10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Trong số 10 thành phố có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới hiện nay, có tới 9 thành phố ở Ấn Độ...
Ô nhiễm không khí đang là một vấn đề lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới - Ảnh: Getty/CNBC.
Ô nhiễm không khí đang là một vấn đề lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới - Ảnh: Getty/CNBC.

Hãng tin CNBC cho biết, đây là đánh giá được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về ô nhiễm tại các thành phố toàn cầu.

Bản báo cáo xác định mức độ ô nhiễm của hơn 4.000 thành phố tại 100 quốc gia bằng cách so sánh mật độ bình quân PM2.5. Đây là loại hạt ô nhiễm nguy hiểm nhất trong không khí bởi có kích thước nhỏ đến nỗi có thể xâm nhập vào phổi và gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Dưới đây là 10 thành phố dẫn đầu về mức độ ô nhiễm, theo báo cáo của WHO:

1. Kanpur, Ấn Độ

Thành phố Kanpur thuộc miền Bắc Ấn Độ có mật độ hạt PM2.5 trong không khí là 173 microgam/mét khối, cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị của WHO là không quá 10 microgram/mét khối.

2. Faridabad, Ấn Độ

Đây là thành phố lớn nhất và đông dân nhất của bang Haryana và tiếp giáp với thủ đô New Delhi. Giao thông đông đúc chỉ là một trong những yếu tố khiến mật độ hạt PM2.5 trong không khí Faridabad lên tới mức 172 microgram/mét khối.

3. Varanasi, Ấn Độ

Là nơi có dòng sông Hằng chảy qua, Varanasi được xem là miền đất tâm linh của Ấn Độ. Người hành hương Hindu thường tắm trên con sông này, nhưng chất lượng không khí ở thành phố có vẻ như đã suy giảm tới mức nghiêm trọng. Mật độ hạt PM2.5 trong không khí ở Varanasi đã lên tới 151 microgram/mét khối.

4. Gaya, Ấn Độ

Một thành phố thánh địa khác của Ấn Độ với nhiều đền thờ Hindu và Phật giáo. Mật độ hạt PM2.5 trong bầu không khí của thành phố này là 149 microgram/mét khối.

5. Patna, Ấn Độ

Là một thành phố cổ rộng lớn nằm bên bờ sông Hằng, Patna rất ồn ào và luôn trong tình trạng tắc nghẽn giao thông, với mật độ hạt PM2.5 trong không khí là 144 microgram/mét khối.

6. Delhi, Ấn Độ

Từng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, thủ đô của Ấn Độ giờ đây đã trở nên sạch hơn, nhưng mật độ bình quân hạt PM2.5 trong bầu không khí của thành phố còn cao, ở mức 143 microgram/mét khối.

7. Lucknow, Ấn Độ

Lucknow nổi tiếng với kiến trúc Mugahl và những tòa nhà từ thời thực dân, nhưng những công viên của thành phố không đủ để đưa nơi này "thoát" khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Bầu không khí của thành phố có mật độ hạt PM2.5 bình quân là 138 microgram/mét khối.

8. Bamenda, Cameroon

Không giống như những thành phố mù mịt khói bụi của Ấn Độ, thành phố Bamenda của Cameroon có chất lượng không khí suy giảm do tình trạng phá rừng bừa bãi. Mật độ hạt PM2.5 trong không khí ở thành phố này là 132 microgram/mét khối.

9. Agra, Ấn Độ

Thành phố thuộc bang Uttar Pradesh này là nơi có đền thờ Taj Mahal nổi tiếng. Tuy vậy, Agra đang tụt hậu nhanh chóng về chất lượng không khí. Khói từ các bếp nấu gia đình và khói xe hơi khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, với mật độ hạt PM2.5 bình quân là 131 microgrma/mét khối.

10. Muzaffarpur, Ấn Độ

Thành phố này có khí hậu rất nóng nực và ẩm ướt trong mùa hè, với nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C. Không chỉ vậy, mật độ hạt ô nhiễm PM2.5 trong bầu không khí của thành phố là 120 microgram/mét khối.

Chuyên đề