VNPT tiếp tục bán vốn góp tại 4 doanh nghiệp

(BĐT) - Ngày 27 và 28 tháng 12 tới đây Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phần của 4 công ty xây lắp và dịch vụ bưu điện tại các tỉnh Gia Lai, Kiên Giang, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu mà VNPT đang nắm giữ.
VNPT dự kiến thu về ít nhất 36,7 tỷ đồng từ 4 thương vụ thoái vốn sắp tới. Ảnh: Gia Khoa
VNPT dự kiến thu về ít nhất 36,7 tỷ đồng từ 4 thương vụ thoái vốn sắp tới. Ảnh: Gia Khoa

Dồn dập thoái vốn

Cụ thể, ngày 27/12, VNPT sẽ thực hiện bán đấu giá 1 lô gồm 20.000 cổ phần của Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Kiên Giang (tương đương 40% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là gần 5,5 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn gấp gần 2,75 lần so với tổng giá trị theo mệnh giá của lô cổ phần này. Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Kiên Giang có vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp công trình bưu điện; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác,…

Cùng ngày, VNPT sẽ thực hiện thoái toàn bộ 26.000 cổ phần của Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Cà Mau (tương đương 43,33% vốn điều lệ). Phương thức thoái vốn được thực hiện thông qua bán đấu giá theo lô và số lô cổ phần được bán là 1. Mức giá khởi điểm là hơn 19,4 tỷ đồng, cao gấp gần 7,5 lần so với tổng giá trị theo mệnh giá. Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Cà Mau có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thiết bị truyền thông, hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan,...

Còn trong ngày 28/12, VNPT sẽ thực hiện bán đấu giá 1 lô 192.796 cổ phần của Công ty CP Xây lắp và Phát triển Bưu điện Gia Lai (tương đương 34,08% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là gần 5,4 tỷ đồng, cao hơn gấp gần 2,8 lần so với tổng giá trị theo mệnh giá. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, bảo trì các công trình bưu chính viễn thông; xây dựng công trình công nghiệp; xây dựng trạm phát sóng di động…; có vốn điều lệ hơn 5,6 tỷ đồng.

Đồng thời, VNPT cũng thực hiện thoái toàn bộ 200.000 cổ phần của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông Vũng Tàu (tương đương 40% vốn điều lệ). Mức giá khởi điểm là gần 6,4 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần so với tổng giá trị theo mệnh giá. Đây là doanh nghiệp chuyên xây dựng công trình công nghiệp, xây dựng công trình điện; xây dựng công trình đường ống cấp thoát nước; xây dựng công trình thông tin liên lạc và bưu chính viễn thông…

Nếu thực hiện thoái vốn thành công tại 4 công ty trên, VNPT sẽ thu về ít nhất 36,7 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh 2016 đều tăng trưởng

Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bưu chính Viễn thông Vũng Tàu lần lượt là gần 9,5 tỷ đồng và 0,17 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,02% và 17,72% so với năm 2015. Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2016 có cải thiện nhưng thu nhập trên một cổ phần (EPS) năm 2016 của doanh nghiệp này chỉ đạt 343 đồng.

Đối với Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Cà Mau, năm 2016 doanh nghiệp này đạt 26,2 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,49% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 50,27% so với năm 2016.

Tương tự 2 doanh nghiệp trên, kết quả kinh doanh năm 2016 của Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Bưu điện Kiên Giang ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2016 đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 69,5% so với với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,18 tỷ đồng, tăng 60,11% so với năm 2015.

Trong số các doanh nghiệp được thoái vốn nêu trên, Công ty CP Xây lắp và Phát triển Bưu điện Gia Lai có hiệu quả kinh doanh tốt nhất với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 đạt 22,08%. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của doanh nghiệp này lần lượt là 15,5 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,2% và 21,58% so với năm 2015.

Chuyên đề