Đồng đôla đã lên cao nhất một thập kỷ so với các tiền tệ lớn trên thế giới. Và 3 chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ tháng trước đã lập kỷ lục cùng một ngày - lần đầu tiên trong hơn 20 năm.
Đây cũng là lần đầu tiên, chứng khoán các nước phát triển tăng, còn nhiều nước mới nổi giảm, mạnh nhất là Ghana và Mexico. Chứng khoán Nga và Venezuela tăng vọt, nhưng chủ yếu nhờ tin OPEC đồng ý cứu giá dầu. Trong 94 chỉ số chứng khoán chính trên thế giới đang được Bloomberg theo dõi, hơn hai phần ba tăng điểm. Tổng cộng, trong một tháng qua, chứng khoán thế giới có thêm 2.000 tỷ USD.
Diễn biến trái chiều của cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu trong một tháng qua.
Tuy nhiên, các thị trường khác lại không như vậy. Tháng trước là tháng tệ nhất của trái phiếu toàn cầu, còn đồng yen Nhật mất giá mạnh nhất 21 năm so với USD. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với dự báo của giới phân tích và nhà đầu tư, khi cho rằng nhu cầu tài sản trú ẩn sẽ tăng vọt sau khi ông Donald Trump chiến thắng
Những dự báo đó đã xảy ra, nhưng chỉ trong 8 giờ, với đồng yen và trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng giá mạnh khi kết quả kiểm phiếu có lợi cho ông Trump. Nhưng khi thị trường cân nhắc cam kết giảm thuế, tăng chi tiêu và giảm quy định kiểm soát để hồi sinh lạm phát và tăng trưởng kinh tế của ông Trump, xu hướng bắt đầu đảo ngược.
Câu hỏi đặt ra là liệu tình hình hiện tại có thể kéo dài bao lâu? Khi chỉ còn hơn một tháng nữa là Trump nhậm chức và phải đối mặt với hàng tá thách thức tại Quốc hội nếu muốn được thông qua các đề xuất chính sách trên. Còn hiện tại, mọi ánh mắt đều đang đổ dồn đến cuộc họp tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với khả năng tăng lãi suất ngày càng cao.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên trước phản ứng khá lớn của thị trường từ đó đến nay", James Audiss - Giám đốc quản lý tài sản tại Shaw and Partners nhận xét, "Điều này thật không thể tin nổi. Giờ tất cả đang xoay quanh Fed và tốc độ tăng lãi suất. Nhưng dù gì, thị trường vẫn đang rất thích tài sản rủi ro".
Trên thị trường trái phiếu, chỉ Bahrain và Nga là đi lên. Trong khi đó, 20 thị trường trái phiếu quốc gia lớn nhất thế giới đều có mức giảm kỷ lục, mạnh nhất là Nhật Bản và Mexico.
Câu hỏi đặt ra với nhà đầu tư hiện tại là: Với nhiều thay đổi chỉ trong một tháng sau chiến thắng của ông Trump như vậy, liệu sẽ còn những gì xảy ra nữa? Nhà đầu tư Carl Icahn thì cho biết giờ ông không mua vào. "Cái đêm họ khiến chứng khoán giảm cả nghìn điểm ấy, tôi đã mua cổ phiếu. Tôi cho rằng việc này rất điên rồ. Nhưng tôi sẽ không nói nên mua bây giờ đâu, vì có vẻ nó đang quá đà rồi".