An Tiến Industries huy động vốn khi dòng tiền kinh doanh âm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 21/3 tới, Công ty CP An Tiến Industries sẽ chào bán cổ phần mới cho các cổ đông, dự kiến thu về hơn 368 tỷ đồng và dùng gần một nửa trong số đó để thanh toán các khoản vay. Những năm gần đây, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của An Tiến Industries liên tục âm dù Công ty ghi nhận lãi hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng.
Công ty CP An Tiến Industries hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa các loại… Ảnh: An Tiến
Công ty CP An Tiến Industries hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa các loại… Ảnh: An Tiến

Áp lực nợ gia tăng

An Tiến Industries hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhựa (PP, PE), bao bì nhựa các loại, mua bán máy móc, vật tư, nguyên liệu sản phẩm nhựa.

Trong thời gian từ 21/3 - 12/4/2022, An Tiến Industries sẽ chào bán hơn 36,8 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Với giá bán 10.000 đồng/cổ phần, thấp hơn khoảng 70% so với thị giá, An Tiến Industries dự kiến thu về 368,3 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, dự kiến vốn điều lệ của doanh nghiệp này tăng lên hơn 736 tỷ đồng.

Với số tiền trên, Công ty dự kiến sử dụng 150 tỷ đồng trả nợ vay ngắn hạn và các khoản nợ tới hạn; chi 188,3 tỷ đồng mua hàng hóa, công cụ, dụng cụ, nguyên vật liệu và dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty (hạt nhựa các loại, phụ gia, hạt màu, dịch vụ vận tải, điện, nước…); còn lại 30 tỷ đồng sẽ được dùng thanh toán lương, thưởng và các khoản phụ cấp cho người lao động. Công ty cho biết, trong trường hợp không huy động đủ số tiền dự kiến, việc trả các khoản vay sẽ được ưu tiên thực hiện đầu tiên.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của An Tiến Industries đạt 2.217,5 tỷ đồng, tăng thêm 45% (tương đương 687,5 tỷ đồng) so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản nợ phải trả gia tăng thêm 65,6% (tương ứng 610,8 tỷ đồng) lên 1.568 tỷ đồng.

Đi sâu vào cơ cấu nợ phải trả, có một số khoản lớn như tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính là 733,5 tỷ đồng, tăng thêm 163,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn ở mức 648,5 tỷ đồng, tăng 19,3% so với thời điểm đầu năm; các khoản vay dài hạn là 85 tỷ đồng, tăng 222% so với đầu năm. Ngoài ra còn có khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng thêm 326 tỷ đồng lên 629,5 tỷ đồng. Giá trị các khoản vay ngắn hạn ở mức 648,5 tỷ đồng là khá lớn so với khoảng 110 tỷ đồng gồm tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Công ty.

Dòng tiền kinh doanh liên tục âm

Kết thúc quý IV/2021, An Tiến Industries ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.760 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty lãi trước thuế 31 tỷ đồng, gấp 2,4 lần quý IV/2020. Lũy kế cả năm 2021, An Tiến Industries ghi nhận 8.274 tỷ đồng doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và 128,1 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 2,26 lần so với con số hơn 56,6 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2020.

Dù ghi nhận khoản lợi nhuận kỷ lục nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của An Tiến Industries năm 2021 âm tới gần 76 tỷ đồng (kinh doanh không thu được tiền mặt). Đây là năm thứ ba liên tiếp diễn ra tình trạng này. Cụ thể, trong năm 2019 và 2020, An Tiến Industries lãi trước thuế lần lượt gần 63 tỷ đồng và 56,6 tỷ đồng thì dòng tiền kinh doanh âm tương ứng 9,36 tỷ đồng và 181 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến cho dòng tiền kinh doanh âm trong năm 2021 là do gia tăng hàng tồn kho và đặc biệt là các khoản phải thu. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nhiều năm liên tục âm cho thấy những rủi ro lớn đối với khả năng thanh toán lãi vay, các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn trong kỳ. Việc thiếu tiền cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững.

Trong năm 2022, An Tiến Industries đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế giảm 6,4% xuống còn 97 tỷ đồng.

Chuyên đề