Nhiều đề nghị của các luật sư bào chữa cho lãnh đạo Navibank không được tòa chấp nhận. |
Ngày 12/3, sau ba ngày tạm dừng chờ VKSND Tối cao bổ sung tài liệu, chứng cứ cho việc giải quyết vụ án, phiên xét xử ông Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank) và đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần xét hỏi.
Mở đầu buổi làm việc, thẩm phán, chủ tọa Vũ Thanh Lâm (Phó toà Hình sự TAND TP HCM) thông báo không chấp nhận yêu cầu của 12 luật sư bào chữa cho 8 bị cáo trong vụ án về việc triệu tập ông Quảng Đức Tuyên, thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM (hiện là Phó chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM)- chủ toạ phiên toà phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn một, để làm rõ một số vấn đề liên quan kiến nghị của bản án phúc thẩm.
Theo HĐXX, việc kiến nghị triệu tập thẩm phán Quảng Đức Tuyên, cho thấy các luật sư hiểu không đúng tố tụng. Bản án phúc thẩm Huyền Như giai đoạn một là của HĐXX phúc thẩm, không phải cá nhân của ông Tuyên. Bản án đó đã có hiệu lực pháp luật, thẩm quyền xem xét bản án phúc thẩm không phải thẩm quyền của HĐXX trong phiên toà này.
Trước đó, theo các luật sư, bản án phúc thẩm giai đoạn một vụ án Huyền Như có nêu kiến nghị VKSND Tối cao và Bộ Công an làm rõ trách nhiệm hình sự của những người có thẩm quyền tại Navibank đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng, hưởng lãi suất vượt trần, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xử lý thỏa đáng. Tại trang 87 của bản án, HĐXX phúc thẩm cho rằng 200 tỷ đồng của Navibank bị Như chiếm đoạt tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.
Tuy nhiên, kết luận điều tra lại xác định số tiền trên bị Như chiếm đoạt ở VietinBank Chi nhánh TP HCM. Ngoài ra còn một số vấn đề khác mà nhận định của HĐXX không đúng với các chứng cứ, tài liệu trong vụ án Navibank mà TAND TP HCM đang xét xử sơ thẩm, nên cần triệu tập chủ tọa phiên tòa phúc thẩm.
Ngoài ra, trong thời gian tạm dừng phiên toà, một số luật sư có đơn yêu cầu HĐXX triệu tập các điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình tố tụng của vụ án. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng không được HĐXX chấp nhận. Theo tòa, quá trình xét xử , những vấn đề chưa rõ, có mâu thuẫn đã được đại diện VKSND TP HCM thừa uỷ quyền của VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại toà sẽ làm rõ trong phần tranh luận. Việc triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên là không cần thiết.
Trong phiên làm việc hôm nay, chủ tọa cho biết, VKSND Tối cao đã gửi bổ sung các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của HĐXX gồm: bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn một, bản sao kê tài khoản của bốn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khoản tiền 200 tỷ đồng Navibank bị Huyền Như chiếm đoạt.
Trong những ngày làm việc trước đó, HĐXX, VKS, gần 30 luật sư lần lượt thẩm vấn các lãnh đạo, cán bộ của Navibank về sai phạm trong việc gửi tiền sang Vietinbank để Như chiếm đoạt. Tuy nhiên, có đến 9 trong số 10 bị cáo kêu oan cho rằng mình không cố ý làm trái.
Theo cáo buộc, từ năm 2010 đến 2011, ông Trí chủ trì cuộc họp Hội đồng tín dụng, thống nhất chủ trương lách luật, cấp 1.543 tỷ đồng cho nhân viên đứng tên hợp đồng tiền gửi vào Vietinbank với lãi suất lên đến 22,5% một năm. Tổng cộng, Navibank đã nhận của Như gần 24 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng.
Do cần tiền trả nợ vì làm ăn thua lỗ, Như đã làm giả các chứng từ hồ sơ, chữ ký chiếm đoạt tiền của Navibank. Đến thời điểm tất toán hợp đồng, Như còn nợ Navibank 200 tỷ đồng.
Năm 2015, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên phạt Huyền Như án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Tòa cũng tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra xét xử lại nhằm làm rõ hành vi Tham ô tài sản của Như và vai trò của Tuấn trong việc chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty liên quan. Trước Tết, Huyền Như đã bị TAND TP HCM đưa ra xét xử giai đoạn hai và tuyên phạt mức án chung thân, Võ Anh Tuấn nhận 7 năm tù.
Quá trình điều tra lại, VKSND Tối cao truy tố thêm 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (hiện là Ngân hàng TMCP Nam Việt).