Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã được hợp long cuối năm 2017. Tuy nhiên, tháng 11/2017, các đơn vị đã phát hiện dầm ngang CB6 bị nứt với vết xé rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m, công trình phải dừng thi công để tiến hành sửa chữa.
Sau thời gian dài tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục, cầu Vàm Cống được thay thế 60% diện tích dầm thép ngang để xóa vết nứt; tiếp đó các đơn vị thi công hoàn chỉnh mặt cầu, căn chỉnh dây văng. Ngày 19/5/2019, công trình đã được khánh thành với niềm vui của người dân đôi bờ sông Hậu.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu.
Cầu Vàm Cống dài 2,97 km, đường dẫn 5,88 km, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450 m, với 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ. Đây là cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ; cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km và bến phà Vàm Cống khoảng 3 km.
Công trình này kết nối quốc lộ 91 (phía TP Cần Thơ) với tuyến đường tránh TP Long Xuyên (An Giang), là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long.
Hầm Cù Mông khởi công tháng 9/2015, điểm đầu tại km 1239+119 quốc lộ 1 (Bình Định), điểm cuối tại km 1247+739 quốc lộ 1 (Phú Yên); tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng theo hình thức BOT.
Ngoài tuyến hầm dài 2,6 km, dự án còn có đường dẫn dài 4 km, đạt vận tốc thiết kế 80 km/h.
Hầm chính gồm hai hầm đơn cách nhau khoảng 30 m. Giai đoạn một sẽ hoàn thiện trước một hầm để khai thác hai chiều; hầm còn lại chỉ đào thông và xây dựng kết cấu chống đỡ, được sử dụng như hầm lánh nạn.
Hầm Cù Mông.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có điểm đầu tại km 45+100, giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn và điểm cuối tại km 108+500, nối với quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.
Cao tốc rộng 25 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án bao gồm xây mới tuyến cao tốc và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 là 12.188 tỷ đồng theo hình thức BOT, khởi công từ tháng 10/2015.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư hạn chế, dự án đã đình trệ trong hai năm khiến Bộ Giao thông Vận tải phải thay đổi nhà đầu tư. Nhà đầu tư mới và các địa phương nỗ lực giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công. Sau 2 năm, tuyến cao tốc đã hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đề ra.
Sau khi khánh thành, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giúp phương tiện di chuyển Hà Nội - Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ so với quốc lộ 1 cũ.
Cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng) được thiết kế theo mô hình "cánh chim biển", kết nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Thiết kế này được cho làm tăng sự đa dạng của không gian văn hóa, cảnh quan của thành phố Hải Phòng, tạo ra sự khác biệt với các cây cầu trên cả nước.
Cầu Hoàng Văn Thụ.
Cầu dài khoảng 1,5 km (gồm cả đường dẫn), rộng 33 m, 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 lề đi bộ. Cây cầu có nhịp chính dài 200 m, dài nhất trong số các cầu vòm thép tại Việt Nam. Vòm thép nặng 500 tấn, dài 87 m, chiều cao nâng gần 50 m. Đây là công trình trọng điểm của thành phố Hải Phòng, được khởi công xây dựng ngày 6/1/2017 và thông xe vào tháng 10.
Cầu Hoàng Văn Thụ còn là công trình khởi đầu cho việc di chuyển trung tâm hành chính - chính trị thành phố Hải Phòng sang vị trí có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn.
Vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) dưới thấp dài 5,5 km, điểm đầu từ ngã tư Mai Dịch, điểm cuối là cầu Thăng Long. Tuyến đường có mặt cắt ngang từ 56 đến 93 m, gồm hai làn đường, mỗi bên có 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), mở rộng gấp 3 lần so đường cũ. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.113 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.824 tỷ đồng.
Dự án này giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Bắc Hà Nội.
Đường vành đai 3 phía dưới đã hoàn thành, phía trên là cầu cạn đang được thi công
Mặc dù tuyến đường đã thông xe vào ngày 10/10, song mặt bằng nhiều đoạn vẫn quây kín phục vụ thi công cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, dự kiến hoàn thành năm 2020. Sau khi hoàn thành đường trên cao, vành đai 3 Hà Nội sẽ được khép kín đồng bộ theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô.