Bắc Kinh im lặng, tỷ phú Hứa Gia Ấn “đơn thương độc mã” trong khủng hoảng nợ Evergrande

0:00 / 0:00
0:00
4 năm sau khi cạnh tranh với người đồng hương Jack Ma để giành ngôi vị người giàu nhất châu Á, Chủ tịch Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) của Evergrande chứng kiến khối tài sản ròng cá nhân sụt giảm chóng mặt và “đế chế” bất động sản của ông ngấp nghé bờ vực đổ vỡ...
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Evergrande - Ảnh: Bloomberg.
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Evergrande - Ảnh: Bloomberg.

Đây là một sự đảo ngược vận may đối với ông Hứa, người sinh ra và lớn lên từ một vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc đã vươn lên trở thành ông chủ của một trong những công ty bất động sản lớn nhất thế giới. Trong những lần gặp khó khăn trước đây, ông Hứa dựa vào sự giúp đỡ của những người bạn doanh nhân giàu có và chính quyền địa phương. Lần này, với 305 tỷ USD nghĩa vụ nợ và giá tài sản của công ty giảm chóng mặt, ông Hứa dường như đơn độc hơn bao giờ hết - theo nhận định của hãng tin Bloomberg.

“Không có lợi ích gì trong việc giải cứu ông ấy cả”, ông Desmond Shum – tác giả một cuốn sách về mối quan hệ của ông Hứa với giới tinh hoa chính trị ở Trung Quốc mang tựa đề “Red Roulette” – nhận định. “Trong tình thế của ông ấy hiện nay, tôi không cho là có mối quan hệ chính trị nào sẽ cứu ông ấy”.

TỪ CẬU BÉ NÔNG THÔN ĐẾN ÔNG CHỦ CÔNG TY BẤT ĐỘNG SẢN HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Điều gì sẽ xảy ra với ông Hứa, và cả Evergrande, vẫn đang là một câu hỏi ngỏ. Liệu ông Hứa có giữ được quyền kiểm soát công ty? Một trong những người bạn của ông Hứa là tỷ phú Trương Cận Đông đã mất quyền kiểm soát mảng bán lẻ của tập đoàn Suning sau khi nhận một gói giải cứu của Chính phủ hồi tháng 7. Một phần nguyên nhân khiến Suning lao đao là bởi công ty này ra tay giúp đỡ Evergrande trong một lần mắc kẹt tài chính trước đây. Nhiều chủ doanh nghiệp lớn đổ vỡ khác ở Trung Quốc thậm chí đối mặt với số phận bi thảm hơn, từ bị bắt đến lĩnh án tử hình.

Evergrande đã trở thành một trong những “nạn nhân” lớn nhất khi Trung Quốc nỗ lực kiểm soát tình trạng vay nợ thái quá của các doanh nghiệp và ngăn sự hình thành bong bóng trên thị trường bất động sản nước này. Evergrande và các công ty con được xây dựng thông qua sự kết hợp đầy quyết liệt giữa phát hành trái phiếu USD, phát hành cổ phiếu, vay vốn ngân hàng, và tài chính ngầm – tất cả những nguồn vốn đến nay đều đã bị chặn lại. Khả năng cao nhất đối với Evergrande lúc này là một cuộc tái cơ cấu nợ, và đây sẽ là cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Ngay cả những nhà đầu tư dài hạn của Evergrande cũng đang cho thấy sự mất kiên nhẫn. Chinese Estates Holdings, công ty của tỷ phú Joseph Lau, đã bán cổ phiếu Evergrande và tuyên bố có thể thoái vốn hoàn toàn khỏi Evergrande.

Ông Hứa vẫn đang là Chủ tịch của Evergrande và xuất hiện công khai tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn hồi tháng 7 – một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của những mối quan hệ chính trị mà ông sở hữu. Tháng trước, ông đã có một cuộc gặp với nhân viên Evergrande và ký một tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành những dự án đã thu tiền của khách hàng.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng của những động thái ủng hộ công khai từ Bắc Kinh và tốc độ sụt giảm chóng mặt khối tài sản cá nhân của ông Hứa (15 tỷ USD đã “bốc hơi” từ đầu năm) đang buộc ông phải đẩy mạnh nỗ lực tự cứu lấy công ty, chẳng hạn bán bớt cổ phần trong một số công ty con từng là niềm tự hào của Evergrande. Mới đây, báo chí nói rằng Evergrande đang tiến hành thủ tục bán lại cổ phần lớn trong công ty con về dịch vụ bất động sản cho một công ty địa ốc khác thuộc quyền kiểm soát của gia đình tỷ phú họ Chu.

Ông Hứa từng vượt qua nhiều trở ngại trong đời. Ông sinh ra ở tỉnh Hà Nam vào năm 1958, mất mẹ từ khi mới chào đời, được ông bà nội và cha là một thợ xẻ nuôi lớn. Quyết tâm học hành đã mở ra cho chàng thanh niên Hứa Gia Ấn một lối thoát nghèo. Ông tốt nghiệp Học viện Khoa học và kỹ thuật Vũ Hán vào năm 1982, đúng thời điểm nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Sau một thời gian làm việc tại một công ty thép, ông thôi việc vào năm 1992 và thử vận may trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Hứa thành lập Evergrande vào năm 1996 ở Quảng Châu, và xây dựng công ty này trở thành một “đế chế” nắm trong tay diện tích đất lớn gấp 5 lần quận tài chính Manhattan ở New York. Không dừng ở lĩnh vực bất động sản, ông còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như thể thao, nước đóng chai, giải trí, ngân hàng và bảo hiểm. Thậm chí, ông còn tuyên bố sẽ vượt tỷ phú ô tô điện Mỹ Elon Musk để trở thành “công ty ô tô năng lượng mới hùng mạnh nhất thế giới”.

Khối tài sản ròng cá nhân của ông Hứa không ngừng tăng lên theo sự lớn mạnh của Evergrande. Ở thời kỳ cao điểm vào năm 2017, ông có 42 tỷ USD tài sản ròng. Cổ phần lớn của ông trong Evergrande đồng nghĩa với việc ông nhận được những khoản cổ tức khổng lồ từ công ty: theo ước tính của Bloomberg, riêng trong năm 2011, ông hưởng 8 tỷ USD cổ tức từ năm 2011 đến nay.

KHI “NGỌN GIÓ CHÍNH SÁCH” ĐỔI CHIỀU

Trong quá trình phát triển công ty, ông Hứa luôn đảm bảo rằng các lĩnh vực kinh doanh của ông phù hợp với ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc, từ đưa nước này trở thành một quốc gia đi đầu về công nghệ cho tới giành mục tiêu giành vô địch bóng đá thế giới (World Cup). Ông Hứa là một thành viện của Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc, tổ chức cố vấn chính sách cho Chính phủ nước này. Năm 2018, ông có tên trong danh sách chính thức 100 doanh nhân tiêu biểu của Trung Quốc.

Trong những lần xuất hiện, ông Hứa thường nói về hàng triệu công việc mà Evergrande đã tạo ra, cũng như hàng tỷ Nhân dân tệ tiền thuế mà công ty đã đóng cho nhà nước. Ông cũng nổi lên là một nhà hoạt động từ thiện tích cực, đứng đầu danh sách làm từ thiện ở Trung Quốc của tạp chí Forbes.

“Tất cả mọi thứ Evergrande có được đều nhờ Đảng, nhờ đất nước, và nhờ xã hội”, ông Hứa nói trong một bài phát biểu năm 2018. “Nên chúng tôi gần phải gánh vác trọng trách xã hội”.

Nhưng ngay ở thời điểm đó, tình trạng nợ nần của Evergrande đã bắt đầu gây lo ngại, khi công ty này có khoảng hơn 100 tỷ USD nghĩa vụ nợ. Năm đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) chỉ rõ Evergrande có khả năng đặt ra rủi ro đối với hệ thống tài chính, bên cạnh HNA Group, Tomorrow Holding và Fosun International. Kỷ nguyên phát triển rầm rộ thông qua vay nợ và thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc chấm dứt từ đây.

Với cam kết giảm phụ thuộc vào đòn bẩy nợ, ông Hứa quay sang huy động vốn từ bạn bè và thông qua các mối quan hệ của công ty – như ông đã từng làm trước đây. Từ năm 2018 đến nay, các công ty của ông đã thực hiện các giao dịch với tổng trị giá khoảng 3,6 tỷ USD với các công ty bất động sản của 3 tỷ phú Trung Quốc khác, trong đó có Chinese Estates của ông Lau. Trong số những vụ rót vốn này có thương vụ mua cổ phần trong công ty ô tô điện, công ty dịch vụ bất động sản, và một nền tảng thương mại điện tử của Evergrande.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng Trung Quốc liên tục siết chặt “gọng kìm” giám sát. Các khoản vay “ngân hàng ngầm” – nguồn tài chính chiếm khoảng 1/3 số nợ của Evergrande vào năm 2019 – cũng cạn dần; việc vay vốn ít minh bạch thông qua các liên doanh bị “soi” kỹ hơn; và các khoản vay mới cũng bị chặn đứng bằng “ba giới hạn đỏ” mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra cho các doanh nghiệp bất động sản nhằm giảm đòn bẩy nợ.

Tất cả dẫn tới một cuộc khủng hoảng thanh khoản đối với ông Hứa trong năm 2020. Evergrande tìm cách niêm yết cửa sau một công ty con để huy động vốn, nhưng thất bại, dẫn tới việc công ty hết cách để thanh toán các khoản nợ đáo hạn với tổng trị giá tới 20 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của chính quyền tỉnh Quảng Đông, Evergrande đã thoát hiểm. Ông Hứa được cứu khỏi bờ vực, nhưng điều này không kéo dài lâu.

Mâu thuẫn giữa Evergrande với các nhà cung cấp về những hoá đơn quá hạn thanh toán bắt đầu xuất hiện trên các dòng tít báo. Một số nhà cung cấp tìm cách đóng băng tài sản của Evergrande, số khác khiến dự án của công ty phải ngưng trệ. Sự hậu thuẫn của các chính quyền địa phương không còn, ít nhất về mặt công khai, khi Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tăng cường kiểm soát ngành bất động sản và đưa ra chủ trương “thịnh vượng chung”. Theo các nguồn thạo tin, trong “hậu trường”, các quan chức thúc giục ông Hứa giải quyết vấn đề nợ nần của Evergrande nhanh nhất có thể.

Có nhiều ý kiến cho rằng Evergrande là một doanh nghiệp “quá lớn để đổ vỡ”, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ ra tay cứu công ty này.

Tháng 9, Tổng thư ký tờ Thời báo Hoàn Cầu Hu Xijin viết trên mạng xã hội Weibo rằng những công ty như Evergrande không thể được xem là “quá lớn để đổ vỡ”. “Họ phải có khả năng tự cứu mình thông qua thị trường”, ông Hu viết.

CỨU EVERGRANDE LÀ “TRỢ CẤP CHO NGƯỜI GIÀU”?

Một cuộc giải cứu lớn dành cho Evergrande sẽ gửi đi một thông điệp sai, vào lúc Bắc Kinh đang muốn kiềm chế ảnh hưởng của các tỷ phú và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc – theo chuyên gia Donald Low thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.

“Cứu Evergrande dẫn tới vấn đề đạo đức, làm gia tăng khả năng các doanh nghiệp khác cũng vay nợ tràn lan như Evergrande, và có lẽ quan trọng hơn, là có thể làm suy yếu nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc tạo ra thịnh vượng chung, bởi một cuộc giải cứu Evergrande sẽ bị xem là trợ cấp cho người giàu”, ông Low phát biểu với Bloomberg.

Thay vào đó, ông Hứa đang đẩy mạnh bán tài sản để có tiền mặt trang trải nợ nần, từ các nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 40 tỷ Nhân dân tệ sản phẩm đầu tư lãi suất cao của Evergrande, cho tới khoảng 1,6 triệu khách hàng đã nộp tiền đặt cọc mua căn hộ, và các nhà đầu tư trái phiếu.

Tháng trước, Evergrande nhất trí bán bớt cổ phần trong một ngân hàng ở Trung Quốc đại lục cho chính quyền một địa phương. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings nói rằng thương vụ này đánh dấu bước đi đầu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande. Ngoài ra, Evergrande cũng đang đàm phán bán lại cổ phần 51% trong công ty con về dịch vụ bất động sản cho Hopson Development Holdings – tờ Cailian đưa tin hôm 4/10.

“Nếu Evergrande bán được cổ phần này, thì họ sẽ trả bớt được nợ ngắn hạn, nhưng việc đó cũng hạn chế sự tăng trưởng của công ty trong tương lai”, chiến lược gia Kenn Ng thuộc Everbright Sun Hung Kai Co. nhận xét.

Sức ép đối với Evergrande và tỷ phú Hứa ngày càng lớn. Evergrande chưa đưa ra thông tin gì về việc công ty đã thanh toán hay chưa hai khoản lãi trái phiếu USD đáo hạn gần đây, cho dù Chính phủ Trung Quốc kêu gọi công ty triển khai mọi biện pháp có thể để tránh vỡ nợ trái phiếu USD. Ngoài ra, Evergrande cũng đã quá hạn thanh toán tiền lãi cho ít nhất 2 chủ nợ ngân hàng. Cổ phiếu công ty đã tạm ngừng giao dịch sau khi giảm 80% từ đầu năm, giá trái phiếu USD của công ty cũng đang ở mức thấp chưa từng có.

Với tình trạng “đơn thương độc mã” của ông Hứa, chỉ thời gian mới có thể trả lời câu hỏi liệu ông có thể vượt qua thách thức hiện nay được hay không. Cho dù ông Hứa có “tháo ngòi” được cuộc khủng hoảng này, thì “đế chế” bất động sản của ông cũng sẽ không còn như xưa, vì Trung Quốc đang muốn thay đổi mô hình phát triển của nền kinh tế.

Dân số già hoá đồng nghĩa “Trung Quốc phải phụ thuộc ngày càng lớn vào năng suất để phát triển”, theo chuyên gia kinh tế trưởng Alejandra Grindal của Ned Davis Research. “Một công ty bất động sản sử dụng đòn bẩy nợ quá đà và thiếu năng suất như Evergrande không phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế mới của Trung Quốc”, ông Grindal nói.

Chuyên đề