Ảnh minh họa: Internet |
Nghiên cứu của Deloitte được thực hiện nhằm mục đích tìm hiểu sự phát triển của chiến lược phân tích dữ liệu và thương mại kỹ thuật số giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng tại 3 nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Qua khảo sát, có thể thấy có tiếng nói chung về những giá trị mà phân tích dữ liệu mang lại cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng. Tất cả những người tham gia khảo sát đều đồng ý rằng, đầu tư vào phân tích dữ liệu giúp cắt giảm chi phí và hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, phần lớn kỳ vọng tổ chức của họ sẽ gia tăng mức đầu tư vào phân tích dữ liệu.
Lợi ích hàng đầu mà phân tích dữ liệu mang lại là tối ưu hóa công tác vận hành, tuy nhiên việc dữ liệu chưa tích hợp vẫn là rào cản chính cho việc sử dụng phân tích dữ liệu |
73% người tham gia khảo sát đánh giá tối ưu hóa vận hành là lợi ích hàng đầu mà việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu mang lại. Tuy nhiên, tích hợp dữ liệu vẫn là rào cản chính đối với việc áp dụng phân tích dữ liệu cho phần lớn những người tham gia khảo sát (88%).
Tất cả những người tham gia khảo sát cho biết có sự can thiệp của con người vào việc trích xuất dữ liệu thủ công để đưa ra các báo cáo dữ liệu có ý nghĩa. Ngược lại, việc phụ thuộc nhiều vào các phương pháp thủ công này dẫn đến một loạt vấn đề, bao gồm tăng tỷ lệ sai sót; diễn giải dữ liệu chưa chính xác; tốn thời gian trong việc nhận diện dữ liệu; việc kiểm soát chất lượng căng thẳng đồng thời khiến nguồn lực bị phân tán, không tập trung cho các nhiệm vụ kinh doanh cốt lõi.
Năng lực tiếp thị số (digital marketing) được coi là lợi ích hàng đầu của việc tận dụng các kênh thương mại số; tuy nhiên, nỗ lực sử dụng các kênh thương mại điện tử đang gặp phải một số thách thức đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xung đột kênh, lo ngại về mất thị phần trên chính những kênh bán hàng do tổ chức quản lý và lỗ hổng trong khả năng hỗ trợ công nghệ thông tin.
Tại báo cáo, nhóm nghiên cứu của Deloitte tổng kết 3 xu hướng chính tóm tắt các động lực định hình hành trình ngành hàng tiêu dùng đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số.
Thứ nhất là xây dựng doanh nghiệp số. Thông qua việc ứng dụng phân tích dữ liệu vào chiến lược thương mại kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng tại Đông Nam Á đang tìm cách tận dụng những cơ hội để đáp ứng tốt hơn những mong đợi của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần tăng cường các công cụ phân tích thương mại, chẳng hạn như phân tích tiếp thị kỹ thuật số và định giá linh hoạt.
Thứ hai là nuôi dưỡng văn hóa số. Để thực sự đạt được sự trưởng thành về mặt kỹ thuật số, các công ty tiêu dùng ở Đông Nam Á sẽ cần tập trung vào việc thực hiện những thay đổi có mục đích rõ ràng đối với văn hóa tổ chức của họ. Ngược lại, điều này đòi hỏi phải phát triển tư duy kỹ thuật số của tổ chức, cũng như định hướng rõ ràng từ phía lãnh đạo về việc xây dựng môi trường văn hóa đi từ cấp cao.
Cuối cùng là áp dụng cách tiếp cận đa kênh một cách liền mạch. Theo báo cáo, giảm thiểu được những mối lo ngại về Covid-19 trên khắp Đông Nam Á, người tiêu dùng lại có xu hướng quay lại yêu thích những kênh mua hàng trực tiếp. Do đó, các công ty tiêu dùng cũng cần để tâm vào việc phát triển và áp dụng cách tiếp cận đa kênh mà theo đó, có thể tích hợp trải nghiệm khách hàng một cách liền mạch trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp.