6 tháng giải ngân gần 216 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2023 đạt gần 216 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%), số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Có 6 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch; 45 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế Ảnh: Tường Lâm
Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế Ảnh: Tường Lâm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nguồn vốn đầu tư công được giải ngân đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, góp phần hỗ trợ thanh khoản. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng, các cấp ngành, địa phương trong việc làm tốt công tác thông tin, truyền thông chính sách; đồng thời, xác định hợp lý các vấn đề, điểm nghẽn nguồn lực của nền kinh tế để có giải pháp điều hành phù hợp.

Giải ngân đầu tư công được xác định là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ công tác thanh, quyết toán, kiểm soát chi. Đồng thời, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông trọng điểm; thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống định mức và giá xây dựng, tập trung cho định mức giá xây dựng chủ yếu, có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng, suất vốn đầu tư, đơn giá tổng hợp.

Chuyên đề