Băn khoăn kiểm toán tại DN có vốn nhà nước dưới 50%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước dưới 50% đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán và phát hiện dấu hiệu sai phạm. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, cần có thêm quy định rõ để khoanh vùng phạm vi kiểm toán, công bố kế hoạch kiểm toán hàng năm, tận dụng kết quả của kiểm toán độc lập để giảm khối lượng thực hiện và tránh phiền hà cho DN.
Công tác quản lý, sử dụng tiền và tài sản tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% còn nhiều tồn tại, bất cập, tạo rủi ro cao về tài chính và pháp lý cho doanh nghiệp
Công tác quản lý, sử dụng tiền và tài sản tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% còn nhiều tồn tại, bất cập, tạo rủi ro cao về tài chính và pháp lý cho doanh nghiệp

Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định: “Đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng KTNN quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.”

TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, kể từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực đến nay, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán DN có vốn nhà nước dưới 50%. Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán còn một số điểm đáng chú ý. Theo đó, quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu. Mặt khác, ngành nghề kinh doanh của các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ rất đa dạng, quy mô lớn và có xu hướng phát triển theo hướng công nghệ cao nên đòi hỏi kiểm toán viên phải được đào tạo, cập nhật kiến thức để am hiểu các lĩnh vực mới.

Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng KTNN Khu vực XIII cho rằng, việc KTNN thực hiện kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ là rất cần thiết. Bởi lẽ, các DN này cũng có nguy cơ cao về tham nhũng, lãng phí, rủi ro mất vốn. Bên cạnh đó, một số công ty kiểm toán độc lập (KTĐL) làm nhiệm vụ kiểm toán và xác nhận báo cáo tài chính của các DN chưa có độ tin cậy cao.

Ông Khương nêu ví dụ, tại Công ty TNHH Q.P.N liên doanh với Hàn Quốc có vốn điều lệ là 379.030 triệu đồng (vốn nhà nước là 20%), tại thời điểm kiểm toán, liên doanh này hầu như chưa triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo dự kiến, nhưng báo cáo tài chính thể hiện số lỗ lũy kế lên tới 417.311 triệu đồng.

Công ty CP X.T.Đ (vốn nhà nước 20%) được giao 7 cơ sở nhà đất để quản lý sử dụng sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, Công ty đã lập các thủ tục về đất đai với 4 khu đất, sau đó chuyển nhượng cả 4 khu đất cho các đối tượng khác.

“Những ví dụ nêu trên cho thấy công tác quản lý, sử dụng tiền và tài sản tại các DN có vốn nhà nước dưới 50% còn nhiều tồn tại, bất cập, tạo rủi ro cao về tài chính và pháp lý cho DN, có thể dẫn tới mất vốn nhà nước. Tuy nhiên, những năm vừa qua việc kiểm toán các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống chưa được quan tâm đúng mức”, ông Khương nhận xét.

Theo ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), bên cạnh việc xây dựng chương trình, kế hoạch và quyết định lựa chọn các đơn vị được kiểm toán, cần có quy định quy mô vốn đầu tư của Nhà nước để khoanh vùng phạm vi kiểm toán. Mặt khác, cần xây dựng tiêu chí cụ thể hơn về các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ phải được KTNN kiểm toán báo cáo tài chính định kỳ. Trên cơ sở đó, KTNN chủ động xây dựng và công bố kế hoạch kiểm toán hàng năm đối với các DN mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, từ đó xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với các bên liên quan.

Thêm vào đó, KTĐL là yêu cầu bắt buộc đối với một số DN để cung cấp thông tin cho chủ sở hữu, nhà đầu tư tiềm năng, chủ nợ, bên cho vay… Vì vậy, KTNN cần có cơ chế sử dụng kết quả của KTĐL để đánh giá tính trung thực, hợp lý về thông tin phần vốn nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống cũng như các nội dung khác là hợp lý.

Trong trường hợp KTNN trực tiếp kiểm toán báo cáo tài chính của DN theo kế hoạch, thì việc trao đổi giữa KTNN với DN và KTĐL nhằm sắp xếp thời gian triển khai cuộc kiểm toán cũng như bố trí nguồn lực phù hợp là cần thiết. Khi đó, ba bên là DN, KTNN và KTĐL có thể thống nhất kế hoạch kiểm toán bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm cũng như tạo thuận lợi cho DN.

Từ góc độ khác, PGS. TS. Phan Duy Minh, nguyên Phó giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, với loại hình DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, KTNN có thể và chỉ nên tiến hành kiểm toán khi thấy DN có những dấu hiệu bất bình thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá, cạnh tranh không lành mạnh... Trong điều kiện bình thường, KTNN có thể tiến hành kiểm toán các DN này định kỳ 3 - 5 năm/1 lần.

Bên cạnh đó, khi tiến hành kiểm toán các DN này, KTNN nên xem kỹ báo cáo kiểm toán của KTĐL đã thực hiện để giảm bớt khối lượng công việc không cần thiết cũng như tránh phiền hà không đáng có cho DN.

Chuyên đề