ACV có đủ sức làm Nhà ga T3 của Sân bay Tân Sơn Nhất?

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Nhà ga T3). Dự án sẽ do nhà đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất thời gian thực hiện Dự án Xây dựng Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 37 tháng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất thời gian thực hiện Dự án Xây dựng Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 37 tháng. Ảnh: Lê Tiên

Phù hợp quy hoạch, cần tính toán lại tiến độ

Tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2019, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị “giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện Dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp”. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau đó đã đồng ý phương án đề xuất của Bộ GTVT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với nhà ga hiện có (T1, T2).

Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, Dự án thuộc khu đất 16,05 ha nằm trong phần diện tích 36,16 ha của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Bộ Quốc phòng bàn giao để triển khai Dự án.

Theo Bộ KH&ĐT, đề xuất diện tích sàn Nhà ga T3 của ACV được xác định trên cơ sở áp dụng mức cao nhất (16 m2/hành khách) và việc đề xuất quy mô hạng mục nhà để xe cao tầng + khu dịch vụ hàng không với diện tích 13.000m2 và các hạng mục khác chưa có phân tích cơ sở lựa chọn quy mô hợp lý đảo đảm phù hợp nhu cầu sử dụng. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị ACV trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện rà soát, phân tích kỹ về cơ sở lựa chọn quy mô hợp lý của các hạng mục, tránh lãng phí.

Về tiến độ thực hiện Dự án, ACV đề xuất dự kiến là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, bao gồm: chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng là 12 tháng; xây dựng là 24 tháng và cấp phép hoạt động 1 tháng. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhận định, tiến độ trên khó khả thi vì Dự án phải thực hiện các công việc (thi tuyển kiến  trúc, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…). Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị ACV có tính toán cụ thể, điều chỉnh phù hợp với thực tế và phải chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện để đảm bảo hiệu quả đầu tư. 

ACV bảo đảm khả năng huy động vốn

Theo ACV, việc đầu Dự án là khả thi về mặt kinh tế - xã hội. Trong khi đó, theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư, sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ACV phải chịu trách nhiệm về các số liệu và tính chính xác về sơ bộ hiệu quả đầu tư. Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, hiệu quả của Dự án mới được tính toán ở mức sơ bộ, Dự án còn bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố rủi ro khác, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của việc đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành. Do đó, ACV cần có đánh giá cụ thể hơn tác động của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Một nội dung quan trọng cũng được Bộ KH&ĐT thẩm định kỹ liên quan đến nguồn vốn đầu tư và tính khả thi của nguồn vốn. Theo báo cáo của ACV, vốn đầu tư của Dự án được huy động từ vốn góp của ACV. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được kiểm toán của ACV tại thời điểm 31/12/2018, ACV có nguồn vốn chủ sở hữu là 30.749 tỷ đồng, nợ phải trả là 22.775 tỷ đồng (gồm nợ dài hạn 15.154 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 7.621 tỷ đồng), tài sản dài hạn là 22.260 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm này, ACV có khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư Dự án tối đa khoảng 23.643 tỷ đồng, bảo đảm khả năng huy động vốn.

Mặc dù hiện ACV đang đề nghị thực hiện đầu tư một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng theo tính toán của nhà đầu tư này, ACV có khả năng bố trí 36.738 tỷ đồng để thực hiện Dự án. Do đó, Bộ KH&ĐT nhận định, “khả năng huy động nguồn vốn của ACV được bảo đảm”. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh “ACV chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu giải trình về nguồn vốn đầu tư Dự án”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư