Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm vẫn đảm bảo do hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả khả quan. Ảnh: Lê Tiên |
Tiền “túi con” không chảy vào “túi bố”
Năm 2015, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN vượt dự toán 85.770 tỷ đồng, nhưng NSTW lại hụt thu 2.260 tỷ đồng khiến việc cân đối hết sức khó khăn mặc dù 58/63 địa phương lại “rủng rỉnh” vì vượt thu. NSTW không đạt dự toán, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế, có nguyên nhân chính là giá dầu thô giảm 43,8% so với giá dự toán.
Cân đối NSNN quý I và nhiều khả năng cả năm nay tiếp tục “kịch bản” của năm 2015 khi mà số thu từ dầu thô mới đạt 8.900 tỷ đồng, bằng 16,4% dự toán, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2015. Số thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu cũng chỉ đạt 20,2% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2015, nếu trừ đi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu thì số thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu mới đạt 27.600 tỷ đồng, bằng 16% dự toán, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Luật NSNN, có khoản thu NSTW được hưởng 100%, trong đó có các khoản thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu và các khoản thu liên quan đến dầu thô (thuế tài nguyên, thuế thu nhập DN, lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí); có khoản “ăn chia” giữa NSTW và ngân sách địa phương; và có khoản ngân sách địa phương được hưởng 100%.
“Giá dầu giảm, chi phí của DN giảm, lợi nhuận gia tăng, nên ngân sách địa phương tăng thu trong khi NSTW lại giảm thu do giá dầu giảm và thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm. Cũng như trong gia đình, NSTW được ví như “túi bố” còn ngân sách địa phương được ví như “túi con”. Chỉ có chuyện tiền từ túi bố chảy sang túi con, khi con cái gặp khó khăn về tài chính, thu không đủ chi thì bố phải “viện trợ không hoàn lại” (năm 2015 có 5 địa phương hụt thu 1.400 tỷ đồng, NSTW phải cấp bù). Ngược lại, khi bố gặp khó khăn trong cân đối, thu không đủ chi trong khi hầu hết các con “rủng rỉnh” tiền bạc cũng không hỗ trợ trở lại cho bố. Đây là nguyên nhân vì sao mặc dù năm 2015, tổng thu NSNN tăng 85.770 tỷ đồng, nhưng cân đối ngân sách vẫn hết sức căng thẳng. Với diễn biến giá dầu trong 4 tháng đầu năm, câu chuyện diễn ra tương tự”, ông Phụng diễn giải.
Trước viễn cảnh “bố bị cháy túi”, tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015, Quốc hội đã cho phép sử dụng 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cuối cùng số tiền này đã không phải dùng đến (do 3 tháng cuối năm tăng lượng khai thác dầu thô và thu được khoảng 1.900 tỷ đồng tiền thuế của Metro - Cash and Carry). Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, số tiền 10.000 tỷ đồng chưa dùng đến năm 2015 chuyển qua năm 2016 để sử dụng nhằm đối phó với giá dầu giảm. Ngoài ra 10.000 tỷ đồng trong tổng số 40.000 tỷ đồng tiền bán cố phần nhà nước tại DN trong năm 2016 cũng sẽ được đưa vào cân đối ngân sách trong điều kiện “túi bố” bị thâm thủng trong khi “túi các con” vẫn rủng rỉnh tiền bạc.
Không điều chỉnh dự toán
Tuy nhiên, ngay cả trường hợp giá dầu tăng trở lại và giá thanh toán bình quân đạt 40-45 USD/thùng thì số thu từ dầu thô cũng hụt 25-35% so với dự toán (giảm thu 13.625 - 19.075 tỷ đồng). “Theo Luật NSNN năm 2015, Bộ Tài chính có quyền đề nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh NSNN trong trường hợp cần thiết. Đây là phương án xấu nhất, nhưng với diễn biến thu - chi NSNN trong những tháng đầu năm và dự kiến những tháng cuối năm thì chưa cần thiết phải điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2016”, ông Tuế khẳng định.
Theo ông Tuế, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 4 tháng đầu năm thừa hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 rất ấn tượng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của quý IV/2015 (tăng 7,01% - đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2011) nên thu NSNN vẫn bảo đảm. Hơn nữa, phải đến ngày 31/12 các tập đoàn, tổng công ty mới khóa sổ để quyết toán, mới biết số thu ngân sách năm nay tăng, giảm thế nào, vì thế chưa nên vội đặt vấn đề điều chỉnh dự toán ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai cũng khẳng định: “Không thể vì thu NSNN gặp khó khăn mà tự ý điều chỉnh các sắc thuế để tăng thu. Trong Chiến lược phát triển tài chính giai đoạn 2011 - 2020, trong những năm tới sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số sắc thuế, có thể có thuế sẽ làm tăng mức đóng góp của tổ chức, cá nhân, DN vào NSNN; ngược lại có thể có sắc thuế sẽ làm giảm mức đóng góp. Nhưng tăng hay giảm phải phù hợp với tình hình thực tế, chứ không phải do NSNN gặp khó khăn mà sửa đổi chính sách thuế để tăng thu”.