Bạc Liêu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh vừa thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Theo Quy hoạch, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm thương phẩm.
Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch của quốc gia. Ảnh: Tường Lâm
Bạc Liêu đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch của quốc gia. Ảnh: Tường Lâm

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận, Quy hoạch có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng giai đoạn 2021 - 2030; từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hướng các giá trị mới cho tỉnh Bạc Liêu trong thời kỳ quy hoạch.

Bạc Liêu sẽ phát triển cụm ngành nông nghiệp, các đô thị động lực tập trung dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh ngành dịch vụ, du lịch; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hiện đại; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai; môi trường và cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học được bảo vệ, khôi phục, phát triển, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm khí phát thải về “net zero” vào năm 2050... Tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, gia nhập nhóm tỉnh phát triển khá của cả nước.

Định hướng đến năm 2050, Bạc Liêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá toàn diện, mạnh về kinh tế biển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển bền vững 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển nhanh kinh tế xanh, ngày càng dựa trên công nghệ tiên tiến, có năng suất và hiệu quả cao gắn với đổi mới sáng tạo không ngừng.

Chuyên đề