70% khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản tới từ quy định pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Lĩnh vực bất động sản hiện có 12 luật chi phối trực tiếp, trên 27 luật có liên quan chi phối. Các luật này lại thiếu đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn. Vì vậy, có 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản tới từ những quy định pháp lý của lĩnh vực này.
70% khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản tới từ quy định pháp lý

Theo số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022); số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Tại Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản diễn ra sáng 22/9, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thông tin thêm, qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đất đai như quy hoạch, định giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng... Cạnh đó là những khó khăn liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức thực hiện...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu quan điểm, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay được cho là rất hấp dẫn với 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa cao…, thị trường còn rất tiềm năng phát triển, cứ năm sau thị trường phát triển nhanh hơn năm trước. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhất là năm 2022 vừa qua, thị trường gặp phải không ít khó khăn vướng mắc, nhất là về mặt pháp lý (70% các vướng mắc xuất phát từ pháp lý). Trong đó, vướng mắc đầu tiên là sự chồng chéo về luật pháp, riêng bất động sản có 12 luật tác động trực tiếp, khoảng 27 luật có liên quan.

Ông Phạm Tấn Công đánh giá hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là Luật Đất đai 2013 sau gần 10 năm áp dụng đã cho thấy những bất cập khi chưa theo kịp hay chưa đủ chi phối những tình huống mới của thị trường bất động sản.

Luật Đất đai 2013 đang được sửa đổi, đã qua hai kỳ họp Quốc hội thảo luận và có thể sẽ thông qua tại kỳ họp tới. Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 vừa qua cũng đã thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo ông Phạm Tấn Công, đây là một cơ hội lịch sử khi cả 3 dự án luật quan trọng nhất với ngành bất động sản sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại cùng một kỳ họp - Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Các đạo luật này sẽ tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, cũng như tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, thị trường nhà ở và nền kinh tế.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, thời gian tới, các bộ, ban ngành và địa phương vẫn cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp hoàn thiện thế chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức thực hiện của các địa phương, thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS.

Chuyên đề