11 tháng, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 11, mới thoái vốn nhà nước tại 14 doanh nghiệp (DN) với giá trị sổ sách là 1.209 tỷ đồng, thu về 3.088 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số kế hoạch 40.000 tỷ đồng.
Tập đoàn FPT là 1 trong 6 doanh nghiệp trung ương thuộc danh mục thực hiện thoái vốn năm 2022. Ảnh: MQ st
Tập đoàn FPT là 1 trong 6 doanh nghiệp trung ương thuộc danh mục thực hiện thoái vốn năm 2022. Ảnh: MQ st

Theo Bộ Tài chính, việc triển khai công tác cổ phần hóa DN trong năm 2021 là không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý. Đồng thời, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị DN, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

Bộ Tài chính dự kiến, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các DN trung ương trong năm 2022 có khả năng đạt được khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; khoản tồn, dư từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các địa phương có thể nộp vào ngân sách địa phương trong năm 2022 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ, trong năm 2022 và những năm sau, Bộ Tài chính cho rằng, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc của DN thuộc danh mục để thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2022 - 2024 đảm bảo khả thi.

Dự kiến có 6 DN trung ương thuộc danh mục theo Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 7/9/2016 thực hiện thoái vốn năm 2022. Đó là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; Tập đoàn FPT; Tổng công ty CP Bảo Minh; Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam; Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư