Tìm vốn cho bất động sản trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang dự định sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN đang là nỗi lo của các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản tìm vốn ở 3 nguồn chính: nguồn tự có, nguồn người mua góp vốn và nguồn tín dụng ngân hàng. Trong đó, đối với phần lớn dự án bất động sản thương mại, nguồn vốn phải trông cậy là nguồn vốn từ ngân hàng. Do đó, các chính sách hoặc phương thức huy động sẽ tác động mật thiết tới sự tồn tại và phát triển của thị trường bất động sản.
Những năm gần đây, sự phục hồi của thị trường bất động sản có công lao, đóng góp lớn của ngân hàng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36 theo hướng nâng cao hệ số rủi ro từ 150% lên 250% và giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn vào dự án trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40% khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
“Là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chúng tôi hết sức thận trọng khi quyết định vay vốn đầu tư, các phương án kinh doanh luôn chuẩn bị giả định cho tình huống xấu nhất. Vì vậy, luôn được các ngân hàng mời chào vay vốn. Do đó, dù ngân hàng có kiểm soát tín dụng và nâng hệ số rủi ro lên 250% thì công ty chúng tôi cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xét về toàn cục thị trường, việc sửa đổi Thông tư 36 lại đang gây lo lắng”, ông Hiệp khẳng định.
Theo doanh nghiệp này, cách kiểm soát tín dụng bất động sản tốt nhất hiện nay là phải rạch ròi, kiểm soát chặt chẽ, thậm chí không nên cho phép tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án bất động sản.
“Đây là nguy cơ dễ xảy ra tình trạng vỡ tín dụng nhất, một khi ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn huy động để đầu tư vào bất động sản. Nếu bất động sản trầm lắng hoặc khủng hoảng thì số vốn của ngân hàng đó và dự án sẽ mặc kẹt, gây vỡ trận ngay”, ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị, thay vì siết tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng của ngân hàng thương mại với chủ đầu tư dự án làm sao phải thật đảm bảo an toàn. Mỗi ngân hàng thương mại cần xác định tiêu chí cho vay của mình đối với doanh nghiệp bất động sản. Ví dụ, căn cứ vào tổng vốn vay/vốn điều lệ của doanh nghiệp, căn cứ lịch sử tín dụng của doanh nghiệp, điều kiện cụ thể của dự án xin vay… Những tiêu chí này nếu được ngân hàng thương mại thực hiện chặt chẽ khi giải ngân thì sẽ không có tình trạng mộ số doanh nghiệp thoải mái “ôm” dự án nằm chờ như hiện nay.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, năm 2016 sẽ tiếp tục có một lượng lớn vốn đầu tư đổ vào thị trường bất động sản. Đây là giai đoạn cần có sự tham gia tích cực của hệ thống tín dụng ngân hàng theo hướng nới lỏng cơ chế cho vay, với chi phí vốn hợp lý hỗ trợ trực tiếp cho các chủ đầu tư các dự án có sản phẩm dở dang thuộc các vùng lân cận có tiềm năng phát triển. Đây cũng là cơ hội tốt để các ngân hàng trăng trưởng tín dụng. Dù vậy, cần nởi lỏng tín dụng vào phía cầu (người mua nhà) hơn là phía cung (doanh nghiệp).
Đặc biệt, PGS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng vay vốn để hỗ trợ các ngân hàng cho vay nhà ở xã hội.
Ngoài ra, để thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, cần đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản (hình thành các quỹ đầu tư bất động sản, cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở…), thay vì chỉ phụ thuộc vào vốn ngân hàng.