Ông Marcon và bà Le Pen (Ảnh: France 24) |
Reuters đưa tin, khoảng 67.000 phòng bỏ phiếu mở cửa vào 8 giờ sáng ngày 7/5 giờ địa phương và đóng cửa vào lúc 8 giờ tối. Có khoảng 45,7 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu. Các kết thăm dò ban đầu dự kiến sẽ được công bố sau khi các phòng phiếu đóng cửa.
Vào ngày hôm qua 6/5, cử tri Pháp ở nước ngoài cũng đã đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy ứng viên trung dung Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế và hiện là lãnh đạo đảng Tiến lên, dẫn trước đối thủ Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN), với tỷ lệ 23-26%.
Ông Marcon, 39 tuổi, và bà Le Pen, 48 tuổi, đã về nhất và nhì trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 vào ngày 23/4, với sự tham gia của 11 ứng viên. Theo luật bầu cử Pháp, khi không ai giành đa số quá bán ở vòng 1, hai ứng viên có phiếu bầu cao nhất bước vào vòng 2 để tìm ra chủ nhân mới của điện Elysee.
Cử tri Pháp tại Canada đi bỏ phiếu sớm hôm 6/5 tại Montreal, Quebec (Ảnh: Reuters)
Ông Marcon và bà Le Pen có quan điểm đối lập trong nhiều vấn đề. Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp ủng hộ tự do thương mại, chủ trương đưa nước này hội nhập hơn nữa vào Liên minh châu Âu, mở cửa cho người nhập cư. Trong khi đó, bà Le Pen muốn đưa nước Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu và chống người nhập cư.
Chiến dịch tranh cử bầu cử tổng thống Pháp năm nay vấp phải nhiều bê bối và chứa đựng nhiều bất ngờ. Sự vươn lên của hai ứng viên lọt vào vòng 2 cũng nằm trong số những bất ngờ, sau khi cựu Thủ tướng Francois Fillon - người từng được coi là có triển vọng nhất giành ghế tổng thống - vướng vào một vụ bê bối tài chính.
Hơn 50.000 cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử. An ninh là một vấn đề lớn tại Pháp sau hàng loạt các vụ khủng bố tại thủ đô Paris, thành phố Nice và những nơi khác, khiến hơn 230 người thiệt mạng trong 2 năm rưỡi vừa qua.