Bản tin thời sự sáng 10/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương đề nghị giảm 50% thuế môi trường với xăng dầu; đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận tiêm vaccine Covid-19; TP.HCM đề xuất tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2022; vướng thủ tục cấp vốn cho công ty vận hành Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); Vĩnh Phúc đề nghị điều tra người tạo sốt đất ảo…

Bộ Công Thương đề nghị giảm 50% thuế môi trường với xăng dầu

Bộ Công Thương đề nghị giảm 2.000 đồng thuế môi trường với mỗi lít xăng, 1.000 đồng với dầu, gấp đôi mức đề xuất của Bộ Tài chính.

Bộ Công Thương lo ngại giá xăng sẽ tăng mạnh trong kỳ điều hành 11/3
Bộ Công Thương lo ngại giá xăng sẽ tăng mạnh trong kỳ điều hành 11/3

Góp ý với Bộ Tài chính ngày 9/3, Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại dự thảo nghị quyết, cụ thể giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.

Với mức giảm này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) sẽ giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu hỏa là 500 đồng/lít, dầu ma zút là 1.000 đồng/kg, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.

Mức đề xuất của Bộ Tài chính bị các doanh nghiệp, hiệp hội chê là quá thấp và không nhiều ý nghĩa. VCCI cũng đề nghị tăng mức giảm thuế này lên 50% mức đang áp dụng, 1.000 đồng với mỗi lít dầu; 2.000 đồng với mỗi lít xăng.

Giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với Nga, gây nên thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu đang tăng mạnh vì các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Ngày 9/3, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức 125,68 USD một thùng đối với dầu WTI, 130,53 USD một thùng đối với dầu Brent và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu theo đó đã tăng lên mức 142 - 158 USD mỗi thùng, tăng 51 - 69 USD so với giá ngày đầu tháng 1 năm nay.

Bộ Công Thương nhận xét, mức giá này sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu trong nước, kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng một lít, kg tuỳ loại, tương đương tăng 27 - 44% so với giá xăng dầu đầu năm 2022. Việc này có thể làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.

Đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận tiêm vaccine Covid-19

Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận đã tiêm chủng vaccine Covid-19 hoặc từng là F0 khỏi bệnh.

Theo dự thảo phòng chống Covid-19, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận đã tiêm chủng vaccine Covid-19

Theo dự thảo phòng chống Covid-19, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận đã tiêm chủng vaccine Covid-19

Theo dự thảo phòng chống Covid-19 với người nhập cảnh đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh qua đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong 72h hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong 24h trước khi về Việt Nam, trừ trẻ em dưới 2 tuổi. Giấy chứng nhận xét nghiệm được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp.

Những người này không cần xét nghiệm sau khi nhập cảnh, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như người đã lưu trú tại Việt Nam.

Người nhập cảnh qua đường khác cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Những người chưa có thì xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính trong 24h kể từ khi nhập cảnh.

Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế và dùng ứng dụng PC-Covid trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam. Tại cửa khẩu, người có triệu chứng nhiễm Covid-19 như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, khó thở, viêm đường hô hấp... thì báo ngay cơ quan y tế.

Người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm Covid-19; trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng bị nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, được tham gia hoạt động ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

TP.HCM đề xuất tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2022

TP.HCM đề xuất đợt một kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dành cho thí sinh thường, đợt hai dành cho các F0, F1; mỗi đợt cách nhau 10 ngày.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chia làm 2 đợt

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chia làm 2 đợt

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nêu trên.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hoài Nam cho biết, theo quy định của ngành y tế, học sinh F0 cần cách ly, điều trị 7 ngày, sau đó theo dõi 3 ngày; học sinh F1 cách ly 5 ngày, theo dõi 5 ngày. Do đó, hai đợt thi cách nhau 10 ngày là để đảm bảo cho các em không thể tham gia đợt một có thể thi đợt sau. Năm nay, TP.HCM có gần 87.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Còn theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tháng 3 cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 7, cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Do đó, Bộ sẽ không ban hành quy chế thi mới.

Năm ngoái, kỳ thi được chia làm hai đợt: ngày 6 - 9/7 và ngày 5 - 7/8. Đợt một diễn ra trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Vướng thủ tục cấp vốn cho công ty vận hành Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP.HCM báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung vốn để công ty vận hành Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đủ kinh phí hoạt động.

Đoàn tàu Metro Số 1 nhập về TP.HCM

Đoàn tàu Metro Số 1 nhập về TP.HCM

Nội dung đề cập trong văn bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa gửi UBND TP.HCM. Động thái trên đưa ra sau kiến nghị của Thành phố về hướng dẫn bố trí ngân sách cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành Metro Số 1, trước việc đơn vị này không đủ nguồn duy trì hoạt động.

HURC1 trực thuộc UBND TP.HCM, 100% vốn nhà nước. Năm 2015, Công ty thành lập dựa trên kế hoạch Metro Số 1 khai thác năm 2018, để chuẩn bị trước nguồn lực cùng các điều kiện cần thiết cho quản lý vận hành, bảo dưỡng Dự án. Khi thành lập, Công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị văn phòng, kinh phí hoạt động chưa được cấp.

Theo đề án thành lập Công ty và thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - nhà tài trợ), khi vận hành thương mại Metro Số 1, HURC1 chưa có doanh thu nên TP.HCM bố trí ngân sách để đảm bảo điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng tuyến metro chậm so với dự tính nên đến nay, Công ty không đủ nguồn tạm ứng từ mức vốn ban đầu.

Theo Bộ KH&ĐT, việc chi ngân sách cho Công ty cần thực hiện theo phương thức tăng vốn điều lệ, song Metro Số 1 chưa vận hành nên HURC1 không đáp ứng quy định về bổ sung vốn. Bộ KH&ĐT đánh giá việc bố trí đủ nguồn lực cho Công ty hoạt động là cần thiết, đáp ứng cam kết giữa Chính phủ với Nhà tài trợ. Từ đó, Bộ KH&ĐT đề nghị TP.HCM báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vốn cho Công ty theo điều kiện thực tế.

Vietnam Airlines mở lại 7 đường bay nội địa để phục vụ cao điểm Hè

Các đường bay nội địa của Vietnam Airlines được mở lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho du khách nội địa và quốc tế đi lại, góp phần mở rộng khả năng kết nối tuyến điểm du lịch trong khu vực.

Vietnam Airlines mở lại nhiều đường bay nội địa để phục vụ cao điểm Hè.

Vietnam Airlines mở lại nhiều đường bay nội địa để phục vụ cao điểm Hè.

Để đáp đứng nhu cầu du lịch nội địa và tạo thêm sự thuận lợi cho hành khách, Vietnam Airlines tiếp tục nối lại 7 đường bay gồm 6 đường bay kết nối Phú Quốc với Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Thanh Hóa và đường bay Đà Nẵng-Vinh.

Theo đó, các đường bay giữa Phú Quốc với Vinh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Lạt, Thanh Hóa khai thác từ ngày 27/3 với tần suất 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ Nhật. Trước đó, đường bay Đà Nẵng - Phú Quốc đã khai thác từ ngày 2/3/2022.

Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ tiến tới tăng tần suất lên 7 chuyến/tuần vào tất cả các ngày trong tuần đối với những đường bay này từ ngày 1/6/2022.

Trong khi đó, đường bay Đà Nẵng - Vinh khai thác từ ngày 1/6/2022 với tần suất 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ Tư, Sáu, Chủ Nhật.

Vĩnh Phúc đề nghị điều tra người tạo sốt đất ảo

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công an Tỉnh nắm bắt thông tin, xử lý các trường hợp thổi giá, lũng đoạn, gây bất ổn thị trường bất động sản.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu công an tỉnh xử lý các trường hợp có dấu hiệu lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu công an tỉnh xử lý các trường hợp có dấu hiệu lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định trong thời gian gần đây, một số nơi trong Tỉnh có dấu hiệu đầu cơ mua bán đất đai, gây sốt ảo trên thị trường. Một số chủ đầu tư dự án tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng đất không đúng quy định; quảng cáo, rao bán khi chưa thực hiện đủ quy trình, thủ tục. Tỉnh đánh giá những việc trên gây ảnh hưởng tới thị trường, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng an ninh trật tự.

Do vậy, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công an Tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản; xử lý các trường hợp có dấu hiệu lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường.

Công an cần theo dõi các khu vực có dấu hiệu đất tăng giá đột biến, sốt ảo; xử lý người hành vi đầu cơ, thổi giá, làm thị trường tạo "sốt ảo" để kiếm lời .

Sở Tư pháp cần chỉ đạo các văn phòng công chứng chỉ thực hiện công chứng với các dự án bất động sản đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

Sở Xây dựng Vĩnh Phúc được yêu cầu không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn.

Chuyên đề