An Giang quyết điều chuyển vốn, thúc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có chuyển biến song nhiều dự án đầu tư công của tỉnh An Giang đang vướng mặt bằng khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, một trong những giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công là điều chuyển nguồn vốn từ các dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng hấp thụ vốn, giải ngân nhanh.
Dự án Bệnh viện Y học cổ truyền An Giang đang tăng tốc thi công để hoàn thành giải ngân theo kế hoạch. Ảnh: Ngọc Tuấn
Dự án Bệnh viện Y học cổ truyền An Giang đang tăng tốc thi công để hoàn thành giải ngân theo kế hoạch. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tính đến cuối tháng 4/2022, tỉnh An Giang đạt tỷ lệ giải ngân 12,15% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước đã giao. Con số này cao hơn 1,75% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn thấp so với yêu cầu. Năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư công tỉnh An Giang là hơn 5.267 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 1.768 tỷ đồng và nguồn ngân sách địa phương là 3.499 tỷ đồng. Kế hoạch vốn ngân sách tỉnh có tổng cộng 154 dự án khởi công mới, chiếm 73% số lượng dự án. Các dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa có thanh toán tạm ứng hoặc chưa có khối lượng để giải ngân.

Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã kiểm tra đợt 1 các công trình điểm tại 8 huyện, thị, thành phố và 2 ban quản lý dự án lớn nhằm đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành nhanh hồ sơ thủ tục. Kết quả, 110/154 dự án đã có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tăng 38 dự án so với thời điểm cuối tháng 3/2022. Với việc hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị đấu thầu hàng loạt dự án, tỉnh An Giang kỳ vọng sẽ tăng tốc giải ngân trong 2 tháng tới. Các chủ đầu tư cam kết hết quý II/2022 đạt tỷ lệ giải ngân từ 40 - 50%, hết quý III/2022 đạt 80% và cuối năm đạt 100% kế hoạch được giao.

Ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là “nút thắt” lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án. Về hồ sơ thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Sở sẽ hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thiện nhanh nhất.

Tỉnh An Giang hiện có 5 dự án lớn gặp vướng mắc về mặt bằng. Đó là, Dự án Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, nhà thầu mới nhận bàn giao 13/14 khối công trình cũ, đang chờ Bệnh viện bàn giao. Dự án Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh ĐT945 nối từ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) qua khu vực tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) còn vướng mặt bằng đoạn qua xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên (20 hộ dân) và đoạn xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú (5 hộ dân) vì các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường. Dự án Kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ TP. Long Xuyên còn vướng 10 hộ dân. Tiểu dự án Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long thuộc Dự án WB9 còn 30 hộ dân chưa nhận tiền đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng và 13 hộ dân chưa đồng ý phương án bồi thường.

Ngoài ra, qua khảo sát thực tế một số dự án đang thi công như Nhà hát tỉnh An Giang, Bệnh viện Y học cổ truyền An Giang, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận khó khăn của nhà thầu khi đối mặt với sự tăng giá mạnh của các loại vật liệu xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Giang, đại diện Công ty TNHH Xây dựng phát triển miền Nam phản ánh, vật liệu xây dựng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ dự án. Tuy vậy, Nhà thầu cố gắng duy trì tiến độ thi công và chờ Nhà nước có chính sách bù giá để bớt thiệt hại cho nhà thầu, đồng thời bảo đảm tiến độ xây dựng theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Tỉnh yêu cầu các sở chuyên ngành hỗ trợ các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành hồ sơ thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt hồ sơ bản vẽ thi công, dự toán; tháo gỡ khó khăn do thay đổi quy mô, thiết kế kỹ thuật công trình… Bên cạnh đó, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn quyết toán vốn dự án hoàn thành, đặc biệt là dự án tồn đọng chậm phê duyệt dự toán. Các sở Tài chính, Xây dựng theo dõi, cập nhật giá vật liệu xây dựng, đảm bảo khi công bố phù hợp với giá thực tế thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.

Về “nút thắt” giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các chủ đầu tư tích cực phối hợp với các huyện, thị, thành phố, đơn vị liên quan và Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng tập trung tháo gỡ, xử lý các khâu duyệt phương án bồi thường, chi trả và vận động người dân bàn giao mặt bằng. Chậm nhất đến ngày 30/7/2022, các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng phải được giải quyết để triển khai thi công.

Tỉnh An Giang sẽ xem xét điều chuyển nguồn vốn từ các dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng hấp thụ vốn, giải ngân nhanh với mục tiêu đến cuối năm 2022 giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công được bố trí trong kế hoạch.

Chuyên đề