6 tháng đầu năm: Lọc hoá dầu Bình Sơn lãi gần 900 tỷ đồng

So với kế hoạch cả năm, BSR đã thực hiện gần 31% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo báo cáo quý II, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận doanh thu thuần 27.844 tỷ đồng. Từ đó công ty mang về gần 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

So sánh với cùng kỳ năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của BSR giảm lần lượt 18% và 86%. Lưu ý rằng Lọc hoá dầu Bình Sơn thực hiện IPO vào 17/1/2018 và chỉ chính thức chuyển đổi sang mô hình CTCP từ 1/6/2018, do đó số liệu so sánh có sự khác biệt.

Trong 6 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định ở 106% công suất để sản xuất sản lượng 3,4 triệu tấn sản phẩm, tương đương 53% kế hoạch cả năm. Doanh thu thuần mang về 50.915 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, BSR đối mặt với nhiều khó khăn như giá dầu thô giảm từ cuối tháng 5, khoảng chênh giữa giá sản phẩm và dầu thô (spread crack) giảm mạnh so với kế hoạch, nguồn cung xăng dầu trong nước được bổ sung từ Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, chính sách thuế nhập khẩu dầu thô chưa được tháo gỡ… Từ đó, BSR ghi nhận lãi sau thuế công ty mẹ gần 900 tỷ đồng, chưa đạt kế hoạch đề ra trong bối cảnh lợi nhuận ngành lọc dầu trên thế giới giảm sâu nhất 20 năm.

So sánh với số liệu 6 tháng đầu năm 2018 (mô hình công ty TNHH), doanh thu và lợi nhuận của BSR nửa đầu năm 2019 giảm lần lượt 9% và 74%.

Trong năm 2019, Lọc hóa dầu Bình Sơn đề ra chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu thu 97.979 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 2.938,8 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty hoàn thành được 31% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Cuối quý II, BSR có tổng tài sản là 52.847 tỷ đồng; phần lớn nằm ở tài sản cố định với hơn 26.000 tỷ đồng, 9.490 tỷ hàng tồn kho, 9.287 phải thu khách hàng, 5.863 tỷ tiền và tương đương tiền. Trong nguồn vốn, công ty có vay nợ tài chính 9.750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.083 tỷ đồng trên vốn điều lệ 31.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm, BSR đã thử nghiệm thành công việc nâng công suất của các phân xưởng NHT/ISOMER/PP lên tương ứng 130%/150%/112%, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chế biến thử nghiệm thành công lô 1 triệu thùng dầu thô WTI của Mỹ lần đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam.

Chuyên đề