ASEAN và 10 nước đối tác thông qua nhiều định hướng hợp tác lớn

Ngày 6/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan, đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với 10 bên đối tác (PMC+1).
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác Nhật Bản. Nguồn: asean2017.ph
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác Nhật Bản. Nguồn: asean2017.ph

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự các hội nghị.

Tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 10 nước đối tác (Canada, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Nga) đã điểm lại quan hệ trong năm, thông qua nhiều định hướng lớn cho hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.

Các nước đã rất chú trọng một số lĩnh vực như: Kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, giao lưu nhân dân, giáo dục... Bên cạnh đó, các nước cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Các đối tác chúc mừng ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, hoan nghênh những kết quả ASEAN đạt được sau gần 2 năm xây dựng Cộng đồng và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh liên kết kinh tế và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy thương mại tự do và công bằng thông qua các Hiệp định mậu dịch tự do hiện có và khuôn khổ rộng lớn hơn như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các đối tác cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng Ngoại giao trao đổi về các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có tình hình Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, khủng bố, an ninh mạng; đồng thời nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác để cùng xử lý các vấn đề quan tâm chung.

Các Bộ trưởng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; thúc đẩy tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và mong muốn hai bên sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng một COC hiệu  quả.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham gia tích cực và đóng góp ý kiến trên các vấn đề được trao đổi tại các hội nghị.

Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của các đối tác dành cho ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nêu các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn hợp tác, trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng đối tác, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN như liên kết, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức đang nổi lên như tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải, quản lý thiên tai, phòng chống dịch bệnh. 

Về tình hình khu vực và thế giới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá về những thuận lợi cũng như thách thức đặt ra ở khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng về vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và với các đối tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Phó Thủ tướng đã chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hiện nay tại Biển Đông, bao gồm các hành động đơn phương như bồi đắp, cải tạo đất và quân sự hóa, làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ ASEAN và đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, kiềm chế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đi vào đàm phán thực chất và hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả trên cơ sở Khung COC đã được thông qua.

Chuyên đề