Phối cảnh dự án Ga đường sắt Đà Nẵng mới |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Ngọc Đông - đã đề nghị TP. Đà Nẵng nên tính toán đầu tư theo hình thức BT kết hợp giữa việc xã hội hóa thông qua việc khai thác quỹ đất nhà ga cũ và tuyến đường sắt nội thành và đề xuất với trung ương bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn hoặc vốn vay ODA…Một số hạng mục đầu tư cũng cần xác định rõ để giảm chi phí, hoặc chuyển cho nhà đầu tư thực hiện.
Mục tiêu chính của dự án là di dời ga đường sắt ra khu vực phía tây Thành phố nhằm triệt tiêu các xung đột giữa đường sắt và giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, giảm ô nhiễm môi trường; quy hoạch và xây dựng nhà ga mới hiện đại, tiếp cận tốt nhiều loại hình giao thông ở mật độ cao và kết nối thuận lợi với khu vực trung tâm.
Được biết, dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng có tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 3.400 tỷ đồng bao gồm các hạng mục đầu tư: Xây dựng tuyến tránh qua trung tâm Thành phố dài 18,26 km; cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến cũ dài 7 km; xây dựng mới ga hành khách với chức năng đón, trả khách tại Hòa Minh (43,1 ha); nâng cấp ga Lệ Trạch; xây dựng mới các cầu vượt qua sông, đường bộ; xây dựng hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ phục vụ chạy tàu…
Giai đoạn 2 gồm: Xây dựng ga hàng hóa Kim Liên, xây 4 cầu vượt đường bộ và tuyến đường bộ kết nối nhà ga hành khách với Quốc lộ 1A, hầm chui dưới ga mới kết nối Đông-Tây và hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc.
Trước đó, hồi tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý triển khai dự án này theo hình thức PPP và yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc đầu tư theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm các điều kiện khởi công dự án trong năm 2017.