1. Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch ASEAN
Tháng 6/2019, Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, với số phiếu bầu cao kỷ lục (192/193 phiếu). Kết quả này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình hội nhập, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Cũng trong năm qua, Việt Nam đã chính thức tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020. Việt Nam đã chọn chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” với trọng tâm phát huy sức mạnh nội lực của Hiệp hội thông qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, trong đó có gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng cũng như sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 càng thêm có ý nghĩa khi sự kiện này đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam bước vào "mái nhà chung" ASEAN.
2. Nền kinh tế đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc nhóm hàng đầu khu vực
Năm 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02% trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên thế giới gia tăng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam hoàn thành tất cả 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận Việt Nam là quốc gia tiến nhanh nhất thế giới về năng lực cạnh tranh với mức tăng 10 bậc.
Năm qua, Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017. Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,45%/năm giai đoạn 2010 - 2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm. Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi, phản ánh đúng bức tranh, hiện trạng của nền kinh tế. Các con số này sẽ dùng để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.
3. EVFTA và IPA chính thức được ký kết, CPTPP có hiệu lực - bước ngoặt lớn của quá trình hội nhập quốc tế
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được ký kết sau 9 năm đàm phán. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại - mức cắt giảm thuế cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đã từng ký kết, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Trong khi đó, EVIPA sẽ góp phần tích cực giúp Việt Nam xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Trước đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
4. Xuất nhập khẩu lần đầu vượt 500 tỷ USD
Dù kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang có xu hướng tăng chậm lại, chiến tranh thương mại phủ bóng lên nhiều quốc gia, xuất hiện xu hướng bảo hộ mậu dịch và gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 517 tỷ USD.
Bên cạnh đó, xuất siêu đạt 9,9 tỷ USD, cao hơn con số ước tính 9,12 tỷ USD đưa ra trước đó. Xuất siêu năm nay đạt kỷ lục và là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Năm 2019 cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn rất nhiều khu vực FDI...
5. Bộ Chính trị ra nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0. Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết ra đời thể hiện rõ tầm nhìn, bản lĩnh và thể hiện khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng này.
Ngày 2/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). NIC có chức năng hỗ trợ DN thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đồng thời nâng cấp công nghệ để đạt hiệu quả cao hơn, năng suất cao hơn, cạnh tranh hơn. NIC sẽ kết nối, hỗ trợ và hợp tác với các cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, tạo thành hệ thống đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước. Thông qua NIC, DN khởi nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ. Đồng thời, đây sẽ là điều kiện để Việt Nam đạt được sự tăng trưởng vượt bậc về nguồn vốn đầu tư đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tối đa cộng đồng khởi nghiệp.
6. Hủy đấu thầu quốc tế, thực hiện đấu thầu trong nước 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Cơ hội cho DN Việt phát huy nội lực
Sau 4 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ Giao thông vận tải quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Lý do điều chỉnh là nhằm triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt tạo cơ hội để DN trong nước phát huy nội lực, tham gia đầu tư Dự án. Tổng mức đầu tư của 8 dự án là 88.237 tỷ đồng, gồm 36.532 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và 51.702 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
7. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về FDI, vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030”. Sau 30 năm thu hút vốn FDI, việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề về FDI đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn.
Năm 2019, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 10,2% so với năm 2018, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 46% - lớn nhất từ trước đến nay, tăng mạnh 17,3% so với năm 2018.
Vốn FDI tiếp tục giữ đà phát triển, số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tính đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018. Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.
8. Doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục
Trong năm 2019, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với các năm trước với 138.139 DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số DN và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp DN thành lập mới tiếp tục xác nhận những kỷ lục. Có được kết quả đó là do sự nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng DN. Với định hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành cùng DN, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải cách hành chính. Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho các DN phát triển. Năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, được cộng đồng DN, nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
9. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dậy sóng
Năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự “bùng nổ” trước động thái siết tín dụng trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ và rủi ro đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu thông tin, kinh nghiệm…
Theo báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2019 của SSI Retail Research, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp thực tế phát hành 11 tháng năm 2019 đạt khoảng 237.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), tăng 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018. Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành 94.000 tỷ đồng, chiếm 45,5% toàn thị trường; các doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 71.312 tỷ đồng, chiếm 34,5%... Kỳ hạn và lãi suất bình quân toàn thị trường lần lượt là 3,71 năm và 8,7%/năm.
10. Thể thao Việt Nam đạt thành tích cao, bóng đá vô địch SEA Games 30
SEA Games 30 đã đánh một dấu mốc quan trọng trên đấu trường thể thao khi đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích cao, vượt xa sự kỳ vọng với 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 105 huy chương đồng, xuất sắc đứng ở vị trí thứ hai toàn đoàn. Đặc biệt, cả hai đội tuyển bóng đá nữ và nam đều đoạt huy chương vàng, kết quả làm nức lòng người hâm mộ.
Với sự quả cảm, ý chí kiên cường, sự tận tụy hết mình trong thi đấu của các cầu thủ, dưới sự chèo lái của huấn luyện viên Park Hang Seo, U22 Việt Nam đã chấm dứt cơn khát huy chương vàng kéo dài suốt gần 6 thập kỷ của bóng đá nam, mang vinh quang về cho Tổ quốc.