Bản tin thời sự sáng 10/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lộ trình lên quận của 4 huyện ven đô Hà Nội; đề xuất lập tổ công tác thúc đẩy 8 tuyến metro ở TP.HCM; thanh tra tài chính đã kiến nghị xử lý trên 40.000 tỷ đồng; Lâm Đồng yêu cầu dừng mua điện, bóc dỡ hàng nghìn tấm pin mặt trời lắp 'chui'…

Lộ trình lên quận của 4 huyện ven đô Hà Nội

Theo lộ trình đến năm 2025, Thủ đô sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đưa 4 huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì lên quận.

TP. Hà Nội đang nỗ lực để đưa huyện Đông Anh lên quận vào cuối năm 2023

TP. Hà Nội đang nỗ lực để đưa huyện Đông Anh lên quận vào cuối năm 2023

Sau khi HĐND TP. Hà Nội thông qua đề án, các sở ngành tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định lập quận Đông Anh trong năm 2023.

Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có.

Trong tương lai, quận Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô.

Hiện nay, TP. Hà Nội cũng đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ đề án thành lập quận Gia Lâm vào cuối năm 2023.

Trong thời gian này, Gia Lâm tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng để đáp ứng đủ tiêu chí huyện lên quận và xã lên phường.

Cuối tháng 3/2023, các sở ngành của TP. Hà Nội "chấm điểm" huyện Gia Lâm đạt được mức "tối thiểu" để thành lập quận. Cụ thể, với nhóm cơ sở hạ tầng đô thị, huyện Gia Lâm đạt 24/25 tiêu chí.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP. Hà Nội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận. Trong đó, sẽ hoàn thiện đề án đưa Hoài Đức lên quận trước, sau đó đến Thanh Trì (dự kiến năm 2024), Đan Phượng (hoàn thiện đề án vào năm 2025).

Hiện Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 12 quận, 17 huyện và một thị xã. Trong đó, 12 quận gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân.

Đề xuất lập tổ công tác thúc đẩy 8 tuyến metro ở TP.HCM

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đề xuất thành lập Tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Quy hoạch hệ thống đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch hệ thống đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa đề xuất UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, nhằm tìm giải pháp đột phá hoàn thành hệ thống metro dài 220km từ nay đến năm 2035.

Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM có 8 tuyến, dài hơn 220km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 25 tỷ USD (hơn 591.000 tỷ đồng).

Đến nay, TP.HCM mới triển khai được 2 tuyến là metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11 km, dự kiến hoàn thành năm 2032.

Như vậy, thời gian thực hiện của tuyến metro số 1 khoảng 16 năm và tuyến metro số 2 khoảng 22 năm.

Theo MAUR, sau 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TP.HCM vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào chính thức vận hành thương mại.

Việc TP.HCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm là một thách thức rất lớn.

Nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian qua thì không thể thực hiện được mục tiêu tại Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.

Do đó, MAUR đề xuất lập tổ công tác để tập trung hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Tổ công tác này dự kiến có 14 thành viên do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường làm Tổ phó.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 220 km cùng 3 tuyến Tramway, Monorail.

Ngoài tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dự kiến được khởi công vào năm 2025, các tuyến còn lại chưa được triển khai, xây dựng.

Thanh tra tài chính đã kiến nghị xử lý trên 40.000 tỷ đồng

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính trên 40.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra tài chính đã kiến nghị xử lý trên 40.000 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra tài chính đã kiến nghị xử lý trên 40.000 tỷ đồng

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 31.092 cuộc thanh tra, kiểm tra, vượt so với cùng kỳ năm ngoái là 2.742 cuộc; tiến hành kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 6.653 vụ, qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 40.424 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị xử lý tài chính số tiền 2.908 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước số tiền 2.727 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực thuế, đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản và phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và tội phạm về thuế.

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 29.616 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 37.494 tỷ đồng, số tiền đã nộp ngân sách nhà nước là 6.092 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hải quan, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống đã thực hiện 81 cuộc, ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là 126 tỷ đồng.

Song song với lĩnh vực thuế và hải quan, hệ thống thanh tra, kiểm tra Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 522 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã ban hành 445 kết luận thanh tra tại 445 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 80 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền vi phạm trên 3 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai và thực hiện 16 cuộc thanh tra, kiểm tra trong đó 9 cuộc theo kế hoạch và 7 cuộc đột xuất. Đồng thời thông qua hệ thống giám sát thường xuyên đã phát hiện và ban hành 187 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 71 tổ chức và 116 cá nhân với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 18,3 tỷ đồng…

Lâm Đồng yêu cầu dừng mua điện, bóc dỡ hàng nghìn tấm pin mặt trời lắp 'chui'

Ngoài yêu cầu ngành điện lực tạm dừng mua điện, chính quyền Lâm Đồng buộc các doanh nghiệp tháo dỡ hệ thống điện mặt trời chưa đủ pháp lý.

Một góc điện mặt trời được lắp ở Lâm Đồng nhìn từ trên cao

Một góc điện mặt trời được lắp ở Lâm Đồng nhìn từ trên cao

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn xử lý vấn đề của các doanh nghiệp lắp đặt, hợp tác, cho thuê, bán điện năng lượng mặt trời trong các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, Tỉnh yêu cầu Sở Công Thương, Cục Thuế, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Công ty Điện lực Lâm Đồng kiểm tra, rà soát những doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã lắp đặt, ký kết hợp tác đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa đúng quy định về đầu tư, trật tự xây dựng để xử lý, hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trước khi xem xét cho đơn vị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Đáng chú ý, Ban Quản lý các khu công nghiệp được giao phải yêu cầu doanh nghiệp cho thuê mái nhà xưởng (không đúng với giấy chứng nhận đầu tư) thanh lý hợp đồng, tháo dỡ các hệ thống điện mặt trời trên mái đã lắp không đúng quy định khi cho thuê lại mái nhà xưởng.

Ngoài ra, Công ty Điện lực Lâm Đồng phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh rà soát, tạm dừng mua điện đối với các trường hợp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về đầu tư, trật tự xây dựng, chưa thực hiện đúng mục tiêu dự án. Chỉ xem xét mua điện sau khi các doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Cùng với đó, Cục Thuế Tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã lắp đặt, bán điện mặt trời trên mái thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Trước đó, trong Khu công nghiệp Lộc Sơn xuất hiện tình trạng đầu tư xây nhà xưởng, sau đó cho các doanh nghiệp khác bên ngoài thuê đầu tư, khai thác điện mặt trời nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Các doanh nghiệp đều đã ký hợp đồng mua bán với Công ty Điện lực Lâm Đồng. Việc này bị xác định không đúng quy định.

Gấp rút làm đường dây 500 kV kéo dài để tăng cung ứng điện cho miền Bắc

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đường dây truyền tải điện 500 kV mạch 3 kéo dài được Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành tháng 6/2024 để tăng cung điện từ Nam ra Bắc.

Công nhân bảo dưỡng trên đường dây 500 kV Bắc - Nam

Công nhân bảo dưỡng trên đường dây 500 kV Bắc - Nam

Các dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài có chiều dài 514 km, nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng. Dự án này gồm 4 tiểu dự án, được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025 - 2026. Tuy nhiên, để tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc, Thủ tướng yêu cầu tháng 6/2024 phải gấp rút hoàn tất dự án này.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) hoàn tất hồ sơ các dự án trong tháng 7, trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 8 và phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 9.

"Sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, EVN và EVNNPT khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; chậm nhất tháng 6/2024 phải hoàn thành, vận hành dự án", ông Diên nói.

Với các địa phương có dự án đi qua như Quảng Bình, Thái Bình, Hưng Yên..., Bộ trưởng đề nghị giữ đúng hướng tuyến của dự án, cập nhật vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất của địa phương theo quy định. Các địa phương cũng cần sớm hoàn tất thủ tục chuyển đổi đất lúa, rừng ngay sau khi dự án được duyệt và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy

Thủ tướng yêu cầu phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và trung tâm chỉ huy điều hành bay phục vụ hoạt động này.

Cảnh sát dùng xe thang chữa cháy quán karaoke 6 tầng trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy

Cảnh sát dùng xe thang chữa cháy quán karaoke 6 tầng trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy

Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, các máy bay sẽ phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng. Trước mắt ưu tiên đầu tư hệ thống bãi đỗ máy bay và trung tâm chỉ huy điều hành cho Trung tâm Huấn luyện và ứng phó khẩn cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an. Một số tỉnh, thành cũng sẽ được đầu tư.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu quy hoạch các điểm phục vụ máy bay chữa cháy lấy nước ở những nơi cần thiết.

Dự án trang bị máy bay chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Bộ Công an, được coi là ưu tiên, quan trọng, bắt buộc phải làm.

Toàn quốc hiện có hơn 5.600 nhà chung cư nhưng việc chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng gặp nhiều khó khăn. Các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội hiện chỉ có các loại xe thang cứu hỏa và cứu hộ cao 52 m (tương đương 16 tầng), 72 m (tương đương 22 tầng).

Lãnh đạo hai thành phố này nhiều lần đặt vấn đề phải có trực thăng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn sau các vụ cháy lớn tại chung cư cao tầng.

Trước đó, Thông tư 60 của Bộ Công an quy định Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn quốc gia được trang bị định mức 1 - 2 trực thăng chữa cháy và cứu hộ; địa phương loại đô thị đặc biệt được trang bị 1 - 2 chiếc và phải có niên hạn sử dụng trong 15 năm.

Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy chữa cháy toàn quốc đến năm 2030 dự kiến hơn 89.300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn địa phương. Ngoài ra còn có nguồn thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức.

Chủ đầu tư FLC Tropical Hạ Long nộp các khoản nợ thuế, vẫn còn nợ một số khoản tiền khác

Sau khi UBND TP. Hạ Long có công văn đề nghị xem xét thu hồi một phần diện tích Khu đô thị Tropical City Hạ Long của Tập đoàn FLC tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long vì khoản nợ thuế gần 97 tỷ đồng, tập đoàn này đã phải nộp đầy đủ các khoản nợ thuế.

Một khu nhà liền kề của Dự án Khu đô thị Tropical City Hạ Long tại phường Hà Khánh, Hạ Long

Một khu nhà liền kề của Dự án Khu đô thị Tropical City Hạ Long tại phường Hà Khánh, Hạ Long

Thông tin từ UBND TP. Hạ Long ngày 9/7 cho biết, Công ty CP Tập đoàn FLC vừa đã nộp bổ sung toàn bộ tiền sử dụng đất của Dự án Khu đô thị Tropical City Hạ Long tại phường Hà Khánh (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), với tổng số tiền là hơn 94,6 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này cũng nộp tiền chậm nộp là hơn 5,2 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 3/2023, UBND TP. Hạ Long có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị tỉnh xem xét, quyết định thu hồi đất Dự án Khu đô thị Tropical City Hạ Long tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long của Công ty CP Tập đoàn FLC. Lý do là tập đoàn này không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn FLC chưa nộp một số khoản tiền khác, trong đó có khoản 8 tỷ đồng do thu lợi bất hợp pháp từ việc khai thác sử dụng nước để tưới cỏ sân golf trong khi không có giấy phép.

Để đảm bảo việc thu ngân sách và thực hiện nghiêm các quy định về đất đai, xây dựng, tài chính, UBND TP. Hạ Long đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi một phần diện tích đất tại Dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư để giao lại về UBND TP. Hạ Long quản lý, sử dụng đất đúng mục đích đất theo quy định.

Chuyên đề