Trong 9 tháng đầu năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu và đạt kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực: tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 15,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24,8% (chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 25% cao nhất cả nước); bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 15,7%; xuất khẩu đạt xấp xỉ 19 tỷ USD, tăng 18,4%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 37,4%, trong đó thu ngân sách nội địa đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 40,4%. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, hết năm 2017 sẽ có thêm 13 xã đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn là 71 xã, chiếm 73,2%, cao hơn rất nhiều so với cả nước (31,54%).
Tuy nhiên, Bắc Ninh vẫn còn những khó khăn, tồn tại: Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh của tỉnh, giao thông ùn tắc, vấn đề an ninh trật tự ngày càng phức tạp nhất là địa bàn có các khu công nghiệp; quá tải dịch vụ công thiết yếu như y tế, trường học, nước sạch, dịch vụ vui chơi giải trí, thiếu nhà ở xã hội… không đáp ứng được nhu cầu của người lao động trong các khu công nghiệp. Môi trường sống đang bị đe dọa do mật độ dân cư đông; ô nhiễm môi trường làng nghề và hệ thống sông, ngòi. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu so với nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế và tồn tại, tập trung chỉ đạo quyết liệt trên tất cả các mặt công tác, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2017. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, khu công nghiệp và làng nghề; xây dựng nông thôn theo hướng đô thị hiện đại; khắc phục và xử lý nghiêm vi phạm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, không để tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cản trở phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt có phương án cụ thể hiệu quả xử lý môi trường sống làng nghề.
Bắc Ninh phải là thành phố thông minh, năng động, hiện đại, hội nhập, xanh, sạch đẹp. Phát huy giá trị văn hóa đặc sắc riêng của vùng quê Kinh Bắc với cây đa, bến nước, sân đình, các lễ hội đậm chất dân gian, di tích lịch sử..., đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tăng cường quảng bá du lịch văn hóa, nhất là loại hình du lịch tâm linh; đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ hỗ trợ phát triển du lịch, đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch có kiến thức văn hóa, lịch sử; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển hạ tầng du lịch; bảo tồn các di sản văn hóa, di tích lịch sử, hệ thống đền chùa, các làng nghề truyền thống.
Bắc Ninh cần xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nhất là thu hút các dự án lớn về công nghiệp công nghệ cao từ các Tập đoàn xuyên quốc gia. Bắc Ninh phải là một điểm đến cho các nhà đầu tư với nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá về môi trường đầu tư kinh doanh để kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục bứt phá, khẳng định vị thế là một cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô và miền Bắc. Phấn đấu để Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử công nghệ cao của khu vực và thế giới. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nội địa gắn với khu vực FDI.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Bắc Ninh khuyến khích doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân ở các làng nghề truyền thống đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, nhất là dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại điện tử, logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao; các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Triển khai xây dựng các công trình hạ tầng lớn phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.