Phôi thép giá rẻ là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép Việt Nam. |
Thuế tự vệ là cần thiết
Ngày 7/3/2016, Bộ Công thương ban hành quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ lần lượt là 23,3% và 14,2%.
Là một trong 4 doanh nghiệp nguyên đơn trong vụ việc này, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), với tư cách là nguyên đơn khẳng định, quyết định áp thuế tự vệ tạm thời là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam và Hiệp định tự vệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giúp cho ngành thép bớt khó.
Ông Phạm Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TISCO cho rằng, phôi thép giá rẻ là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép Việt Nam. Phôi thép nhập khẩu liên tục giảm từ 400 USD đầu năm 2015, xuống hơn 200 USD vào tháng 12/2015, thấp hơn gần một nửa so với giá thành phôi thép sản xuất trong nước và thậm chí thấp hơn so với chi phí sản xuất tại chính nước xuất khẩu.
“Với giá thấp như vậy, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước không thể cạnh tranh được, dẫn đến một số nhà máy sản xuất phôi thép Việt Nam sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Thêm nữa, không được bảo vệ, nếu ngành sản xuất thép không tồn tại, phụ thuộc nhập khẩu, lao động mất việc, ảnh hưởng đến các ngành như xây dựng, bất động sản… Đây chính là lý do mà chính phủ nhiều nước đều hành động mạnh mẽ để bảo vệ ngành thép trong nước”, ông Quân nói.
Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, doanh nghiệp ủng hộ áp thuế tự vệ cũng bày tỏ quan điểm khá mạnh mẽ về vụ việc này. Ông Mai Văn Hà, Tổng giám đốc Thép Hòa Phát cho rằng, áp dụng tự vệ với thép dài và phôi thép dù hơi muộn nhưng là cần thiết, hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế và bảo vệ được ngành sản xuất trong nước. “Nếu không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, sẽ đẩy ngành thép sụp đổ”, ông Hà nói.
Đại diện cho phía nguyên đơn, cùng 6 doanh nghiệp nhập khẩu ủng hộ áp thuế tự vệ, bà Đinh Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty Tư vấn luật IDVN đề xuất, Cục Quản lý cạnh tranh nên nâng mức thuế tự vệ, do mức thuế hiện tại là hơi thấp.
Đề xuất cơ chế hạn ngạch
Kiên định phản đối việc áp thuế tự vệ, ông Hoshino Yoichi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam (KSVC) cho rằng, nhu cầu về phôi thép của Công ty ông khá lớn, trong khi các doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu phôi thép của Công ty tăng cao.
Áp thuế tự vệ tạm thời sẽ không công bằng với doanh nghiệp sử dụng phôi thép trong sản xuất như Kyoei Việt Nam, dẫn đến người tiêu dùng phải gánh chịu mức thuế tăng thêm này.
“Chúng tôi đề xuất sử dụng hệ thống quota (hạn ngach) nhập khẩu cho các doanh nghiệp, thay vì áp thuế”, ông Hoshino Yoichi nói.
Với quan điểm ủng hộ sử dụng các biện pháp bảo hộ cho ngành thép trước lượng thép nhập khẩu giá rẻ ồ ạt, nhưng Công ty cổ phần Kim Tín, chuyên sản xuất vật liệu hàn dùng cho các ngành xây dựng, kết cấu và đóng tàu cho rằng, các sản phẩm bị áp thuế tự vệ với các mã HS quá rộng, gây khó khăn và ảnh hưởng nặng nề cho Công ty trong việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Công ty Kim Tín cũng đề xuất, không áp thuế với thép dài, bởi Công ty thường xuyên phải nhập khẩu để sản xuất que hàn và mong muốn Bộ Công thương xem xét chấp thuận, đồng thời căn cứ nhu cầu sử dụng thép của DN để cấp hạn ngạch nhập khẩu.
Đại diện cho ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, ngành thép hiện có 27 nhà máy sản xuất phôi thép, với năng lực 11 triệu tấn và 38 nhà máy sản xuất thép xây dựng, khoảng 12 triệu tấn. Thép sản xuất trong nước đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, tương ứng thép xây dựng mác cao của thế giới. Trong khi đó, quý I/2016, phôi thép nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc hiện đang bán thấp dưới giá thành sản xuất.
“Áp thuế tự vệ là cần thiết để bảo vệ ngành thép trong nước, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, vấn đề cốt lõi là DN phải nâng cao khả năng cạnh tranh và hoạt động hiệu quả”, ông Sưa nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên tham vấn, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, phiên tham vấn công khai này nằm trong quy định của luật pháp hiện hành phòng vệ thương mại, cũng như quy định của WTO. Những ý kiến này hết sức quan trọng để Cục đưa vào trong Báo cáo kết luận cuối cùng của vụ việc.