5 nhà đầu tư cạnh tranh tại cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Tổng vốn đầu tư của Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn
Nha Trang - Cam Lâm giảm xuống còn 5.481,33 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng vốn đầu tư của Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm giảm xuống còn 5.481,33 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, trong quý III/2020, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (bên mời thầu) sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi dự án BOT có tổng mức đầu tư dự kiến 7.615 tỷ đồng này với sự cạnh tranh của 5 nhà đầu tư.

Đây là một trong 5 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Dự án có tổng chiều dài tuyến 49,11 km đi qua tỉnh Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư dự kiến là 7.615 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện Dự án là 2.954 tỷ đồng (chiếm 38,79% tổng mức đầu tư).

Ngày 29/4/2020, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án. Theo đó, có 5 nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm: Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty CP Trường Long; Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô; Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; Liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP 873 xây dựng công trình giao thông - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam; Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Dự kiến, hồ sơ mời thầu Dự án sẽ phát hành từ ngày 21/7 đến 21/9/2020. Phương thức lựa chọn nhà đầu tư là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Thời gian xây dựng công trình Dự án là 24 tháng, thời gian vận hành khai thác và thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho Dự án là 15 năm 11 tháng 26 ngày.

Ngày 6/7/2020, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định điều chỉnh phương án tài chính Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Theo đó, tổng vốn đầu tư của Dự án giảm xuống còn 5.481,33 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện Dự án là 2.954 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn nhà đầu tư huy động) khoảng 2.527 tỷ đồng.

Theo cán bộ đấu thầu của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, việc tổng vốn đầu tư của Dự án giảm khoảng 2.134 tỷ đồng là do giảm bớt một số hạng mục đầu tư sau quá trình rà soát lại tổng mức đầu tư, thẩm định phương án tài chính của Dự án, do áp dụng định mức theo quy định mới của pháp luật. Trong 2.527 tỷ đồng mà nhà đầu tư trúng thầu sẽ góp vào Dự án thì 20% là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, 80% vốn còn lại nhà đầu tư sẽ vay thương mại (tương đương khoảng 2.021 tỷ đồng). Dự kiến, hồ sơ mời thầu Dự án sẽ phát hành từ ngày 21/7 đến 21/9/2020. Phương thức lựa chọn nhà đầu tư là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Thời gian xây dựng công trình Dự án là 24 tháng, thời gian vận hành khai thác và thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho Dự án là 15 năm 11 tháng 26 ngày.

Đây là dự án BOT khá hấp dẫn thu hút 9 nhà đầu tư tham dự sơ tuyển, hứa hẹn sẽ là một cuộc cạnh tranh “sòng phẳng” giữa 5 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án và dự kiến chính thức công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, một cán bộ của Bên mời thầu cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư có thuận lợi hay không còn do hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư, quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư.

Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm chính là việc huy động vốn vay thương mại từ các ngân hàng/tổ chức tín dụng của nhà đầu tư BOT đang gặp khó khăn. Theo vị cán bộ trên, cho đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư vẫn chưa nộp hồ sơ dự thầu và chưa có ngân hàng nào chính thức thông tin về vấn đề này. Theo quy định, nhà đầu tư sau khi trúng thầu mà trong vòng 6 tháng không huy động được đủ vốn đầu tư cho Dự án sẽ phải hủy kết quả đấu thầu và chấm dứt hợp đồng.

Chuyên đề