Tiki lỗ gần 600 tỷ sau 7 năm hoạt động. |
Khởi đầu từ một startup bán sách trực tuyến năm 2010, sáu năm sau đó, Tiki trở thành một trang thương mại điện tử được định giá khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 45 triệu USD), sau khi được VNG rót vốn. Tuy nhiên, cũng như nhiều đối thủ trên thị trường, Tiki không có lãi.
Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tiki, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế gần 308 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Nếu tính thêm khoản lỗ 282 tỷ trong báo cáo thường niên năm 2017 của VNG, lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử này đã lên tới gần 600 tỷ đồng sau 7 năm đi vào hoạt động.
Doanh thu của Tiki trong năm 2016 đạt gần 62,4 tỷ, gấp 6 lần năm 2015. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này chịu lỗ gần 179 tỷ đồng trong năm này do chi phí bán hàng quá lớn. Khoản mục này ghi nhận hơn 222,5 tỷ, gấp 3 lần năm 2015.
Thực tế, Công ty cổ phần Tiki chỉ ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ với giá vốn gần như bằng 0, còn doanh thu hoạt động thương mại trên sàn giao dịch điện tử này được ghi nhận vào công ty con - Công ty TNHH MTV Thương mại Tiki (Tiki Trading).
Năm 2016, doanh thu Tiki Trading đạt hơn 817 tỷ với biên lợi nhuận gộp khoảng 9%. Dù vậy, công ty này cũng chịu lỗ gần 41 tỷ đồng do chi phí bán hàng vượt quá lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Tiki đạt gần 308 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn điều lệ. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này vẫn là số dương nhờ khoản thặng dư vốn phát hành cổ phần cho VNG.
Với mức định giá hơn 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD) cho một startup 6 năm tuổi, VNG khi đó chấp nhận bỏ ra hơn 104.000 đồng, gấp 10 lần mệnh giá cho mỗi cổ phần của trang thương mại điện tử này. Nhờ vậy, Tiki ghi nhận gần 340 tỷ thặng dư vốn cuối năm 2016.
Mặc dù vậy, Tiki không phải đơn vị duy nhất trong phân khúc thương mại điện tử chịu cảnh liên tục thua lỗ.
Khác với những doanh nghiệp thông thường, bản thân những startup như Tiki không dựa vào lợi nhuận để định giá. Trong một thị trường có tốc độ tăng trưởng hai chữ số như thương mại điện tử, thị phần, doanh số bán hàng, giá trị mua trên mỗi khách hàng và tỷ lệ khách hàng quay lại mới là những yếu tố chính.
Theo Financial Times, Tiki có tổng giá trị hàng hóa bán hàng năm - một chỉ số mà các trang web thương mại điện tử đo lường doanh thu, vào khoảng 240 triệu USD và phân phối hàng hóa trên khắp Việt Nam.
Giữa tháng 1/2018, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc JD.com đã tiếp tục rót tiền đầu tư chiến lược vào Tiki. Lần đầu tư này từ JD chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tập đoàn này tuyên bố "bơm" 44 triệu USD cũng cho Tiki tháng 11/2017. Theo đó JD đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki.