TPP ban đầu dự kiến gồm 12 quốc gia thành viên (Ảnh minh họa) |
TPP, được Mỹ ký kết nhưng Quốc hội nước này chưa phê chuẩn, là một cột trụ trong chính sách "xoay trục" sang châu Á của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, tân Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 đã ký sắc lệnh hành pháp, theo đó Mỹ sẽ rút khỏi đàm phán hiệp định này.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết ông đã thảo luận với lãnh đạo Nhật Bản, New Zealand và Singapore suốt đêm để đánh giá về khả năng thúc đẩy TPP mà không có sự tham dự của Mỹ.
Thủ tướng Turnbull nói: "Việc Mỹ rút khỏi TPP là một tổn thất lớn. Không có gì phải nghi ngờ về điều này. Tuy nhiên, tôi và lãnh đạo các nước không thảo luận về khả năng hủy bỏ TPP mà chúng tôi đã đề cập tới khả năng đề nghị Trung Quốc tham gia thỏa thuận này".
Trước đây, Tổng thống Obama coi TPP, với việc Trung Quốc không tham gia, là cách để Mỹ viết lại những quy định thương mại ở châu Á trước khi Bắc Kinh thực hiện. Trong khi đó, Trung Quốc cũng có các chiến lược nhằm "đối phó" lại TPP như Khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này còn lại 11 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Nhật Bản là nước đầu tiên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn TPP trong nước. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố TPP là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong thư trả lời hãng tin Reuters, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết ông đã thảo luận với nhiều bộ trưởng các nước thuộc TPP khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tuần trước và hiện đang có kế hoạch nhóm họp trong thời gian tới. Bộ trưởng McClay nói: "Thoả thuận vẫn còn giá trị như một thỏa thuận tự do thương mại giữa các nước trên thế giới".
Từ Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế Nobuteru Ishihara cho biết nước này sẽ không thay đổi quan điểm rằng tự do thương mại là nguồn lực giúp nền kinh tế tăng trưởng. Khi được hỏi liệu Nhật Bản có sẵn sàng tham gia đàm phán thương mại song phương với Mỹ hay không, Bộ trưởng Ishihara cho biết hiện chưa rõ liệu giới chức lãnh đạo thương mại Mỹ có bắt đầu quá trình đàm phán về thỏa thuận như vậy hay không.