Bạc Liêu “kê đơn” chữa trì trệ giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù quy mô vốn đầu tư công khiêm tốn và đã thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy triển khai các dự án, nhưng tiến độ giải ngân của tỉnh Bạc Liêu vẫn rất ì ạch. Hệ quả là nguồn lực ít ỏi cho tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long này chưa thể phát huy hết tác dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu khoảng 1.373 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch năm. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2022 của tỉnh Bạc Liêu khoảng 1.373 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch năm. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Năm 2022, Bạc Liêu được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 3.901 tỷ đồng, gồm vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời gian thanh toán hơn 632,7 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2022 hơn 3.268,4 tỷ đồng. Báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 của Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu cho thấy kết quả giải ngân đạt thấp. Cụ thể, lũy kế thanh toán vốn đến hết tháng 8/2022 khoảng 1.373 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch năm. Ước lũy kế thanh toán đến hết tháng 9/2022 khoảng 1.668 tỷ đồng, đạt 42,76% kế hoạch năm.

Các dự án giao thành phố, huyện làm chủ đầu tư có tiến độ thanh toán vốn chậm, giải ngân đạt 39,7%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp là: TP. Bạc Liêu (37,9%), huyện Vĩnh Lợi (25,7%)... Giải ngân của nhiều sở, ngành đạt quá thấp như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (7,74%), Sở Y tế (8,17%), Ban Quản lý dự án giao thông (10,6%) kế hoạch.

Sở Tài chính chỉ ra gần chục vướng mắc mà chính quyền Tỉnh và các chủ đầu tư cần tháo gỡ nhanh và hiệu quả nếu muốn đạt mục tiêu giải ngân năm 2022. Theo đó, các bước thiết kế, dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu các dự án khởi công mới mất nhiều thời gian, trong khi tháng 7/2022, lượng vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 được cấp thẩm quyền chấp thuận để tiếp tục thanh toán dẫn đến tăng kế hoạch vốn và giảm tỷ lệ giải ngân. Công tác thẩm định giá, lập dự toán gặp nhiều khó khăn vì bối cảnh hiện tại khó lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện, đặc biệt đối với các dự án lĩnh vực “nóng” như y tế. Ngoài ra, khâu chuẩn bị đầu tư chậm, nhiều dự án vượt tổng mức đầu tư gây khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Một số dự án đang làm thủ tục điều chỉnh do quá trình lập dự án, khảo sát chưa phù hợp với thực tế, giá vật tư, vật liệu tăng cao..., nên chưa có khối lượng để thanh toán.

Một vướng mắc cố hữu mà Bạc Liêu gặp phải là giải phóng mặt bằng với thủ tục kéo dài, một số người dân không đồng thuận về giá đền bù. Giá vật liệu xây dựng tăng cao, có mặt hàng tăng trên 20%, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu. Trong khi đó, năng lực của một số đơn vị thi công không bảo đảm, tiến độ thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ODA chậm, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm và bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, các chủ đầu tư và các địa phương cam kết với UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ quyết liệt thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt trên 95%.

Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực lớn. Về phía lãnh đạo Tỉnh, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, hằng tháng, Chủ tịch UBND Tỉnh chủ trì hội nghị chuyên đề về xây dựng cơ bản để kịp thời giải quyết vướng mắc cho các dự án. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án; Tổ công tác giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, Bạc Liêu sẽ phân bổ nguồn vốn dự phòng và điều chuyển nguồn vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án cần vốn thanh toán khối lượng hoàn thành để bảo đảm giải ngân đạt hiệu quả cao nhất. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu các chủ đầu tư phải quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của các chủ đầu tư, người đứng đầu các địa phương nếu để tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Nhìn lại năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bạc Liêu đạt 85,8% và vốn kế hoạch không “tiêu” hết phải xin kéo dài thời gian thanh toán sang năm 2022 là hơn 632,7 tỷ đồng. Thời gian hơn 3 tháng còn lại của năm 2022, tỉnh Bạc Liêu chịu áp lực lớn để hoàn thành mục tiêu giải ngân nếu không muốn tái diễn cảnh một lượng vốn lớn “khê đọng” trong khi nền kinh tế quy mô khiêm tốn của Tỉnh cần nhiều nguồn lực để phát triển.

Chuyên đề