CEO Dara Khosrowshahi cho biết Uber sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển tại thị trường Đông Nam Á - Ảnh: Business Insider. |
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới châu Á kể từ khi lên làm CEO của Uber ngày 22 và 23/2, ông Dara Khosrowshahi cho biết startup này vẫn sẽ đầu tư mạnh vào khu vực Đông Nam Á, bất chấp dự báo tiếp tục thua lỗ bởi cuộc chiến cạnh tranh tốn kém với các đối thủ như Grab, hãng tin CNBC cho biết.
Trước đó, khi tập đoàn viễn thông Nhật SoftBank mua lại 15% cổ phần Uber, truyền thông bắt đầu lan tin về khả năng sáp nhập Uber với các startup gọi xe khác mà SoftBank cũng nắm cổ phần ở châu Á như Grab của Singapore và Ola của Ấn Độ.
Vào thời điểm thương vụ trên được công bố, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết SoftBank muốn Uber tập trung vào phát triển tại Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh và Australia, thay vì mở rộng tại châu Á - khu vực tốn kém và cạnh tranh bậc nhất của startup này,
Đầu tháng 2, CNBC cũng dẫn hai nguồn tin thận cận cho biết Uber đang chuẩn bị bán mảng kinh doanh gọi xe tại Đông Nam Á của mình cho Grab đổi lấy số cổ phần lớn tại công ty này.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Ấn Độ từ hôm 22/2, ông Khosrowshahi bác bỏ thông tin này.
"Chúng tôi dự kiến tiếp tục lỗ ở Đông Nam Á nhưng vẫn sẽ đầu tư mạnh vào marketing, trợ giá… ở khu vực này", ông Khosrowshahi nói với báo giới tại New Delhi, Ấn Độ. Ông nói thêm rằng khu vực này có tiềm năng rất lớn nhờ dân số đông và tăng trưởng người dùng internet nhanh chóng.
"Đứng trên quan điểm cạnh tranh, chúng tôi cho rằng có thể cải thiện tình hình", CEO Uber nói đồng thời dự báo trong 10 năm tới, 80% tăng trưởng của Uber là tự nhiên và một phần qua các thương vụ thâu tóm.
Cũng trong chuyến thăm, ông Khosrowshahi khẳng định dù SoftBank là nhà đầu tư lớn nhưng Uber sẽ đưa ra mọi quyết định về việc sáp nhập và hợp tác sau khi thảo luận với hội đồng quản trị.
Tại thị trường Ấn Độ, ông Khosrowshahi cho biết không dự định thực hiện bất cứ thay đổi nào trong hoạt động sau thương vụ với SoftBank. Ấn Độ hiện là một trong những thị trường quốc tế tăng trưởng nhanh nhất của Uber, chiếm hơn 10% tổng lượng đặt xe toàn cầu của startup này, tuy nhiên vẫn chưa sinh lời.
Tại đây, Uber đang phải cạnh tranh khốc liệt với ứng dụng gọi xe bản địa Ola và đã bơm hàng triệu USD để giành thị phần ở thị trường taxi được định giá 12 tỷ USD của quốc gia đông dân thứ nhì thế giới.
"Giá trị lớn nhất mà chúng tôi có thể tạo ra ở đây là tiếp tục đầu tư và phát triển kinh doanh, không chỉ cho Ấn Độ mà còn nhằm định hình sản phẩm của chúng tôi ở những thị trường còn lại trên thế giới", ông Khosrowshahi nói.
Ông Khosrowshahi bắt đầu giữ vị trí CEO của Uber từ tháng 8/2017 sau khi cựu CEO cũng là nhà sáng lập Uber Travis Kalanick bị yêu cầu từ chức do loạt bê bối liên quan tới văn hóa làm việc và khách hàng cũng như đối tác lái xe. Sau khi lên nắm quyền, ông cam kết sẽ "làm sạch" bộ máy vận hành bị cáo buộc là có văn hóa làm việc kém.
Thời gian qua, Uber phải đối mặt với nhiều lệnh cấm, hạn chế và biểu tình trên khắp thế giới do những xáo trộn gây ra với thị trường taxi truyền thống. Với chiến lược linh hoạt, ông Khosrowshahi đang tích cực tìm cách giải quyết tình trạng này với quan điểm Uber có trách nhiệm với các chính phủ và nhà lập pháp địa phương và cần phải đối thoại nhiều hơn.