Áp lực kép với các doanh nghiệp vay nợ lớn bằng USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chi phí lãi vay tăng do lãi suất tiếp tục neo cao, kết hợp với việc lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản vay do tác động tỷ giá đang tạo áp lực kép cho các doanh nghiệp có khoản vay hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD. Vingroup, Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Công ty CP Tập đoàn PC1, Thủy sản Minh Phú… là những doanh nghiệp điển hình chịu ảnh hưởng từ sức ép tăng tỷ giá…

Là doanh nghiệp có các khoản vay lớn bằng ngoại tệ, việc quản trị rủi ro tỷ giá luôn là bài toán thường trực đối với Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2). Một trong các phương án được doanh nghiệp này đề cập trong Báo cáo tài chính bán niên 2022 là bảo đảm rủi ro ở mức có thể chấp nhận được thông qua việc mua hoặc bán ngoại tệ ở tỷ giá giao ngay khi cần thiết.

Tính đến cuối quý II/2022, EVNGENCO 2 ghi nhận khoản vay dài hạn hơn 541 triệu USD và 34,2 tỷ JPY. Theo tính toán của EVNGENCO 2, nếu USD mạnh thêm 2,2% sẽ khiến lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty giảm gần 223 tỷ đồng. Tính toán này dựa trên giả định là các biến số khác không thay đổi, đặc biệt là lãi suất và bỏ qua ảnh hưởng của các dự báo bán hàng và mua sắm. Trong nửa đầu năm 2022, đồng USD mạnh lên so với VND đã khiến EVNGENCO 2 ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 150,3 tỷ đồng do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.

Đồng bạc xanh tăng giá mang nỗi lo hiện hữu đến nhiều doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, tính đến cuối quý II/2022, doanh nghiệp này ghi nhận khoản vay hơn 1,3 tỷ USD, phải trả người bán 865 triệu USD. Các khoản vay USD ngắn hạn chịu lãi suất từ 1,6% đến 3,4%, còn phần lớn các khoản dài hạn chịu lãi suất cho vay liên ngân hàng London (LIBOR) + 2,05%/năm.

Ngoài Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp khác trong nước cũng đang có các khoản vay ngoại tệ lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay ngắn hạn 47,6 triệu USD, hơn 270 triệu USD vay dài hạn và hơn 616,18 triệu USD thuê tài chính dài hạn; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc NOVA ghi nhận khoản nợ vay gốc USD quy đổi sang VND lên tới 14.821 tỷ đồng với lãi suất vay cố định 5,25% - 6%/năm, trong đó khoảng 2.400 tỷ đồng có lãi suất thả nổi LIBOR + 5,5%/năm.

Nguồn: Báo cáo Công ty CP Chứng khoán VNDirect

Nguồn: Báo cáo Công ty CP Chứng khoán VNDirect

Sáng ngày 29/9, tỷ giá USD/VND được niêm yết tại Vietcombank ở mức 23.610 - 23.890 đồng/USD, tăng khoảng 2% so với thời điểm cuối quý II/2022. Tại khối ngân hàng tư nhân, Techcombank niêm yết giá bán USD ở mức 23.922 đồng, mua vào ở mức 23.637 đồng, tăng 2,15% so với thời điểm 30/6/2022.

Tỷ giá gia tăng làm tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD. Những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định. Nguyên nhân là ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay với lãi suất thả nổi còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng đồng USD tăng lên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nhà phân tích Vũ Mạnh Hùng của Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. VNDirect dự báo, VND có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với USD trong năm 2022.

Nhóm chuyên gia Công ty CP Chứng khoán DNSE cũng dự báo, VND sẽ giảm 3,5% - 4% so với USD trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc có vốn vay bằng đồng USD. Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh DNSE nhận định: “Biến động có phần tiêu cực của lãi suất cũng như tỷ giá hối đoái USD/VND tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD. Nhóm các doanh nghiệp ngành điện, hạ tầng, bất động sản đang phải chịu ảnh hưởng bất lợi từ bối cảnh hiện tại”.

Để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực, Ngân hàng Nhà nước cùng lúc đưa ra 2 quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu và lãi suất liên ngân hàng ngay sau khi FED tăng lãi suất, nhằm hỗ trợ tỷ giá, giúp VND không bị mất giá thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất đang chịu áp lực tăng trên cả thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy, thanh khoản thị trường liên ngân hàng giai đoạn này không còn dồi dào so với giai đoạn trước.

Chuyên đề