Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu khai mạc phiên họp kín thứ nhất các nhà lãnh đạo APEC. |
Thưa các nhà lãnh đạo thành viên APEC,
Một lần nữa, tôi chào mừng Quý vị đến Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25. Hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành các phiên họp kín để trao đổi cụ thể, thực chất về các vấn đề đang đặt ra đối với Diễn đàn, cũng như cách thức xử lý khó khăn, hướng tới tạo dựng tương lai chung tốt đẹp hơn.
Cách đây đúng một phần tư thế kỷ, các nhà lãnh đạo tiền bối của chúng ta đã có cuộc họp mặt đầu tiên tại Blake Island, Hoa Kỳ, với mong muốn “xây dựng một nền tảng kinh tế mới cho châu Á-Thái Bình Dương”.
25 năm qua, thế giới và khu vực có những chuyển biến sâu sắc về kinh tế, quan hệ quốc tế và tương quan lực lượng. Song với định hướng chiến lược là lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng, xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư làm trọng tâm, chúng ta có thể hài lòng với những kết quả đã đạt được.
APEC đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế, thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xử lý các thách thức cấp bách toàn cầu.
Các Mục tiêu Bogor về mở cửa và tự do hóa về thương mại và đầu tư, việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, các chiến lược, chương trình về tăng trưởng, kết nối đã trở thành định hướng dài hạn cho hoạt động của APEC, mở ra hàng trăm lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới, đã và đang đáp ứng kịp thời những nhu cầu mới đặt ra trong kỷ nguyên số.
Chỉ trong vòng một năm kể từ cuộc họp lần trước tại Peru, chúng ta đã chứng kiến những bước chuyển nhanh và phức tạp hơn so với dự báo. Tình hình an ninh, chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Sau đúng 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi và tiếp tục điều chỉnh trước những biến đổi sâu sắc. Song liên kết kinh tế ở khu vực đang gặp trở ngại do những bất định toàn cầu về thương mại tự do và mở cửa.
Mặc dù vậy, kinh tế thế giới đã khởi sắc hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều cơ hội to lớn chưa từng có cho phát triển và đổi mới. Những thỏa thuận toàn cầu, nhất là Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 có ý nghĩa lịch sử, định hướng dài hạn cho thúc đẩy hợp tác quốc tế vì phát triển bền vững.
Bối cảnh đó đòi hỏi APEC phải khẳng định và phát huy vai trò tiên phong trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại, đầu tư, kết nối, cũng như cách thức để người dân được thụ hưởng đồng đều từ quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đóng góp vào tạo dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Trên tinh thần đó, Hội nghị của chúng ta ngày hôm nay sẽ gồm hai phiên họp kín và Tiệc trưa làm việc. Tại Phiên họp đầu tiên này, tôi đề nghị chúng ta thảo luận về “Tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững”.
Tôi đã mời bà Christine Lagarde - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - một gương mặt quen thuộc đã đồng hành cùng chúng ta trong suốt thời gian qua để chia sẻ những nhận xét, đánh giá về kinh tế thế giới và khu vực, triển vọng và thách thức đặt ra đối với chúng ta để kinh tế phục hồi vững chắc hơn và bước sang giai đoạn tăng trưởng mới. Tôi cũng đề nghị bà Lagarde, từ góc độ định chế tài chính quốc tế quan trọng hàng đầu, đưa ra các gợi ý chính sách về các động lực mới để châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng và liên kết trong thời gian tới, trong đó có ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề phát triển bao trùm.