do tại sao không sử dụng các mặt bằng để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) Phạm Thiết Hòa cho biết, đây không chỉ là vấn đề của Sagri mà còn là vướng mắc của nhiều tổng công ty ở Thành phố. Tổng công ty có những vị trí mặt bằng rất đẹp ở Quận 7 nhưng phải trả cho Thành phố.

Tổng giám đốc Sagri lý giải, do các khu đất trên đã được quy hoạch khu dân cư, trường học, công viên, cây xanh... nên không còn phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty. Trong thời gian chờ thu hồi, nếu muốn khai thác, Sagri phải đầu tư để tu sửa rất tốn kém nên đã để trống. Một số mặt bằng thời hạn thuê đã hết nên không thể xin phép sửa chữa, đầu tư, phải trả lại.

Ông Hòa cho biết thêm, Sagri mong được trả lại càng sớm càng tốt để không phải đóng tiền thuê đất, mà Nhà nước có thêm quỹ nhà đất tạo nguồn ngân sách.

Sagri là 1 trong 8 công ty vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, thành lập năm 1996 trên cơ sở sáp nhập các đơn vị nông, lâm, thủy hải sản của Thành phố. Năm 2010, Sagri chuyển thành công ty TNHH MTV gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh.

Thuốc kháng thể dự phòng Covid-19 sắp về Việt Nam

Evusheld - thuốc kháng thể đơn dòng của AstraZeneca được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho phép nhập khẩu, tác dụng dự phòng trước phơi nhiễm Covid-19.

Evusheld - thuốc kháng thể đơn dòng của AstraZeneca được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho phép nhập khẩu

Evusheld - thuốc kháng thể đơn dòng của AstraZeneca được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho phép nhập khẩu

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết về thông tin cấp phép nhập khẩu Evusheld. Như vậy, đây là lần đầu tiên thuốc kháng thể đơn dòng dự phòng Covid được cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam, dành cho người không mắc bệnh và có tác dụng phòng bệnh.

Thuốc kháng thể được phát triển từ kháng thể đơn dòng lấy ở những bệnh nhân đã hồi phục sau Covid-19. Hiện có hai loại thuốc kháng thể đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Một loại là thuốc kháng thể đơn dòng điều trị Covid-19. Tháng 9/2021, Bộ Y tế cho phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên triệu chứng nhẹ đến vừa và có nguy cơ tiến triển nặng.

Loại thứ hai là thuốc kháng thể đơn dòng AZD7442 dự phòng Covid, tên gọi Evusheld, của AstraZeneca. Thuốc dự phòng này khá khan hiếm trên thế giới, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả trên lâm sàng, ngoài công bố của nhà sản xuất.

Hiện chưa rõ số lượng lô hàng Evusheld đầu tiên về Việt Nam, cũng như thời điểm nhập khẩu, song dự kiến vào cuối tháng 3. Số thuốc này nằm trong hợp đồng Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) mua 20.000 liều, ký kết với AstraZeneca ngày 2/11/2021. Thuốc sẽ được sử dụng tại hai bệnh viện Tâm Anh Hà Nội và Tâm Anh TP.HCM, dùng bằng đường tiêm bắp sâu, một liều hai mũi tiêm cùng lúc, hiệu quả phòng bệnh trong 6 tháng.

Hiện liệu pháp kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 chưa có trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Theo phó giáo sư Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Evusheld bảo vệ nhóm không thể tiêm chủng hoặc không sinh đủ miễn dịch sau tiêm vaccine Covid-19.

TP.HCM rà soát bố trí hơn 13.600 tỷ đồng làm đường Vành đai 2

Vốn đầu tư hai dự án của Vành đai 2 đi qua TP. Thủ Đức sẽ được rà soát để đề xuất bố trí 13.600 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Hướng tuyến Vành đai 2 TP.HCM

Hướng tuyến Vành đai 2 TP.HCM

Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, tổng chiều dài hơn 64 km, đến nay còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Đây được xem là trục huyết mạch giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô TP.HCM, kết nối cảng biển và các tuyến quan trọng như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, 13...

Hai dự án thuộc tuyến vành đai tổng chiều dài hơn 6 km, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến nhu cầu vốn làm hai dự án hơn 13.600 tỷ đồng, chiếm 80% tổng đầu tư (hơn 17.000 tỷ đồng). Phần còn lại hơn 3.400 tỷ đồng, ngành giao thông Thành phố đề xuất cân đối để bố trí cho các công trình ở giai đoạn sau.

Theo nghiên cứu tiền khả thi các dự án, đoạn Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài khoảng 3,5 km, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 8.600 tỷ đồng, bao gồm 6.400 tỷ đồng giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu. Đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8 km, nhu cầu vốn khoảng 8.458 tỷ đồng cho giai đoạn một, trong đó hơn 5.500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh từ đầu.

Dự kiến giảm 2.000 đồng thuế môi trường với xăng từ tháng 4

Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ mức giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng và 1.000 đồng với dầu, từ đầu tháng 4.

Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ mức giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng

Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ mức giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự án Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ đề xuất giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (tức giảm 2.000 đồng mỗi lít). Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa là 700 đồng mỗi lít.

Theo đó, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng. Mức giảm này là gấp đôi so với phương án được Bộ Tài chính từng đưa ra trước đó và tương tự với đề xuất mới đây của Bộ Công Thương.

Dự án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/4 đến hết năm nay.

Dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.

Trong kịch bản chính sách có hiệu lực từ đầu tháng 4 đến hết năm nay, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 23.954 tỷ đồng (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng).

TP.HCM thu giữ hơn 70.000 kit test, nhiều thuốc chữa Covid-19 lậu

Kiểm tra kho hàng công ty ở quận Bình Tân (TP.HCM), các cơ quan chức năng phát hiện 70.000 kit test và lượng lớn thuốc chữa Covid-19 không rõ nguồn gốc.

Cơ quan chức năng kiểm tra số kit test

Cơ quan chức năng kiểm tra số kit test

Sáng 10/3, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra kho hàng của Công ty ADN Care do ông Nguyễn Thanh Thảo, làm đại diện theo pháp luật.

Cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 70.000 kit test, lượng lớn thuốc điều trị Covid-19 nhãn hiệu Liên Hoa Thanh Ôn... in chữ Trung Quốc (chưa thống kê được số lượng). Đại diện công ty không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Thảo cho biết, kit test và thuốc Liên Hoa Thanh Ôn mua của một người Campuchia quen qua mạng xã hội Facebook. Theo thỏa thuận, Thảo chuyển tiền qua tài khoản cho người này rồi nhận hàng ở nhà xe khu vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân).

Người này cũng thừa nhận công ty còn tự sản xuất một số mặt hàng như khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn... nhưng chưa đủ giấy phép, điều kiện.

Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án.

Chuyên đề