Ảnh: VEC |
Theo VEC, đến thời điểm đóng thầu, có 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Trong đó có ba nhà thầu liên danh, gồm: Liên danh Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) - Công ty CP Đầu tư và Xây lắp công trình giao thông 575; Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông (ELC) - Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương (VVT); Liên danh Công ty CP Viễn thông - Tin học bưu điện (CTIN) - Công ty CP Công nghệ tự động Tầm Nhìn (VVA). Hai nhà thầu độc lập gồm Công ty CP Phần mềm - Tự động hóa - Điều khiển (Cadpro); Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam.
Gói thầu Cung cấp và thi công lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng (ETC) tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thời gian thực hiện Gói thầu trong vòng 3 tháng.
Dự kiến ngày 22/10 tới, VEC sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, đàm phán và ký kết hợp đồng.
VEC đang quản lý, vận hành khai thác 5 tuyến cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Theo báo cáo của VEC, đến thời điểm hiện tại, tổng số trạm thu phí trên các tuyến cao tốc VEC đang khai thác là 27 trạm với 194 làn thu phí.
Tiến độ triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là rất chậm. Ngày 5/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về triển khai thu phí điện tử tự động không dừng tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC có kế hoạch sớm chuyển các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc thuộc phạm vi quản lý sang thu theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.